Bất động sản mới nhất: UBND TP Hà Nội đề xuất, không cho phép tách thửa đối với các trường hợp thửa đất nằm trong các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch. (Ảnh minh họa - Nguồn: BXD) |
Nghiêm cấm hạ chuẩn, nới lỏng các điều kiện tín dụng
Theo Tienphong, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ký ban hành Chỉ thị số 03 về việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, qua gần 3 tháng thực hiện, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã tích cực triển khai chính sách và đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số NHTM chưa quyết liệt triển khai, thậm chí chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn nội bộ và hướng dẫn đầy đủ đến các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Do đó, để triển khai có hiệu quả Nghị định 31/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng chủ động triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đồng bộ từ Ngân hàng Nhà nước đến các NHTM, từ hội sở chính đến chi nhánh, phòng giao dịch.
Triển khai cho vay, giải ngân kịp thời để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng vay thuộc đối tượng theo các điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng. Không hạ chuẩn, nới lỏng các điều kiện tín dụng trong quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất.
Đáng chú ý, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng đảm bảo thực hiện hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích, ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách. Đồng thời cũng cần kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời các trường hợp thực hiện không nghiêm, không đúng quy định, trốn tránh, từ chối hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất.
Bên cạnh việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất 2%, Chỉ thị số 03 cũng yêu cầu các ngân hàng cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Tương lai phân khúc biệt thự
Giá bán cao trong khi nguồn cung lại hạn chế dẫn tới tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp. Theo chuyên gia, một khi nguồn cung có giá bán hợp lý hơn trở lại thị trường, thanh khoản sẽ được cải thiện.
Báo cáo quý II vừa công bố của Savills Việt Nam cho thấy, tình hình thị trường bất động sản tại Hà Nội nhìn chung có những dấu hiệu phục hồi trong các hoạt động cho thuê thương mại, căn hộ dịch vụ, mua bán nhà ở, công suất cho thuê phòng khách sạn.
Bên cạnh đó, một số phân khúc thì có hiện tượng tỷ lệ hấp thụ thấp do giá bán còn ở mức cao như biệt thự, liền kề.
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội phân tích, giá bán hiện ở mức khá cao trong khi nguồn cung lại hạn chế dẫn tới tỷ lệ hấp thụ ở phân khúc biệt thự, liền kề ở mức thấp. Giao dịch chủ yếu tại thị trường thứ cấp giữa các nhà đầu tư với nhau.
"Một khi nguồn cung có giá bán hợp lý hơn trở lại thị trường, thanh khoản cùng tình hình hoạt động sẽ được cải thiện", ông nhận định.
Số liệu mà đơn vị nghiên cứu thị trường này đưa ra cho thấy, nguồn cung biệt thự liền kề vẫn giảm mạnh trong quý II.
Cụ thể, nguồn cung mới chỉ có 146 căn đến từ một dự án duy nhất, giảm 82% theo quý và 84% theo năm. Nguồn cung sơ cấp đạt 993 căn, giảm 34% theo quý và 49% theo năm, mức thấp nhất trong vòng 5 năm vừa qua.
Bên cạnh việc nguồn cung sụt giảm, tình hình hoạt động của phân khúc này cũng rất chậm khi lượng giao dịch giảm 55% theo quý và 72% theo năm với chỉ 302 giao dịch.
Thống kê của đơn vị đưa báo cáo cho thấy, huyện Gia Lâm có lượng giao dịch nhiều nhất với 69% thị phần, theo sau bởi Hà Đông với 15%. Liền kề và nhà phố (shophouse) chiếm 67% lượng giao dịch.
Tỷ lệ hấp thụ theo quý chỉ ở mức 30%, giảm 14 điểm % theo quý và 25 điểm % theo năm. Tỷ lệ hấp thụ cho nguồn cung mới chỉ có 14%.
Báo cáo của Batdongsan.com.vn trước đó cũng cho thấy người mua đang giảm sự quan tâm đối với thị trường nhà đất tại Hà Nội khi lượng quan tâm tới thị trường biệt thự/liền kề giảm 11% theo năm và giảm 14% với shophouse.
Đại diện Savills cho biết, nửa đầu năm 2022, thị trường chứng kiến sự tăng trưởng mạnh ở giá bán thứ cấp. Cụ thể, giá biệt thự tăng 37%, giá shophouse tăng 22% và giá liền kề tăng 20%. So với năm 2018, giá bán biệt thự đã tăng gấp đôi, trong khi đó, giá liền kề cũng ghi nhận tăng 67%.
Nói về triển vọng nguồn cung, đơn vị này cho rằng trong phần còn lại của năm, thị trường sẽ chào đón hơn 2.131 căn đến từ 13 dự án. "Các dự án này lại phải đối mặt với việc người mua đang giảm sự quan tâm đối với thị trường nhà đất tại Hà Nội", chuyên gia của công ty nhận định thị trường trên nhận định.
Hà Nội ra dự thảo mới, hàng loạt trường hợp không được phân lô tách thửa
Theo dự thảo, UBND TP Hà Nội đề xuất, không cho phép tách thửa đối với các trường hợp thửa đất nằm trong các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch để xây dựng nhà ở đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (trừ các trường hợp đang sử dụng đất tại các dự án tái định cư, dự án giãn dân do Nhà nước thực hiện giao đất ở trước ngày Quyết định số 58/2009/QĐ-UBND của UBND Thành phố có hiệu lực thi hành, để người dân tự xây dựng nhà ở).
Thửa đất nằm trong khu vực có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt. Trường hợp quy hoạch này được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, thì việc tách thửa phải đảm bảo đúng theo quy hoạch đã điều chỉnh và theo quyết định này.
Cụ thể: Thửa đất gắn liền với diện tích nhà đang thuê của Nhà nước, mà người đang thuê chưa hoàn thành thủ tục mua nhà, cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
Thửa đất gắn liền với nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước đã bán, đã tư nhân hóa nhưng thuộc danh mục nhà biệt thự bảo tồn, tôn tạo theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố do UBND Thành phố phê duyệt.
Đất thuộc khu vực đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các thửa đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Đất thuộc khu vực bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định, phê duyệt theo quy định pháp luật.
Cũng theo dự thảo, nếu người sử dụng đất xin tách thửa đất mà thửa đất được hình thành từ việc tách thửa không đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này để hợp với thửa đất ở khác liền kề tạo thành thửa đất mới đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mới. Trường hợp thửa đất còn lại sau khi tách thửa không đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản 1, 4 Điều này thì không được phép tách thửa.
Bên cạnh đó, thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày 10/4/2009 (ngày Quyết định số 58/2009/QĐ-UBND của UBND Thành phố có hiệu lực thi hành) có diện tích, kích thước nhỏ hơn mức tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận. Việc xây dựng nhà ở, công trình trên thửa đất đó phải theo quy định của UBND TP Hà Nội.
Trường hợp không đảm bảo diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa theo quy định tại Khoản 1 Điều này, mà thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện; và trên Giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất.
Dự thảo nêu rõ: Không cấp Giấy chứng nhận, không làm thủ tục thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất hoặc thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với trường hợp tự tách thửa đất thành hai hoặc nhiều thửa đất trong đó có một hoặc nhiều thửa đất không đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1, 4 Điều này.
Nêu tại dự thảo này, Hà Nội cũng quy định điều kiện tách thửa đối với thửa đất ở, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất. Theo đó, thửa đất có diện tích nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 30m2 đối với khu vực các phường thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng); không nhỏ hơn 40m2 đối với khu vực các phường thuộc thị xã Sơn Tây và 8 quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ; không nhỏ hơn hạn giao đất ở mới (mức tối thiểu) quy định tại Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 của UBND TP đối với các xã, thị trấn còn lại.
Trường hợp chia tách thửa đất có diện tích từ 500 m2 trở lên thành 5 thửa đất mới trở lên (kể cả các thửa đất đã được tách ra trước đó), thì người sử dụng đất phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 báo cáo UBND cấp huyện nơi có đất phê duyệt trước khi thực hiện thủ tục chia tách thửa đất.
Tại khoản 4 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP quy định rõ thủ tục thu hồi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp. (Nguồn: BHD) |
Những quy định về thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Tại khoản 4 Điều 87 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP đã quy định rõ thủ tục thu hồi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp.
Việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai tại điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai được thực hiện như sau:
Trường hợp Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, trong đó có kết luận về việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp thì việc thu hồi giấy chứng nhận được thực hiện theo bản án, quyết định đó.
Trường hợp cơ quan thanh tra có văn bản kết luận giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp; trường hợp xem xét, xác định giấy chứng nhận đã cấp là đúng quy định của pháp luật thì phải thông báo lại cho cơ quan thanh tra.
Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật Đất đai và Điều 37 của Nghị định này phát hiện giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì kiểm tra lại, thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do và quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định.
Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phát hiện giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì gửi kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có trách nhiệm kiểm tra, xem xét, quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận tại thời điểm thu hồi giấy chứng nhận.
Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc thu hồi và quản lý giấy chứng nhận đã thu hồi theo quyết định thu hồi giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại các điểm b, c và d khoản này thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.