Bất động sản mới nhất: Khởi công dự án Imperium Tower tại số 16 Phước Long, phường Phước Long, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. |
Thuê mặt bằng, giới kinh doanh như ‘ngồi trên đống lửa’
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Sự giãn cách xã hội, nỗi lo lây nhiễm dịch bệnh khiến tình hình kinh doanh vô cùng ảm đạm.
Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh cà phê, ăn uống với chi phí mặt bằng lớn "ngồi trên đống lửa". Dù phải ngừng kinh doanh hoặc bán với số lượng rất ít bởi chỉ cho mang về, họ chia sẻ vẫn phải duy trì rất nhiều chi phí, trong đó phí thuê mặt bằng chiếm rất lớn.
Chia sẻ khó khăn cho người thuê mặt bằng, không ít chủ nhà đã chấp nhận giảm tiền thuê. Thậm chí có chủ nhà còn hào phóng miễn hẳn tiền thuê trong vòng một tháng. Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp may mắn khi được chia sẻ trong khó khăn.
Theo khảo sát, với đợt dịch mới bùng phát này, dù khó khăn là rất lớn nhưng rất nhiều người kinh doanh cho biết vẫn chưa đàm phán được tiền hỗ trợ cho thuê mặt bằng. Trong khi đó, từ phía chủ nhà, nhiều người cũng than thở khó khăn bởi dịch bệnh cũng đang tác động công việc, kinh doanh của họ rất nhiều.
Tuy nhiên dù thế nào, việc hỗ trợ, chia sẻ chi phí mặt bằng trong thời điểm dịch bệnh khó khăn là một trong các giải pháp được đưa ra để giảm thiệt hại cho cả hai bên. Ở một số trường hợp, đây cũng là cách "cứu vãn" cho chính chủ nhà.
Những đợt dịch liên tiếp suốt gần một năm rưỡi qua khiến nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang, công ty lữ hành, kinh doanh đồ ăn uống hay làm đẹp... đóng cửa im lìm. Nhiều của hàng treo biển sang nhượng vì không chịu được chi phí thuê nhà, nhân viên.
Bà Từ Thị Hồng An - Giám đốc cho thuê thương mại Savills Việt Nam - cho biết: "Trong thời gian vừa qua, những ảnh hưởng của Covid-19 đã gây ra khá nhiều khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các đơn vị bán lẻ. Thị trường đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trả mặt bằng, hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh".
Các doanh nghiệp, người thuê cho biết không ít chủ nhà, đơn vị cho thuê mặt bằng chia sẻ bằng cách miễn, giảm phí thuê nhưng vẫn còn nhiều chủ nhà không giảm, thậm chí khi được trả lại mặt bằng đã đưa ra nhiều điều kiện khó khăn đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung thì hậu quả nhiều khi sẽ là mặt bằng bị bỏ trống trong thời gian dài, thực sự lãng phí.
Cap: Tại thôn Đồng Táng, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội từng xảy ra sốt đất, nay chỉ có những nhà đầu tư về hỏi để mua đất om hàng chờ làn sóng mới. (Nguồn: LĐ) |
Nhà đầu tư bắt đầu gom đất chờ đợt sóng địa ốc mới
Dịch Covid-19 bùng phát cùng với sự siết chặt quản lý của cơ quan nhà nước đã khiến đất tại nhiều khu vực bắt đầu trở lại với giá thực. Trong khi nhiều nhà đầu tư tháo chạy, thì có một bộ phận “bắt đáy” và tiếp tục đổ tiền vào bất động sản.
Theo Lao Động, trong những ngày qua, lượng người đi tìm giao dịch đất không nhiều. Đặc biệt, tại một số điểm trước đây từng được coi là sốt đất điên đảo như Thạch Thất, Ứng Hòa, Đông Anh, Hoài Đức… thì nay chỉ lác đác những nhà đầu tư đi gom đất đón làn sóng mới.
Anh Bùi Văn Giang - một nhà đầu tư tại Hà Nội - nói rằng, đầu tư vào bất động sản tùy theo từng đợt và chớp lấy thời cơ. Nếu như so với những kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng… thì bất động sản chính là kênh được đánh giá là đầu tư an toàn, hiệu quả và dễ sinh lời nhất. Tuy nhiên, việc lựa chọn đầu tư vào thời điểm nào cho hợp lý thì cần phải tính toán.
Khảo sát thị trường bất động sản thời điểm này, mặc dù lượng giao dịch giảm đáng kể và có dấu hiệu chững lại, việc các nhà đầu cơ cắt lỗ hay bán tháo bất động sản đã xảy nhưng chưa nhiều.
Lãnh đạo một công ty bất động sản ở Hà Nội chia sẻ, đối với những dự án quy hoạch đã được công khai, giá giao dịch trên thị trường vẫn ở mức cao. Còn đối với những dự án chưa rõ pháp lý, chưa có quy hoạch chính thức thì nhiều nhà đầu cơ đang gặp khó trong việc đẩy bán.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, qua cơn sốt vừa rồi, nhiều nhà đầu tư F0 đã phải trả giá cho việc đầu tư tràn lan, thiếu kiến thức về thị trường, mua phải đất đai không giấy tờ, “giá trên trời”, nên bị mắc cạn. Bởi vậy, không ít người trong số này sẽ rút khỏi thị trường.
Trên thị trường sẽ xuất hiện một lực lượng đầu tư mới cũng như các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã “lướt” qua được cơn sóng giá đất để tiếp tục đón bắt cơ hội đầu tư vào bất động sản. “Khi dịch được kiểm soát tốt, nhu cầu kinh doanh của người dân có thì giá đất tăng lên là điều đương nhiên”, ông Thịnh nói thêm.
Bộ Xây dựng kiểm tra quản lý nhà và dự án bất động sản, 6 nơi vào tầm ngắm
Bộ Xây dựng vừa có quyết định kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về nhà ở và kinh doanh bất động sản tại 6 địa phương gồm Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Bắc Giang.
Nội dung kiểm tra tập trung vào việc tuân thủ pháp luật về quản lý, phát triển nhà ở. Trong đó, đối với nhà ở thương mại, đoàn kiểm tra của Bộ Xây dựng sẽ tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện so với chương trình, kế hoạch đề ra (tổng số dự án, tổng quy mô diện tích, số căn chia theo từng loại hình bất động sản như chung cư, thấp tầng, đất nền, nghỉ dưỡng…).
Ngoài ra còn các nội dung khác như sự phù hợp với chương trình, kế hoạch được duyệt; sự phù hợp với quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng (chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án, lựa chọn chủ đầu tư dự án, phê duyệt dự án…); việc huy động vốn của các dự án.
Đà Nẵng. (Nguồn: TN) |
Hàng chục nghìn lô đất tái định cư bỏ hoang, Đà Nẵng sử dụng thế nào?
Cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đề xuất hợp thửa 1.342 lô đất tái định cư thành các lô đất lớn phục vụ xây dựng chung cư, nhà ở xã hội, công trình phúc lợi xã hội... Được biết, hiện TP Đà Nẵng đang có hơn 15.000 lô đất tái định cư bỏ trống, gây lãng phí.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, quỹ đất tái định cư trên địa bàn thành phố đến ngày 31/3/2021 là 22.402 lô chưa bố trí, trong đó có 7.226 lô chưa có đất thực tế và 15.176 lô đã có đất.
Cơ quan chức năng thành phố đã bàn giao cho UBND các quận, huyện quản lý 4.702 lô. Có 17.700 lô đất do Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố quản lý.
Về nhu cầu quỹ đất bố trí tái định cư, UBND TP Đà Nẵng cho hay: căn cứ Quyết định 476 ngày 8/2/2021 của UBND TP về việc ban hành kế hoạch giải tỏa đền bù các dự án trên địa bàn năm 2021 với tổng 249 dự án, số hồ sơ đất còn lại chưa bàn giao mặt bằng tính đến hết tháng 3/2021 là 8.100 hồ sơ tương đường số lô đất dự kiến cần bố trí tái định cư là 16.200 lô (bình quân mỗi hồ sơ 2 lô đất).
UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết, cơ quan tham mưu đã đề xuất quỹ đất đấu giá trong giai đoạn 2021-2025 là 1.100 lô đất. Trong đó, năm 2021 là 200 lô bao gồm 100 lô mặt tiền. Số lô còn lại đưa vào kế hoạch năm 2022 và 2023 - 2025.
Đồng thời, đề xuất hợp thửa 1.342 lô đất tái định cư thành các lô đất lớn phục vụ xây dựng chung cư, nhà ở xã hội, công trình phúc lợi xã hội. Các lô đất này nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang. Hiện nay, Viện Quy hoạch xây dựng đã báo cáo Sở Xây dựng trình UBND TP cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch.
Đối với 3.760 lô đất còn lại (1.456 lô chưa có đất thực tế) sẽ dùng để dự phòng phục vụ nhu cầu tái định cư và dự kiến các công trình công cộng phục vụ cộng đồng dân cư.
Khởi công xây dựng chung cư cao tầng hơn 1.200 tỷ tại Nha Trang
Công ty CP Đầu tư xây dựng Đông Dương Nha Trang (Indochine Nha Trang) cùng Công ty CP Xây dựng Coteccons vừa tổ chức khởi công dự án Imperium Tower tại số 16 Phước Long, phường Phước Long, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Imperium Tower được triển khai xây dựng trên tổng diện tích 10.186 m2 với 1 tòa tháp cao 39 tầng. Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.200 tỷ đồng.
Dự án do Indochine Nha Trang làm chủ đầu tư và Coteccons là nhà thầu xây dựng, cung cấp ra thị trường 551 căn hộ, 6 căn shophouse và 41 shop villa. Mỗi căn hộ có diện tích từ 37-103 m2, được thiết kế từ 1-3 phòng ngủ theo kiến trúc đương đại.
Dự kiến dự án hoàn thành và bàn giao cho cư dân vào năm 2023.