Tị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở. (Nguồn: Novaland) |
Giá nhà gấp 20 lần thu nhập
Thông tin nhà ở và thị trường BĐS quý I năm nay của Bộ Xây dựng cho thấy, giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3% so với thời điểm cuối năm 2021. Tại Hà Nội, giá nhà chung cư tăng khoảng 4-5%, cao hơn so với tại TPHCM tăng khoảng 1-2% so với cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độ tăng cao hơn so với căn hộ chung cư, bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước.
Sang cuối tháng 3 năm nay, tại một số địa phương, các vùng ven Hà Nội, TPHCM và các tỉnh Thái Bình, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Đồng Nai… lại có hiện tượng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, một số nơi mức giá tăng 15- 20% so với cuối năm 2021. Tình trạng này tương tự thời điểm cuối quý I đầu quý II năm 2021, tuy nhiên, mức độ lan rộng và biên độ tăng giá thấp hơn.
Trước đó, đánh giá về thị trường BĐS hiện nay, Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cho rằng, thị trường đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân và nhà ở xã hội. Đây là 2 loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị.
Cũng theo HoREA, do thiếu cung trong lúc tổng "cầu" rất lớn, mà theo quy luật cung - cầu đã dẫn đến tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong hơn 5 năm qua. Biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội.
Thực trạng này làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở. Trong khi so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập.
Yêu cầu xác định sát giá bất động sản khi tính thuế
Từ cuối năm 2021 đến nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã nhiều lần chỉ đạo Tổng cục Thuế, các cục thuế địa phương thực hiện biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có phản ánh ở một số nơi, cán bộ thuế gây khó khăn, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế khẩn trương tham mưu giải pháp để xác định sát giá thị trường nhằm tránh thất thu thuế; cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan Nhà nước có liên quan thực hiện hiệu quả biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế được yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của công chức. Mỗi quý phải có báo cáo đánh giá kết quả công tác chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Kết quả thanh tra hồ sơ người nộp thuế khai bổ sung nhưng không thay đổi giá chuyển nhượng.
Tín dụng đổ nhiều nhất vào phân khúc nào?
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo về tình hình nguồn vốn rót vào thị trường BĐS tính đến quý I năm nay.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 188.105 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. (Nguồn: Vietnam+) |
Cụ thể, về tình hình cấp tín dụng, Bộ Xây dựng dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/3, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 783.942 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 188.105 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 45.532 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,8%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 33.335 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3%.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 33.509 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.898 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,4%.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 121.153 tỷ đồng, chiếm 15,4%; với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 101.071 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12,9%.
Còn lại, dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh BĐS khác đạt 203.339 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25,9%.
Tính đến cuối tháng 3, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 4,03%. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng đang tăng nhanh hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (báo cáo của Tổng cục Thống kê).
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi...
Về tình hình phát hành trái phiếu trong lĩnh vực BĐS, dẫn thống kê của SSI và HNX, Bộ Xây dựng cho biết, trong quý I năm nay, có tổng cộng 48 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị khoảng 30.998 tỷ đồng (chiếm 78,09% tổng giá trị phát hành) và 9 đợt phát hành ra công chúng giá trị 8.696 tỷ đồng (chiếm 21,91% tổng giá trị phát hành).
Kể từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng tăng 13,78% so với cùng kỳ năm trước (chiếm 21,9% tổng giá trị phát hành) và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 24,17%, đạt 30.998 tỷ đồng (chiếm 78,09% tổng giá trị phát hành).
Nhóm BĐS hiện dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng khối lượng phát hành đạt 17.211 tỷ đồng, chiếm 43,36% tổng giá trị phát hành.
Dự báo nhu cầu BĐS bán lẻ gia tăng sau đại dịch
Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) nhận định, 3 năm qua, trong khi nguồn cung BĐS bán lẻ tăng trưởng chậm thì nhu cầu của các nhãn hàng, các thương hiệu lớn nhỏ đang không ngừng phục hồi sau dịch bệnh.
Mức giá cho thuê BĐS bán lẻ, đặc biệt tại các trung tâm thương mại các thành phố lớn được dự báo sẽ tăng trưởng rõ rệt trong thời gian tới.
Theo VARS, tại TPHCM, mức giá cho thuê mặt bằng dự kiến tăng trưởng 1,5-3,5% trong năm tới. Hà Nội do mức ảnh hưởng bởi dịch bệnh chưa thực sự rõ rệt nên mức tăng giá cho thuê mặt bằng được dự báo thấp hơn, ở vào khoảng 1-1,5%
Cùng đó, thị trường bán lẻ Việt Nam đang dần hồi phục, hứa hẹn tương lai tích cực cho BĐS bán lẻ, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Các chuyên gia cũng nhận định, hiện bán lẻ đang là một trong những ngành kinh tế năng động nhất của Việt Nam, duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm ở mức hai chữ số trong hàng thập niên.
Tháng 4/2022, tổng mức bán lẻ Việt Nam tăng 12,1% so với cùng kỳ 2021 và đây là kết quả tích cực so với mức giảm 3,8% trong năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trên thực tế sự trỗi dậy của ngành bán lẻ Việt Nam sau đại dịch không chỉ đến từ tăng trưởng thu nhập bình quân cũng như thu nhập khả dụng của người dân mà còn ở việc dịch chuyển thói quen mua sắm.
Mua sắm hiện không chỉ đáp ứng nhu cầu ăn, mặc, tiêu dùng, mà còn thể hiện nhu cầu trải nghiệm, đặc biệt sau thời gian dài việc đi lại bị dồn nén do các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Tất cả các yếu tố này đã tạo thành cơ hội tốt cho lĩnh vực BĐS bán lẻ lấy đà tăng tốc. Người dân sẽ được đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của người tiêu dùng - điều mà thương mại điện tử và các hình thức mua sắm online không thể đáp ứng.
Tại thị trường Hà Nội, giá thuê mặt bằng tầng 1 trong quý I/2022 tăng khoảng 5% so với quý trước với mức công suất thuê ổn định. TPHCM cũng tương tự với các khách thuê lớn đang dẫn dắt nhu cầu thị trường.