Bất động sản mới nhất: Đại biểu quốc hội đề nghị xử lý trách nhiệm nếu để dự án treo, chậm tiến độ. (Ảnh minh họa - Nguồn: Vietnamplus) |
Dự án treo, chậm tiến độ mỗi năm lại tăng, đại biểu Quốc hội hiến kế xử lý
Ngày 31/10, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo của đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Theo báo cáo này, thực trạng hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ.
Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án, trong đó có nhiều dự án phải xử lý hình sự.
Hàng nghìn dự án thuộc đối tượng Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi.
Theo báo cáo chưa đầy đủ của 61/63 tỉnh, thành, tính đến ngày 31/12/2021, có 908 dự án có khó khăn, vướng mắc với diện tích là 28.155 ha chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng, nhưng mới xử lý thu hồi đất và chấm dứt hoạt động 172 dự án với diện tích là 6.922ha; chưa xử lý 404 dự án với diện tích là 18.308 ha.
Quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường còn nhiều tồn tại, bất cập, sử dụng không hiệu quả và tiềm ẩn thất thoát lớn nguồn thu ngân sách nhà nước.
Đến tháng 12/2021, vẫn còn 28 địa phương chưa phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; vẫn còn 305.043ha diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp có phương án bàn giao về địa phương chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng.
Từ thực tế trên, đoàn giám sát của Quốc hội yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí; 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất...
Đề cập vấn đề lãng phí trong sử dụng đất, nhất là các dự án treo, quy hoạch treo, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, đây là "sự lãng phí vô cùng lớn".
Theo ông Thông, lãng phí nguồn lực đất đai, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của địa phương, làm mất đi cơ hội phát triển của đất nước. Nhưng, sự lãng phí to hơn, lớn hơn đó là làm suy giảm, lãng phí niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với Nhà nước.
"Những ai có đất, có nhà trong vùng dự án treo, quy hoạch treo mới thấu hiểu được nỗi khổ của người dân", ông Thông nhấn mạnh.
Vị đại biểu này cũng đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ để người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo giảm bớt khó khăn.
Theo đó, cần kiên quyết, thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ; đánh thuế cao với đất không sử dụng; quy định 3 hoặc 5 năm nếu quy hoạch không triển khai thực hiện thì đương nhiên quy hoạch đó không còn giá trị pháp lý. Đồng thời xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan.
Sửa quy định về quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại để cho thuê
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Nghị định 90/2022/NĐ-CP ngày 28/10 về quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.
Các đối tượng áp dụng trong Nghị định bao gồm: Bộ Ngoại giao và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Ngoại giao được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại; Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài và đối tượng khác được phía Việt Nam bố trí, cho thuê nhà, đất phục vụ đối ngoại để sử dụng làm trụ sở, nhà ở tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Theo Nghị định, việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng và các pháp luật khác có liên quan.
Trường hợp các Điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam là thành viên có quy định khác thì thực hiện theo Điều ước quốc tế đã ký. Đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch…
Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại để cho thuê thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi (nếu có).
Đối với các cơ sở nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ đối ngoại đang cho thuê theo Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) theo quy định của pháp luật trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) đã ký. Sau khi hết thời hạn thuê hoặc chấm dứt Hợp đồng (hoặc Thỏa thuận) trước thời hạn đã ký thì việc cho thuê nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Nghị định 90/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2022, thay thế Quyết định 56/2014/QĐ-TTg về việc quản lý, sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước.
Hà Nội: Thêm 8 dự án nhà ở người nước ngoài được sở hữu
Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách dự án cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở trên địa bàn thành phố năm 2022.
Theo đó, Hà Nội có thêm 8 dự án nhà ở các quận gồm Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Long Biên, Hoàng Mai, Tây Hồ được phép bán cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Cụ thể, tại quận Bắc Từ Liêm có dự án nhà ở cao tầng N03-T3 và T4 Khu đoàn ngoại giao (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam); dự án nhà ở thấp tầng tại ô đất TT6-2 thuộc Khu chức năng đô thị Tây Tựu (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân La).
Quận Long Biên có công trình chung cư cao tầng lô HH4 và HH5 thuộc dự án Khai Sơn City (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Khai Sơn); dự án xây dựng nhà ở cao tầng để bán tại ô đất ký hiệu CT7 phường Phúc Đồng (chủ đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Long Biên).
Quận Tây Hồ có dự án nhà ở cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ và nhà ở thấp tầng tại lô đất CT01 Khu đô thị Nam Thăng Long (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bất động sản Wonderland); chung cư cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ và nhà ở thấp tầng tại lô đất CT02A Khu đô thị Nam Thăng Long (chủ đầu tư là Công ty cổ phần Sunshine Sky Villa).
Quận Hoàng Mai có 1 dự án là tòa nhà chung cư NO-02, NO-04 thuộc dự án nhà ở thấp tầng và khu tái định cư kết hợp thương mại tại phường Hoàng Liệt (chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Linh Đàm).
Quận Nam Từ Liêm có 1 dự án là khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh, số 55 đường K2 phường Cầu Diễn (chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Chế tạo biến thế và vật liệu điện Hà Nội).
Phối cảnh Dự án nhà ở xã hội trên đồi Ngân hàng, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. (Nguồn: DT) |
Quảng Ninh: Hưởng ứng Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030
Ngày 30/10, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh đã diễn ra lễ khởi công Dự án Khu nhà ở xã hội khu dân cư đồi ngân hàng tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh do Liên danh Nhà đầu tư CTCP Tư vấn đầu tư tài chính Toàn cầu và CTCP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội thực hiện.
Đây là công trình Quảng Ninh thiết thực hưởng ứng Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030” Bộ Xây dựng trình Chính phủ.
Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng dành nhiều sự quan tâm đến công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thể hiện qua việc đã quy hoạch trên 600ha quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội, 55ha đất nhà ở cho công nhân gắn liền với khu công nghiệp.
Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, trong đó đã khởi công xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô 2.327 căn hộ (tương ứng 187.000m2 sàn), trong đó đã hoàn thành 612 căn hộ, tương ứng với 46.000m2 sàn, dự kiến trong năm 2023 sẽ khởi công thêm một số dự án nhà ở xã hội khác.
Liên danh CTCP Tư vấn đầu tư tài chính Toàn cầu và CTCP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội là những nhà đầu tư đã đạt được những thành tựu nhất định trong phát triển bất động sản thương mại, đã cho ra thị trường những dự án uy tín, chất lượng như: Dự án C1, C2 KĐT Trung Hòa – Nhân Chính, Dự án 1152 – 1154 đường Láng, Dự án 30A Lý Thường Kiệt tại Hà Nội, Dự án Green Diamond tại Hạ Long…
Tiếp nối những thành công đó, bên cạnh việc triển khai mở rộng đầu tư các dự án nhà ở thương mại, Liên danh nhà đầu tư bắt đầu dành sự quan tâm đầu tư nhà ở xã hội, trong đó phải kể đến Dự án khu nhà ở xã hội khu dân cư đồi Ngân hàng tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.361 tỷ đồng.
Dự án dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2026, có quy mô 3 khối nhà chung cư, gồm 986 căn hộ, cung cấp hơn 67.800 m2 sàn, nằm ở vị trí thuận lợi, có nhiều các dịch vụ, tiện ích đồng bộ, sử dụng các giải pháp thiết kế thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.