Dù nguồn cung mới suy giảm, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội vẫn ghi nhận số lượng căn hộ cao cấp và trung cấp tiêu thụ trong quý IV/2022 tương ứng xấp xỉ 1.600 căn và 700 căn, giảm 52% và 45% so với quý trước. (Nguồn: Dân trí) |
Giá rao bán đất nền ở một số địa phương vẫn tăng
Theo báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu, thị trường BĐS quý I năm nay vẫn trong tình trạng trầm lắng. Thanh khoản thị trường về đáy xuyên suốt những tháng qua khiến nhiều chủ đầu tư liên tục dời lịch mở bán sản phẩm mới theo kế hoạch.
Nhiều doanh nghiệp tiếp tục đợi tín hiệu từ thị trường. Không ít nhà đầu tư cá nhân chờ đợi cơ hội đầu tư vững chắc. Hàng nghìn dự án "án binh bất động" chờ được tháo gỡ.
Dữ liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho thấy, thanh khoản trên thị trường BĐS đang có xu hướng giảm rõ rệt, đặc biệt so với giai đoạn "sốt đất" nửa đầu năm 2022. Giá BĐS, đặc biệt là sản phẩm đất nền ở những khu vực từng xảy ra "sốt đất" tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư vào nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực.
Còn theo dữ liệu của một đơn vị nghiên cứu về BĐS, giá rao bán đất nền tại nhiều tỉnh phía Nam và ven biển miền Trung có xu hướng giảm. Cụ thể, đất nền Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu đều giảm giá 6%, các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa giảm 2-11%. Bình Thuận là tỉnh ven biển hiếm hoi chứng kiến sự tăng giá rao bán đất nền lên đến 25% so với quý liền trước.
Đáng chú ý, dù mức độ quan tâm đến đất nền các tỉnh phía Bắc trong quý I năm nay giảm so với quý trước nhưng mặt bằng giá rao bán đất nền tại một số tỉnh vẫn tăng. Trong đó, giá đất nền Hưng Yên tăng 17%, Quảng Ninh tăng 15%, Hải Phòng tăng 4%.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - nhận định, sở dĩ đất nền một số địa phương vẫn có xu hướng tăng giá rao bán là do kỳ vọng của người mua. Nếu đất ở những khu vực có hạ tầng, tiện ích tốt, hay cạnh khu công nghiệp thì mặt bằng giá sẽ ổn định và có dư địa tăng.
Tuy nhiên, theo ông, còn những loại đất đầu tư không có giá trị sử dụng cao, mua xong để đó thì giá sẽ giảm. Những tỉnh có lượng FDI lớn hầu hết có mặt bằng giá đất nền ổn định, ít khi sụt giảm sâu.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trong năm 2023 sẽ không xảy ra cơn "sốt đất". Bởi vì thị trường BĐS đang ở trạng thái trầm lắng, thanh khoản thấp, đặc biệt là loại hình đất nền. Tuy nhiên, xét về dài hạn, đất nền vẫn là loại hình đầu tư tiềm năng nếu biết lựa chọn những sản phẩm đất nền có giá trị sử dụng cũng như khả năng khai thác tạo ra dòng tiền trên chính sản phẩm đó như có thể xây nhà trọ, nhà kho, công xưởng hoặc trở thành căn nhà thứ hai.
"Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội khoảng 49% và TPHCM khoảng 70%, cả nước ta có 8 tỉnh thành có tỷ lệ đô thị hóa trên 50%. Như vậy, vẫn còn dư địa phát triển và nhu cầu về đất đai luôn hiện hữu", ông Quốc Anh nêu.
Giá chào bán căn hộ cao cấp tăng nhẹ
Báo cáo Xu hướng thị trường chung cư trung - cao cấp Hà Nội năm 2023, triển vọng giai đoạn 2023-2025 của Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam (VIRES) vừa công bố cho thấy, các dự án chung cư trung cấp và cao cấp tại Hà Nội hiện hữu trong quý IV/2022 chủ yếu có vị trí gần các tuyến Vành đai 3 và Vành đai 3,5 từ các quận phía Tây và phía Đông Thủ đô. Trong đó, dự án trong các đại đô thị đóng góp đến gần 60% nguồn cung cả thị trường.
Dù nguồn cung mới suy giảm, thị trường BĐS Hà Nội vẫn ghi nhận số lượng căn hộ cao cấp và trung cấp tiêu thụ trong quý IV/2022 tương ứng xấp xỉ 1.600 căn và 700 căn, giảm 52% và 45% so với quý trước.
Giá chung cư được mở bán mới tăng nhẹ. Cụ thể, tính đến cuối quý IV/2022, mức giá sơ cấp chào bán các căn hộ chung cư thuộc phân khúc cao cấp đạt hơn 60 triệu đồng/m2, tăng 2,2% so với quý trước và 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về triển vọng thị trường chung cư trung và cao cấp năm 2023, đơn vị công bố báo cáo dự báo, trong năm 2023, nguồn cung sơ cấp cả thị trường Hà Nội tương đương giai đoạn 2020-2022 đạt xấp xỉ 14.000-15.000 căn hộ sơ cấp. Trong đó, 80% nguồn cung này chủ yếu đến từ các dự án phía Tây và phía Đông và 50% đến từ các đại đô thị tại 2 khu này.
Lượng căn tiêu thụ dự báo vẫn tiếp tục dao động khoảng 10.000-12.000 căn, giảm nhẹ so với giai đoạn 2020-2022. Tỷ lệ người mua để ở sẽ có xu hướng gia tăng trong năm 2023.
Các dự án có tầm giá hợp lý, được đầu tư bởi chủ đầu tư uy tín, có nhiều tiện ích sống và gần các trục đường lớn sẽ tiếp tục thu hút được người mua nhà ở thực trong nay.
Giá bán chung cư trung và cao cấp sẽ không giảm và có xu hướng tăng nhẹ trong năm. Tốc độ tăng giá sẽ chậm lại so với giai đoạn 2020-2022. Nhiều chủ đầu tư sẽ tiếp tục đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, có lợi cho dòng tiền của những người mua nhà ở.
Có nhiều sự tương đồng, thông tin về thị trường BĐS nhà ở Hà Nội mới đây của Savills cũng cho thấy, nguồn cung mới hạn chế cùng giá bán sơ cấp tăng và số lượng căn hộ bàn giao giảm tạo điều kiện cho giá bán thứ cấp tăng. Khu vực phía tây tiếp tục dẫn đầu về nguồn cầu và số lượng giao dịch, được coi là khu vực trung tâm mới với cơ sở vật chất hiện đại.
Đà Nẵng sẽ thu hồi toàn bộ 238 sổ đỏ
Ngày 14/4, tại buổi họp báo quý I/2023 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức, lãnh đạo Sở TN&MT khẳng định, sẽ thu hồi 238 sổ đỏ do sở này cấp sai quy định, bị cấp tòa sơ thẩm (TAND quận Liên Chiểu) và phúc thẩm (TAND TP Đà Nẵng) tuyên yêu cầu thu hồi, hủy bỏ.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên, nêu rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 238 trường hợp này là không đúng quy định của pháp luật nên buộc phải hủy bỏ, thu hồi.
Sau khi tòa tuyên án, UBND TP đã có chỉ đạo, giao cho UBND quận Liên Chiểu phối hợp cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền. Hiện UBND quận Liên Chiểu đã triển khai các thủ tục tiếp theo để thu hồi, hủy bỏ.
“Hiện nay vướng mắc là 238 trường hợp này người dân đang sinh sống trên đó nên giải pháp thu hồi, hủy bỏ cũng phải tính đến vấn đề an sinh xã hội. Vì vậy, giải pháp như thế nào, triển khai ra sao thì phải tính toán cho những trường hợp này”, lãnh đạo Sở TN&MT cho biết.
Trước đó ngày 25/11/2020, TAND quận Liên Chiểu xét xử vụ án Trần Văn Thôi (55 tuổi, trú tổ 14, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) và các đồng phạm Phan Viết Tiến (52 tuổi, trú tổ 55, phường An Khê, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), Lê Sơn (59 tuổi, trú tổ 108 phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), Trịnh Duy Văn (64 tuổi, trú tổ 64, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cựu cán bộ địa chính phường Hòa Khánh Nam) về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Theo HĐXX, Trần Văn Thôi và các đồng phạm đã làm giả 238 hồ sơ đất tại địa bàn quận Liên Chiểu (khu quy hoạch dự án ga đường sắt, hiện đã công bố hủy bỏ quy hoạch) để từ đó được Sở TN&MT cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
HĐXX tuyên Trần Văn Thôi mức án 6 năm 6 tháng tù, Phan Viết Tiến 4 năm tù, Lê Sơn và Trịnh Duy Văn cùng mức án 2 năm 6 tháng tù về.
Các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sau đó có đơn kháng cáo, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án theo hướng không hủy bỏ sổ đỏ đã cấp.
Tại phiên xử phúc thẩm, TAND TP Đà Nẵng không chấp nhận kháng cáo của những người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan, chấp nhận kết luận của tòa cấp sơ thẩm, kiến nghị Sở TN&MT Đà Nẵng thu hồi, hủy bỏ 238 sổ đỏ trên.
Lãnh đạo Sở TN&MT Đà Nẵng khẳng định, sẽ thu hồi 238 sổ đỏ do sở này cấp sai quy định, bị cấp tòa sơ thẩm (TAND quận Liên Chiểu) và phúc thẩm (TAND TP Đà Nẵng) tuyên yêu cầu thu hồi, hủy bỏ. (Ảnh: Hà Phong) |
Những lý do nên làm sổ đỏ ngay trong năm 2023
Dưới đây là những lý do người dân không nên chậm trễ mà cần đi làm sổ đỏ ngay trong năm 2023.
Dự thảo Luật Đất đai bỏ khung giá đất
Luật Đất đai quy định khung giá đất do Chính phủ ban hành định kỳ 05 năm 01 lần, căn cứ khung giá đất của Chính phủ, các tỉnh thành ban hành bảng giá đất - đây là căn cứ để tính tiền sử dụng đất khi làm sổ đỏ, tính các khoản phí và lệ phí khác khi làm sổ đỏ…
Theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), khung giá đất bị bãi bỏ.
Điều 154 của dự thảo này quy định như sau:
"1. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm.
Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất, được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để xây dựng bảng giá đất; trình hội đồng thẩm định bảng giá đất; căn cứ kết quả của hội đồng thẩm định bảng giá đất trình UBND cấp tỉnh để trình HĐND cấp tỉnh thông qua bảng giá đất trước khi UBND cấp tỉnh quyết định ban hành.
2. Bảng giá đất được xây dựng theo vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn".
Nếu như cuối năm nay, khi dự thảo Luật Đất đai được thông qua, rất có thể bảng giá đất sẽ tăng cao so với hiện nay, tiệm cận hơn với giá đất thực tế trên thị trường.
Điều kiện cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ sẽ quy định khắt khe hơn
Khoản 2 Điều 137 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định đất không có giấy tờ phải là đất không thuộc trường hợp lấn, chiếm.
"2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 135 của Luật này mà không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì được công nhận quyền sử dụng đất nếu có các điều kiện như sau:
a) Thửa đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai.
b) Thửa đất sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp không thuộc trường hợp lấn, chiếm, tranh chấp đất đai, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định".
Trước đây, các trường hợp lấn, chiếm đất do khai hoang, du canh, di cư... không có giấy tờ vẫn có cơ hội được cấp sổ đỏ, còn sắp tới, khi dự thảo Luật Đất đai mới được thông qua, cơ hội này sẽ hoàn toàn không còn nữa.
Vì vậy, nếu đang sử dụng đất không có giấy tờ, thuộc trường hợp lấn chiếm do quá trình khai hoang, di cư, du canh… và đáp ứng các điều kiện còn lại để được công nhận quyền sử dụng đất, người dân nên đi làm sổ đỏ ngay trước khi dự thảo Luật mới được thông qua.