Một số nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm cho rằng, thời điểm thị trường chững lại, giá giảm như hiện nay là cơ hội 10 năm mới có một lần để đầu tư. (Nguồn: Dân trí) |
Thời điểm vàng để "bắt đáy"?
Thực tế, từ khoảng đầu quý II/2022, thị trường BĐS đã rơi vào tình trạng trầm lắng. Không ít phân khúc đã xuất hiện tình trạng giảm giá, cá biệt có không ít nhà đầu tư phải rao bán giá cắt lỗ, giảm sâu.
Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, một số chủ đất phải đang loay hoay tìm cách bán ra, thì một số nhà đầu tư có sẵn tiền mặt lại chờ đợi giá sẽ giảm thêm mới mua vào nhằm tối ưu lợi nhuận. Thực tế này đã khiến thị trường kém thanh khoản.
Một số nhà đầu tư BĐS có kinh nghiệm cho rằng, thời điểm thị trường chững lại, giá giảm như hiện nay là cơ hội 10 năm mới có một lần để đầu tư. Thời điểm này, nhiều người gặp áp lực tài chính ồ ạt bán ra BĐS, nhà đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn vị trí tốt, hoặc có thể thương thảo để nắm giữ lâu dài.
Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), tháng 1 năm nay, mặt bằng giá gần như đi ngang, nhiều nhà đầu tư, khách hàng đã bắt đầu rục rịch xuống tiền với tâm thế sẵn sàng chờ "bắt đáy" BĐS.
Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cho rằng, để tìm lời giải cho thời điểm "bắt đáy" BĐS, khách hàng có nhu cầu mua để tích trữ tài sản và đầu tư đều cần làm rõ một số vấn đề. Cụ thể, hiện trạng tài chính của bản thân; nhu cầu, mục đích, thời hạn đầu tư; bối cảnh tại khu vực dự định xuống tiền.
"Sau 2 năm sốt nóng, đây là giai đoạn thích hợp, là cơ hội "có một không hai" để các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, nắm bắt thông tin thị trường hoặc có tiềm lực tài chính mạnh, dòng tiền nhàn rỗi, sẵn sàng đầu tư 3-5 năm với kỳ vọng lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng có thể "gom hàng" do giá bán đã dần ổn định và có nhiều lựa chọn, đặc biệt là ở thị trường thứ cấp", ông Đính nhận định.
Đối với những người dân có nhu cầu ở thực, ông Đính cho rằng, đây là cơ hội để "an cư" bởi giai đoạn này chính là thời điểm mà doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu, điều chỉnh giá bán ở điểm cân bằng nói trên để "sinh tồn". Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khả quan, bất động sản chắc chắn sẽ tăng giá nhanh hơn so với tốc độ tăng thu nhập của xã hội.
Chủ tịch VARS khuyến cáo, nếu khách hàng đã tích lũy đủ tiền mặt, muốn mua các sản phẩm đã hoàn thành hoặc các sản phẩm nhà ở trong tương lai (có tiến độ xây dựng và tình trạng pháp lý tốt) phù hợp với nhu cầu để ở hay tích lũy tài sản thì không cần quan tâm đến giá của căn nhà đó có đã ở "đáy" hay chưa, ngay khi thấy có sự điều chỉnh, có thể lập tức mua vào.
Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Đình Hảo - Giám đốc khối Kinh doanh Batdongsan.com.vn - cho biết, nếu nhìn ở góc độ đầu tư thì mỗi nhà đầu tư có một khẩu vị khác nhau, có nhóm ưa thích lướt sóng, nhóm chuyên đầu tư trung và dài hạn... Ngoài ra ở mỗi khoảng thời gian khác nhau sẽ có những ảnh hưởng tới tâm lý và kỳ vọng khác nhau của các nhà đầu tư.
Theo ông Hảo, nhiều người cho rằng có thể nhìn bối cảnh thị trường để dự đoán thời điểm thị trường xuống đáy để bắt đáy. Tuy nhiên, thực tế với thị trường BĐS hay chứng khoán thường không ai biết chắc đâu là đỉnh, đâu là đáy. Chỉ khi nào giá bắt đầu xuống mới biết đâu là vùng đỉnh, khi nào giá tăng mới biết đâu là vùng đáy.
Do đó, ông Hảo khẳng định, việc dự đoán đâu là đỉnh, đâu là đáy có chăng là những nhận định mang tính cá nhân, chủ quan. Nhà đầu tư cần nhìn nhận rằng, mỗi loại hình, phân khúc BĐS đều có tiềm năng nhất định trên thị trường tùy thuộc vào từng thời điểm, chính sách nào đang tác động tới loại hình, phân khúc đó.
Còn ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam - dự báo, 6 tháng năm tới đây sẽ là mốc thời gian quan trọng. Nhà đầu tư cá nhân nên chọn quan sát và tìm hiểu kỹ hơn xu hướng của thị trường trước khi đưa ra quyết định tham gia. Theo dự báo, nền kinh tế toàn cầu sẽ có xu hướng ổn định lại và có thể từng bước phục hồi chậm trong nửa cuối năm sau.
Ông Troy Griffiths cho rằng, Chính phủ Việt Nam cũng đang làm rất tốt việc duy trì mức lạm phát ở ngưỡng cho phép nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ trên đà ổn định dần trong thời gian tới đây. Nhà đầu tư không quá hoang mang, vội vàng rút khỏi thị trường lúc này mà cần thận trọng nhìn nhận BĐS như một khoản đầu tư dài hạn.
Tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy định
Dự báo về thị trường BĐS năm nay, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) - cho rằng, cuối năm nay, các luật cơ bản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS sẽ được thông qua và có tính đồng bộ hơn, thống nhất hơn, tháo gỡ khó khăn lớn nhất về pháp lý.
"Trong thời gian 18 tháng chờ Luật mới, tôi cũng rất mong ngay trong tháng 2 tới, Chính phủ cũng ban hành sớm các nghị định xử lý tình huống. Rất cần sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, các Bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, người dân… cùng nhau tìm điểm cân bằng hài hòa lợi ích các bên có liên quan, cùng vượt qua khó khăn", ông Châu nhấn mạnh.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cũng kỳ vọng năm 2023 này thị trường BĐS cũng sẽ được giải quyết, tháo gỡ khó khăn từng bước và dần tiến tới được hoàn thiện thể chế để ổn định.
Bên cạnh đó, ông Hùng mong muốn trong giai đoạn hiện nay, các cơ chế chính sách cần được xử lý, sửa đổi, bổ sung để cho thị trường BĐS có thể vượt qua những khó khăn.
Còn theo ông Vương Duy Dũng - Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), các vướng mắc của quy định pháp luật đang được chỉ đạo rất tích cực, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã rất khẩn trương, tích cực hoàn thiện và hoàn thiện các nội dung Nghị định, quy định sửa đổi liên quan đến pháp luật kinh doanh BĐS.
"Tôi cho rằng các vướng mắc liên quan đến quy định triển khai thực hiện BĐS sẽ được tháo gỡ nhanh, kịp thời. Sẽ đồng bộ các ngành, chứ không riêng gì một ngành, lĩnh vực nào. Đấy cũng là cơ sở, điều kiện thuận lợi để chúng ta hy vọng thị trường BĐS năm 2023 và thời gian tới sẽ có sự ổn định, phát triển hơn", ông Dũng nhấn mạnh.
Sau Tết Quý Mão, nên đầu tư đất nền hay chung cư?
Từ số liệu thống kê cũng như đánh giá của các chuyên gia, có thể nói, thị trường BĐS cả nước nói chung và khu vực phía Nam nói riêng trong năm qua diễn biến theo kịch bản “đầu năm nóng sốt, cuối năm nguội lạnh”.
Giai đoạn cận Tết Quý Mão 2023, thị trường BĐS có không ít sản phẩm thuộc mọi phân khúc được rao bán cắt lỗ, bán tháo vì “ngộp” ngân hàng. Thị trường đi xuống được cho là cơ hội của những người mua thực và nhà đầu tư chuyên nghiệp có tiềm lực tài chính.
Hiện các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi diễn biến của thị trường để lựa chọn phân khúc phù hợp. Câu hỏi được quan tâm là nên đầu tư đất nền hay căn hộ chung cư?
Nếu tín dụng được nới lỏng trong năm 2023, theo ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, sẽ có 3 loại hình BĐS được hưởng lợi và hấp dẫn nhà đầu tư.
Ông Tuấn cho rằng, loại hình BĐS nào bị ảnh hưởng nhiều nhất khi siết tín dụng thì sẽ khởi sắc khi nới tín dụng. Trong hoàn cảnh nào, nhà đầu tư cũng nên lựa chọn loại hình đầu tư ít chịu ảnh hưởng nhất.
Thị trường đang tập trung về giá và nhu cầu ở thực nên loại hình nào đáp ứng được hai tiêu chí này thì dù “siết” hay “nới” cũng ít bị ảnh hưởng nhất.
Theo ông Tuấn, thực tế, loại hình đầu tư nào tạo ra lợi nhuận cao cũng sẽ đi kèm với nhiều rủi ro. Một trong những loại hình bị ảnh hưởng nhiều nhất khi siết tín dụng là đất nền. Đây là loại hình có tính đầu cơ cao, không cần có dòng tiền hàng tháng nhưng lợi suất tại những khu vực tiềm năng có tốc độ tăng giá rất cao.
“Vấn đề là khi siết tín dụng thì chủ đầu tư không đáo hạn được nợ, không đáo hạn được trái phiếu, không xử lý được hàng tồn khiến dòng tiền của doanh nghiệp càng gặp khó, không có động lực để đưa hàng tồn ra thị trường. Lúc đó, câu chuyện nhà đầu tư F1 hoặc sơ cấp có lời hay không sẽ bị ảnh hưởng và tác động ngược lại thị trường. Như vậy, khi nới tín dụng thì đất nền sẽ là loại hình rất tiềm năng”, ông Tuấn phân tích.
Thị trường đang tập trung về giá và nhu cầu ở thực nên loại hình nào đáp ứng được hai tiêu chí này thì dù “siết” hay “nới” cũng ít bị ảnh hưởng nhất. (Nguồn: Dân trí) |
Đại diện Batdongsan.com.vn nhận định, loại hình thứ hai bị ảnh hưởng nặng nề thời gian qua là BĐS nghỉ dưỡng, nên đây cũng sẽ là loại hình đầu tư thuận lợi khi nới tín dụng. Bởi Việt Nam đang có tốc độ về tăng trưởng khách du lịch nước ngoài khá tốt. Kỳ vọng khi nới lỏng tín dụng, các chủ đầu tư sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư BĐS nghỉ dưỡng.
Tiếp đến, chung cư cao cấp hoặc nhà phố giá trị cao là nhóm tiếp theo được hưởng lợi khi nới tín dụng. Đây là loại hình thường xuyên được các nhà đầu tư lựa chọn. Nguồn cung ngày càng hạn chế và giá cao là yếu tố tích cực cho nhà đầu tư lướt sóng vì nhóm này cần đòn bẩy tài chính rất lớn.
Quảng Trị: Cấp quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án mới
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đã cấp quyết định chủ trương đầu tư theo thẩm quyền 5 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 709.983 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 21,56ha.
Như vậy, tính đến nay, tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 204 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn là 396.184,36 tỷ đồng, diện tích đất dự kiến sử dụng là 7.410,47ha; trong đó có 118 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư là 10.572,16 tỷ đồng, 69 dự án đang xây dựng, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 157.851.37 tỷ đồng, 17 dự án đang nghiên cứu, khảo sát đề xuất đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 227.760,83 tỷ đồng.
Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai thi công xây dựng các dự án đã khởi công, cũng như kêu gọi thu hút thêm nhiều nhà đầu tư các dự án vào các khu kinh tế, khu công nghiệp, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị đã xây dựng khung tiến độ cụ thể đối từng dự án, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tập thể, cá nhân có liên quan để theo dõi, đôn đốc thực hiện....
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là Khu kinh tế Đông Nam; đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm, các dự án đã tổ chức khởi công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tại các khu công nghiệp, khu kinh tế; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước trong khu công nghiệp, khu kinh tế.