Nhiều công ty Mỹ vẫn sẵn sàng 'bắt tay' với Trung Quốc, bất chấp lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump. (Nguồn: Global Times) |
Sự bất mãn của các công ty Mỹ
Trong chiến dịch tranh cử đầu tiên của mình vào năm 2016, Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại. Ông Trump cho rằng, khái niệm này là sự trả lại cho nước Mỹ vị trí thống trị trong ngành công nghiệp thế giới.
Tổng thống Trump đã nói rằng tình trạng thiếu việc làm là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao và các vấn đề xã hội của nước Mỹ. Ông liên tục chỉ trích “công xưởng của thế giới” là Trung Quốc đã cướp đi cơ hội việc làm của người Mỹ. Và kết quả là ông đã gây ra cuộc chiến thương mại vì quan ngại về tình trạng mất cân bằng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sau đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hướng sang “mặt trận” công nghệ. Chính quyền Mỹ tin rằng, Trung Quốc đang phát triển mạnh về kinh tế nhờ vào Mỹ, vì Mỹ đã cho phép Trung Quốc gia công nhiều sản phẩm và công nghệ của chính họ.
Tin liên quan |
Chiến tranh lạnh công nghệ Mỹ-Trung Quốc : Có hay không? |
Tuy nhiên, các xu hướng thực tế phức tạp hơn thế nhiều. Nhiều công ty Mỹ như Intel hay Apple vẫn đang sở hữu nhiều cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Trong hơn 40 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng một cơ sở hạ tầng sản xuất tuyệt vời và nắm bắt được chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, bao gồm cả Mỹ, đã không mang lại lợi nhuận cho hầu hết các công ty, ngay cả sau khi Mỹ áp thuế.
Theo khảo sát mới công bố của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc được thực hiện với sự hợp tác của tập đoàn PwC Trung Quốc, chỉ có 4% số công ty tham gia khảo sát cho biết sẽ dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Mỹ, trong khi 14% số công ty được hỏi sẵn sàng dịch chuyển sản xuất sang một số quốc gia khác. Hơn 80% số doanh nghiệp được khảo sát không muốn thay đổi bất cứ điều gì.
Sự bất mãn hiện nay của các công ty Mỹ cũng được giải thích bởi thực tế là khoảng một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc là bán thành phẩm vì chúng được sử dụng làm đầu vào để trở thành một bộ phận của thành phẩm.
Vì vậy, ngay cả những doanh nghiệp không có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp linh kiện Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, thuế quan do chính quyền Tổng thống Trump áp đặt khiến chi phí gia tăng đối với các doanh nghiệp này.
Do đó, các công ty khởi kiện không chấp nhận tình trạng mà theo họ là sự gia tăng phi pháp cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thông qua việc thực hiện các đợt áp thuế thứ ba và thứ tư với hàng Trung Quốc.
Khó tách biệt hoàn toàn
Mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc hiện nay thường được gọi là một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và các phương tiện truyền thông Mỹ nói về khả năng cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh tế và chính trị giữa hai nước.
Nhưng trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã không có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Còn mạng lưới quan hệ thương mại dày đặc giữa Mỹ-Trung Quốc đã được hình thành từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, không thể bị phá vỡ trong một sớm một chiều.
Do đó, hai nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ không thể tách biệt hoàn toàn trong ngắn hạn hay trung hạn, chuyên gia Alexander Gabuev, người đứng đầu chương trình châu Á-Thái Bình Dương của Nga tại Trung tâm Carnegie ở Moscow, nhận định.
“Tất nhiên, nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế Mỹ có quan hệ mật thiết với nhau ở cấp độ cấu trúc. Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, tức là, Trung Quốc hỗ trợ gián tiếp vai trò của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu, cho phép Washington bù đắp cho thâm hụt ngân sách của mình. Hai nước cũng có liên hệ chặt chẽ trong lĩnh vực công nghệ, trong đó những thứ được phát minh ở Mỹ hầu hết đều được sản xuất tại Trung Quốc", ông Alexander Gabuev cho hay.
Mặt khác, cũng theo chuyên gia này, trong các sản phẩm của Trung Quốc có các thành phần của Mỹ. Theo phía Trung Quốc, các công ty Mỹ kiếm được khoảng 70 tỷ USD mỗi năm tại Trung Quốc. Mặc dù mức độ phụ thuộc của các công ty Mỹ là khác nhau, nhưng có những công ty gắn bó rất chặt chẽ với thị trường Trung Quốc, trong số đó có cả những công ty dân sự như Apple và những công ty liên kết với tổ hợp công nghiệp-quân sự như Boeing”.
Tin liên quan |
Cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Trump: ‘Gậy ông đập lưng ông’? |
Mặc dù vậy, theo chuyên gia Gabuev, có một số yếu tố tạo điều kiện để nền kinh tế Trung Quốc dần tách biệt khỏi kinh tế Mỹ.
Thứ nhất, cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc đã thay đổi. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đã tăng gấp 10 lần trong 20 năm qua và năm nay chỉ số này đã vượt 10.000 USD.
Với GDP năm 2019, Trung Quốc vượt qua hầu hết các nước đang phát triển, giá nhân công Trung Quốc đang tăng cao. Do đó, một số công ty đang coi Ấn Độ hoặc các nước Đông Nam Á có thể thay thế Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới”.
Thứ hai, đại dịch Covid-19 đã cho thấy rõ rằng, việc bố trí các cơ sở sản xuất tại một quốc gia duy nhất tạo ra thêm nhiều rủi ro. Ví dụ, khi Vũ Hán bị cách ly, Apple bắt đầu nói về việc giảm mạnh sản lượng của mình, vì nhà máy sản xuất các sản phẩm của công ty nằm ở Vũ Hán.
Cuối cùng, các công ty địa phương ở Trung Quốc đang có được sức mạnh và sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn. Do đó, về lâu dài, các công ty Mỹ sẽ cố gắng không “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, ông Gabuev nói.
Chuyên gia Gabuev cho rằng, Trung Quốc đã phát triển các công ty thành công có thể cạnh tranh với các công ty Mỹ, tận dụng cơ hội để áp đặt các hạn chế đối với các đối thủ cạnh tranh nước ngoài và chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.
Mặc dù các công ty Mỹ vẫn có "miếng bánh" thị phần rất lớn ở Trung Quốc, nhưng thị phần của họ bắt đầu thu hẹp nhanh chóng và dự báo là tiêu cực. Ngoài ra, còn có các động lực chính trị đến từ Chính quyền Tổng thống Trump và rất có thể sẽ đến từ ứng viên Joe Biden nếu ông thắng cử, bởi vì vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế mà còn là một yếu tố địa chính trị.
| TikTok 'đâm đơn' lên tòa án Mỹ đề nghị chặn lệnh cấm của Tổng thống Trump TGVN. Ngày 23/9, TikTok đã đệ đơn đề nghị lên tòa án liên bang ở Mỹ, hối thúc một phán quyết có thể ngăn chặn ... |
| Ông Trump đang biến Mỹ thành ‘phiên bản lỗi’ của Trung Quốc? TGVN. Theo phân tích của Tạp chí Chính trị Thế giới (World Politics Affairs) số ra ngày 16/9, dường như Chính quyền của Tổng thống ... |
| 'Đòn gió' của ông Trump với Trung Quốc TGVN. Phải chăng ông Trump đang thực thi “nghệ thuật của thỏa thuận” đối với Trung Quốc bằng cách thuyết phục Bắc Kinh đưa ra ... |