📞

Bất động sản mới nhất: Điểm danh 4 vùng đô thị, đề xuất xây dựng bảng giá đất đến từng thửa, lý do Thanh Oai lại dừng đấu giá đất

H.A 07:35 | 05/10/2024
Công bố quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; huyện Thanh Oai, Hà Nội bất ngờ tạm dừng đấu giá đất, Bộ Tài nguyên - Môi trường đề xuất xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Bất động sản mới nhất: Với quy hoạch đô thị và nông thôn vừa được phê duyệt, trong những năm tới việc phát triển đô thị sẽ được định hình gồm 4 vùng đô thị. (Ảnh: Linh An)

Diện tích nhà ở tại đô thị đạt 32m2/người vào năm 2030

Ngày 3/10, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị công bố quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trước đó, quy hoạch này đã được Thủ tướng phê duyệt vào cuối tháng 8.

Trình bày tóm tắt quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, TS.KTS Phạm Thị Nhâm, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, cho biết, đến nay cả nước đã hình thành 2 vùng đô thị lớn là Hà Nội, TPHCM. Định hướng phát triển trong những năm tới sẽ có 4 vùng đô thị: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ.

Thời gian tới mạng lưới đô thị Việt Nam sẽ phát triển theo mô hình vùng đô thị và các đô thị trung tâm cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh và cấp huyện.

Đô thị trung tâm cấp quốc gia là những đô thị đặc biệt, đô thị loại I sẽ giữ vai trò đô thị động lực, là cực tăng trưởng chủ đạo trong phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, lãnh thổ.

Với quy hoạch đô thị và nông thôn vừa được phê duyệt, trong những năm tới việc phát triển đô thị sẽ được định hình gồm 4 vùng đô thị.

Cụ thể, vùng đô thị lớn Hà Nội có Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Nguyên, Hoà Bình và Phú Thọ.

Vùng đô thị lớn TPHCM, gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang.

Vùng đô thị Đà Nẵng, gồm TP Đà Nẵng, Huế, những đô thị lân cận thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Vùng đô thị Cần Thơ, gồm TP Cần Thơ, các đô thị lân cận thuộc các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp.

Quy hoạch này cũng định hướng phát triển Hà Nội, TPHCM thành những cực tăng trưởng quan trọng của quốc gia.

Quyết định phê duyệt quy hoạch đặt ra mục tiêu về tỷ lệ đô thị hoá năm 2030 đạt trên 50%, năm 2050 đạt 70%, với số lượng đô thị toàn quốc từ khoảng 1.000 đến 1.200 đô thị, trong đó hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng, có thu nhập tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; kinh tế khu vực đô thị đóng góp khoảng 85% vào GDP cả nước.

Bên cạnh đó, xây dựng được mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 16-26%, diện tích nhà ở bình quân tại đô thị đạt 32m2/người.

Huyện Thanh Oai, Hà Nội bất ngờ tạm dừng đấu giá đất

UBND huyện Thanh Oai vừa có thông báo dừng tổ chức các cuộc đấu giá đối với 197 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.

Lý do là để đảm bảo công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện đúng theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.

UBND huyện cho biết, sau khi kiểm tra, rà soát hồ sơ cùng các điều kiện pháp lý đảm bảo theo chỉ đạo của UBND TP, huyện sẽ tiếp tục thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.

Ngay sau đó, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam - đơn vị tổ chức đấu giá cũng có thông báo dừng tổ chức các cuộc đấu giá 58 thửa đất và 73 thửa đất tại khu vực Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.

Theo thông báo này, các khách hàng sẽ được hoàn lại tiền mua hồ sơ và tiền đặt trước đã nộp.

Trước đó, đơn vị tổ chức đấu giá đã thông báo đấu giá quyền sử dụng 58 thửa đất tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man (thuộc dãy ONT-07 và ONT-08), dự kiến diễn ra vào sáng 5/10.

Các thửa đất có diện tích từ hơn 76-189m2, giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2. Khách hàng tham gia đấu giá đất phải nộp trước khoảng 81-201 triệu đồng.

Đối với 73 thửa đất khác tại cùng khu vực, cũng có giá khởi điểm 5,3 triệu đồng/m2. Diện tích từ 87,5 - 161m2, tương đương từ 463 triệu đồng đến 926 triệu đồng/thửa. Số tiền đặt cọc cho mỗi thửa từ 93 - 185 triệu đồng. Phiên đấu giá này dự kiến tổ chức vào ngày 19/10.

Đây không phải lần đầu huyện Thanh Oai thông báo tạm dừng đấu giá đất. Trước đó, ngày 29/8, UBND huyện Thanh Oai có văn bản gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và công ty tổ chức đấu giá về việc tạm dừng tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 114 thửa đất tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương.

Theo kế hoạch, huyện Thanh Oai sẽ đấu giá 114 thửa đất này trong hai phiên (mỗi phiên 57 thửa đất). Trong đó, 57 lô đợt 1 được tổ chức đấu giá vào ngày 8/9.

UBND huyện cho biết sẽ thông báo tổ chức lại cuộc đấu giá sau khi rà soát pháp lý, điều kiện, đảm bảo theo đúng quy định pháp luật.

Đề xuất xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất

Theo Nghị định số 71 của Chính phủ ban hành hồi tháng 6 quy định về giá đất, Bộ Tài nguyên - Môi trường có trách nhiệm quy định chi tiết về xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Trong khi hiện chưa có quy định cụ thể về xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn. Do đó, theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, để phù hợp với luật Đất đai 2024 và các văn bản quy phạm pháp luật cũng như thực tiễn yêu cầu của công tác quản lý đất đai trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng và ban hành thông tư là rất cần thiết.

Để xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn, dự thảo quy định thu thập thông tin, dữ liệu để đánh giá điều kiện khu vực xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn, gồm: Bản đồ địa chính số; không gian thửa đất và không gian đất đai nền trong cơ sở dữ liệu đất đai; thông tin đăng ký quyền sử dụng đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; dữ liệu về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...

Căn cứ lựa chọn thửa đất chuẩn là thửa đất phải có tần suất xuất hiện các đặc tính về diện tích, hình thể, kích thước trong vùng giá trị nhiều nhất.

Trường hợp các thửa đất trong vùng giá trị có nhiều loại diện tích với tần suất như nhau thì chọn thửa đất theo thứ tự ưu tiên thửa đất có diện tích gần nhất với diện tích bình quân của các thửa đất trong vùng giá trị.

Trường hợp các thửa đất trong vùng giá trị có nhiều hình dạng phức tạp, xuất hiện với tần suất như nhau thì lựa chọn thửa đất theo thứ tự ưu tiên thửa đất tương đối giống hình chữ nhật, hình vuông làm thửa đất chuẩn.

Cùng với đó, thửa đất ít có biến động về vị trí, mục đích, hình dáng, quy hoạch. Có ranh giới rõ ràng, đầy đủ pháp lý về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất (nếu có), không bị tranh chấp về quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất (nếu có).

Dự thảo Thông tư này sử dụng phân tích thống kê để xác định cách thức điều chỉnh đối với từng mức độ chênh lệch của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất.

Căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, kết quả xác định cách thức điều chỉnh đối với từng mức độ chênh lệch của từng yếu tố ảnh hưởng đến giá đất bằng phân tích thống kê, tổ chức thực hiện định giá đất phân tích, đánh giá và dự thảo bảng tỷ lệ so sánh.

Ngoài ra, tổ chức thực hiện định giá đất khảo sát ý kiến chuyên gia về dự thảo bảng tỷ lệ so sánh bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp hoặc tổ chức hội thảo lấy ý kiến; tổng hợp ý kiến và đề xuất bảng tỷ lệ so sánh trong báo cáo thuyết minh xây dựng bảng giá đất.

Trên cơ sở kết quả định giá các thửa đất trong từng vùng giá trị, tổ chức thực hiện định giá đất xác định mức chênh lệch giá đất của các thửa liền kề có cùng mục đích sử dụng trong từng vùng giá trị, mức chênh lệch giá đất của các thửa đất liền kề có cùng mục đích sử dụng giữa các vùng giá trị.

Đồng thời, tổ chức thực hiện định giá đất khảo sát, lấy ý kiến người sử dụng đất, chuyên gia về sự phù hợp của kết quả định giá các thửa đất trong từng vùng giá trị so với các thửa đất tương đồng nhất định đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian 24 tháng tính từ thời điểm khảo sát trở về trước...

Các trường hợp thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp theo Luật Đất đai năm 2024

Khoản 2, Điều 152 Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 có hiệu lực từ tháng 8/2024 quy định Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho 6 trường hợp.

Cụ thể:

a) Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp;

b) Cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp;

c) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm cấp giấy chứng nhận;

đ) Giấy chứng nhận đã cấp bị Tòa án có thẩm quyền tuyên hủy;

e) Trường hợp đấu giá, giao quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của Tòa án, cơ quan thi hành án mà người phải thi hành án không nộp giấy chứng nhận đã cấp.

Như vậy, những trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định như trên.

(tổng hợp)