Bất động sản mới nhất: Khách hàng chỉ nên chọn những dự án đã đảm bảo hoàn thiện về mặt pháp lý, phải được cấp phép bán nhà hình thành trong tương lai. (Ảnh: BXD) |
Chuyên gia cảnh báo một số vấn đề mua nhà hình thành trong tương lai
Theo Tienphong, báo cáo thị trường tháng 8 của DKRA Vietnam chỉ ra, khu Đông và khu Nam đang tiếp tục dẫn đầu nguồn cung căn hộ tại TPHCM. Theo đó, tỷ lệ nguồn cung lần lượt đạt mức 72% và 28% trong tổng số sản phẩm được mở bán trong tháng vừa qua.
Cũng tại báo cáo, DKRA chỉ ra rằng, ở thị trường sơ cấp, một số dự án quy mô lớn, hình thành hiện hữu, tiện ích đồng bộ, tiến độ xây dựng nhanh có mức tăng giá lên đến 15 - 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, theo quan sát của đơn vị này, hiện tại nguồn cung căn hộ giá rẻ và tầm trung, mức giá từ 30 - 40 triệu đồng/m2 đang biến mất khỏi thị trường. Báo cáo tháng 8 của DKRA Vietnam ghi nhận phân khúc căn hộ hạng A vẫn đang dẫn dắt thị trường trong khi các phân khúc còn lại hoàn toàn không có nguồn cung mới.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, các dự án căn hộ đang mở bán giai đoạn tiếp theo thuộc phân khúc tầm trung sẽ nắm giữ nhiều lợi thế bởi nguồn cung quá ít so với nhu cầu và có thể tận dụng được nguồn vốn mới bổ sung cho thị trường.
Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, hai năm dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai sản phẩm cũng như xây dựng của nhiều chủ đầu tư. Đồng thời, việc chi phí vật liệu, nhân công, vận chuyển gia tăng khiến nhiều dự án phải tạm ngừng việc thi công, dẫn đến dự án chậm tiến độ, không thể hoàn thành theo cam kết, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người mua nhà.
Vì thế, bên cạnh yếu tố pháp lý, việc xây dựng đúng tiến độ cam kết là yếu tố khiến nhiều dự án sắp hoàn thiện chiếm được sự ưu ái của người mua nhà. Việc dự án đảm bảo sự minh bạch và hoàn chỉnh về mặt pháp lý được khách hàng ưu tiên lựa chọn, sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để sở hữu.
Do đó, những dự án pháp lý hoàn thiện ngay từ giai đoạn đầu triển khai không chỉ làm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm mà còn mang lại sự an tâm hơn cho khách hàng khi quyết định mua. Còn những dự án kiểu "cầm đèn chạy trước ô tô" sẽ khó xin phép xây dựng.
Vì thế, không ít chuyên gia khuyến nghị, trước khi xuống tiền mua nhà, khách hàng chỉ nên chọn những dự án đã đảm bảo hoàn thiện về mặt pháp lý, phải được cấp phép bán nhà hình thành trong tương lai và có uy tín trong việc ra sổ cho cư dân cũng như tiến độ xây dựng ở các dự án đã triển khai trước đó.
Ngoài ra, DAKA còn đề cập việc Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng trên toàn hệ thống. Theo đó, sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sắp được chảy vào thị trường bất động sản, hứa hẹn tạo nên cú hích cho lĩnh vực này.
Nha Trang yêu cầu dừng tách thửa đất
Việc dừng tách thửa nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng hiến đất làm đường, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền không phù hợp đất giao thông theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Văn bản của TP Nha Trang xác định, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với phần diện tích đất sử dụng chung cho các hộ dân (với mục đích làm lối đi chung khi tách thửa) là chưa phù hợp quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai năm 2013, quy định: "Nguyên tắc sử dụng đất là phải đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất".
TP Nha Trang cũng cho biết, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa đã dự thảo hoàn chỉnh và trình UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt Quyết định quy định hạn mức giao đất; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; điều kiện tách thửa, hợp thửa theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Do đó, để đảm bảo thống nhất việc thực hiện thủ tục tách thửa đúng quy định về đất đai, phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, TP Nha Trang tạm dừng việc tách thửa cho đến khi Quyết định quy định tách thửa mới được ban hành, làm cơ sở thống nhất việc thực hiện chính sách đất đai trên địa bàn toàn tỉnh Khánh Hòa.
Phối cảnh một đoạn đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. (Ảnh: ND) |
Chốt bàn giao mặt bằng sạch toàn tuyến Vành đai 4 vào cuối năm 2023
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng vừa ký ban hành Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (dự án) trên địa bàn TP Hà Nội.
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng chỉ đạo phải thống nhất chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của dự án; vận động nhân dân thực hiện chủ trương, quyết định thu hồi đất; tăng cường kiểm tra, giám sát về công tác quản lý dân cư, quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tiếp công dân, tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo và giải quyết, trả lời đúng quy định pháp luật...
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy gồm Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín thành lập Tổ công tác cấp huyện do Bí thư cấp ủy làm tổ trưởng, Chủ tịch UBND quận, huyện làm tổ phó; thành lập bộ phận tiếp công dân chuyên trách phục vụ dự án từ thành phố đến các xã, phường, thị trấn.
7 quận, huyện trên cũng có trách nhiệm ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể cho Bí thư, Phó Bí thư, các Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành, các phòng, ban, ngành, các xã, phường nơi có dự án đi qua và huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị.
Chỉ thị nêu rõ, mỗi địa phương cần xác định rõ lộ trình, thời hạn hoàn thành; ban hành quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ công tác; giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với các khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, bảo đảm không phát sinh điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự; giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Chỉ thị cũng yêu cầu các địa phương gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành đúng tiến độ giải phóng mặt bằng để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Định kỳ giao ban kiểm điểm tình hình, kết quả thực hiện, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. Kịp thời đề xuất, báo cáo UBND thành phố giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng".
Về tiến độ cụ thể, các huyện hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ công tác giải phóng mặt bằng trước quý II/2023; các quận, huyện tổ chức bàn giao 60-70% diện tích đất đã giải phóng mặt bằng xong trước quý III/2023 và bàn giao toàn bộ phần diện tích còn lại trong quý IV/2023.
Chi tiết thủ tục đo đạc, xác định lại ranh giới đất
Đo đạc, xác định lại ranh giới đất là nhu cầu chính đáng của người sử dụng. Vấn đề này đã được Luật Đất đai 2013 quy định và được hướng dẫn tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP.
Trường hợp muốn cấp lại sổ mới
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, trường hợp của bạn được phép cấp sổ đỏ mới. Bạn sẽ thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT về hồ sơ địa chính thì người sử dụng đất cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ như sau: Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 10/ĐK (Lưu ý: Đơn đăng ký biến động đất đai cần ghi rõ yêu cầu cấp sổ mới); Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp; CMND/CCCD, hộ khẩu.
Bước 2: Nộp hồ sơ.
Nộp hồ sơ tại chi nhánh văn phòng đất đai.
Sau khi người nộp hồ sơ đăng ký biến động đất đai thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, văn phòng đăng ký đất đai trả Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất.
Trường hợp trích đo lại diện tích đất đai
Theo Khoản 1, Khoản 3 Điều 5 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì đo đạc, xác định lại ranh giới đất thuộc chức năng của văn phòng đăng ký đất đai.
Đồng thời, Điều 72a Nghị định này quy định về trình tự, thủ tục xác định lại diện tích đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận như sau: Nộp hồ sơ: Người sử dụng đất nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị xác định lại diện tích đất ở tại văn phòng đăng ký đất đai. Nơi chưa thành lập văn phòng đăng ký đất đai thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện sẽ tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân.
Trong trường hợp có nhu cầu nộp hồ sơ tại UBND cấp xã thì UBND cấp xã nơi có đất là cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và chuyển hồ sơ đến văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền. Thành phần hồ sơ cho việc xin đo đạc lại đất bao gồm: Đơn xin xác nhận việc đo đạc lại đất để cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Đơn đề nghị xác định lại diện tích đất ở (theo quy định của văn phòng đăng ký đất đai); Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã có.
Tổ chức đo đạc: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất căn cứ hồ sơ có liên quan và nội dung xác nhận của UBND cấp xã tiến hành lập hợp đồng đo vẽ, lập hồ sơ địa chính theo quy định và thông báo cho người sử dụng đất thời gian xuống kiểm tra, đo đạc thực tế.
Sau khi ký hợp đồng đo vẽ, lập hồ sơ địa chính; văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sẽ bố trí cán bộ xuống đo đạc kiểm tra thực tế theo lịch và thiết lập 1 bộ hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật.
Nhận kết quả đo đạc, xác định lại ranh giới đất: Sau khi nhận được thông báo về việc đến nhận kết quả đo, người sử dụng đất đến thanh lý hợp đồng và nhận hồ sơ tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.