📞

Bất động sản mới nhất: Thị trường chung cư Hà Nội còn duy trì sức nóng, thanh khoản kém, thanh tra 2 dự án bị khách hàng khiếu nại

Hải An 08:45 | 22/10/2022
Khan hiếm nguồn cung chung cư tại Hà Nội và TPHCM, thanh khoản kém, Bình Dương thanh tra 2 dự án nhà ở bị khách hàng khiếu nại, Hà Nam mời thầu dự án 520 tỷ đồng… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2022 của CBRE Hà Nội ghi nhận, nguồn cung mở bán mới tại Hà Nội trong 9 tháng đầu năm 2022 thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước dịch bệnh. (Ảnh minh họa - Nguồn: CafeF)

Nguồn cung căn hộ hạn chế, thanh khoản thấp nhất nhiều năm

Theo bà Dương Thùy Dung, Trưởng Bộ phận Định giá, Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam, sau đợt "bùng nổ" của quý II, thị trường căn hộ TPHCM quý III sụt giảm mạnh về nguồn cung.

Cả thị trường chỉ có hơn 2.851 căn hộ được mở bán, giảm 80% so với quý trước. Hầu hết dự án mới hoặc giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu đều chỉ cung cấp ra thị trường lượng sản phẩm hạn chế, trung bình 200 căn mỗi dự án.

Nguồn cung chủ yếu tập trung ở phía Đông và Nam của TPHCM. Sản phẩm cao cấp tiếp tục dẫn đầu thị trường trong suốt 3 năm qua, chiếm 76% tổng nguồn cung. Bà Dung cho rằng, người mua nhà có xu hướng tiếp tục tìm kiếm sản phẩm vùng ven TPHCM hoặc các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương khiến thị trường này sôi động hơn.

Cùng với nguồn cung giảm, tỷ lệ hấp thụ trung bình toàn thị trường thấp nhất kể từ năm 2019, chỉ đạt 15%.

Còn theo Cushman & Wakefield, chính sách kiểm soát tín dụng có hiệu lực từ đầu tháng 7 năm nay đã phần nào tạo ra rào cản trong việc huy động vốn từ các ngân hàng thương mại, khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn khi triển khai các dự án căn hộ mới.

Đồng thời, nhu cầu thị trường bị chậm lại khi khách hàng gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn. Đơn vị này ghi nhận nhu cầu thị trường đã chậm lại trong tháng 7, tháng 8 và bắt đầu phục hồi từ đầu tháng 9.

Mặc dù vậy, giá căn hộ vẫn tiếp tục tăng. Khảo sát của CBRE Việt Nam cho thấy giá căn hộ không ngừng tăng trong suốt nhiều quý vừa qua, mức giá sơ cấp trên thị trường đạt khoảng 2.545 USD/m2 (tương đương khoảng 64 triệu đồng/m2), tăng 3,4% so với quý trước và tăng 12% cùng kỳ năm trước.

Sự nâng cấp giá của các dự án mới gần đây cùng với sự giảm sút nguồn cung các dự án giá trung bình đã đẩy giá căn hộ tăng lên. Trong đó, phân khúc hạng sang, chiếm tỷ trọng nguồn cung lớn trên thị trường, đã tăng giá tới 9% so với quý trước.

Theo DKRA Group, trong quý IV, sức cầu chung và thanh khoản thị trường căn hộ TPHCM và vùng phụ cận sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp. Điều này bị ảnh hưởng bởi động thái tăng lãi suất, tăng cường kiểm soát tín dụng cũng như tình hình vĩ mô kém tích cực thời điểm cuối năm.

Mặt bằng giá căn hộ sơ cấp sẽ duy trì ở mức cao, trong khi giá bán thứ cấp có thể có điều chỉnh nhất định trước tình hình khó khăn chung của toàn thị trường. Căn hộ bình dân, nhà ở xã hội, theo DKRA Group, có thể sẽ tăng nguồn cung nhờ vào sự tham gia của nhiều chủ đầu tư lớn.

Cùng quan điểm này, bà Dương Thùy Dung dự đoán những tháng cuối năm, thị trường căn hộ sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Nguồn cung tiếp tục hạn chế, đặc biệt là nguồn cung ở phân khúc trung cấp và bình dân. Những người mua để ở sẽ không có nhiều lựa chọn do hầu hết các nguồn cung mới sẽ tập trung ở phân khúc cao cấp trở lên.

Khan hiếm nguồn cung chung cư Hà Nội

Báo cáo thị trường BĐS quý III/2022 của CBRE Hà Nội ghi nhận, nguồn cung mở bán mới tại Hà Nội trong 9 tháng đầu năm 2022 thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước dịch bệnh.

Cụ thể, 3 quý đầu năm, thị trường Hà Nội ghi nhận 11.805 căn mở bán mới, trong đó, quý III/ 2022 ghi nhận 3.640 căn mở bán mới.

Trái ngược với nguồn cung nhỏ giọt là lực cầu tiếp tục gia tăng. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn ghi nhận, trong 8 tháng đầu năm 2022, nhu cầu tìm kiếm căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, lượt tìm mua chung cư Hà Nội tăng lần lượt 9%. Lượt tìm thuê chung cư cũng tăng mạnh, đạt 25%. Các phân khúc căn hộ tại Hà Nội có giá rao bán tăng 15-15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với lượng cung căn hộ mới ra thị trường đang ít ỏi, lực cầu lớn, giá dòng sản phẩm này tăng, các tổ chức nghiên cứu BĐS chung dự báo, thị trường chung cư Hà Nội sẽ còn duy trì sức nóng.

Tỷ lệ hấp thụ căn hộ cao hơn lượng cung mới ra thị trường sẽ là nét chính của thị trường chung cư Hà Nội trong thời gian tới.

Bình Dương thanh tra các dự án nhà ở bị khách hàng khiếu nại

Theo Vietnamnet, Thanh tra tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị này vừa công bố quyết định thanh tra về tình hình thực hiện các dự án khu nhà ở thương mại liên quan đến việc khiếu nại phức tạp, đông người trên địa bàn tỉnh.

Ngoài Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bình Dương, hai doanh nghiệp có dự án bị thanh tra là Công ty CP Đầu tư thương mại Á Châu (Công ty Á Châu) và Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ thương mại đầu tư BĐS Tường Phong (Công ty Tường Phong).

Đoàn thanh tra sẽ do ông Lê Thành Tài, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bình Dương, làm trưởng đoàn. Thời hạn thanh tra 45 ngày, trường hợp có vấn đề phức tạp, đoàn thanh tra có thể gia hạn thời gian.

Đây là cuộc thanh tra đột xuất do UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo. Qua thanh tra, đoàn thanh tra sẽ đánh giá tình hình chấp hành quy định pháp luật của các đơn vị cũng như vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực đất đai và phát hiện các sai phạm nếu có để xử lý kịp thời.

Đoàn thành tra yêu cầu các đơn vị phải báo cáo trung thực, cung cấp hồ sơ, tài liệu chính xác và kịp thời để phục vụ cho quá trình thanh tra.

Ảnh chụp từ trên cao khu đất dự án Khu nhà ở Suối Giữa, Bình Dương. (Ảnh: CT)

Công ty Á Châu được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Suối Giữa (tên cũ là Khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp) tại P.Tương Bình Hi.

Dự án này được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận đầu tư vào năm 2008. Tháng 8/2015, dự án được UBND TP.Thủ Dầu Một phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, quy mô dự án lúc này là 30,6ha.

Đến tháng 4/2020, chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Suối Giữa chỉ mới được UBND tỉnh Bình Dương giao, cho thuê đất đợt 1 khoảng 10ha. Sau nhiều năm được chấp thuận đầu tư, Công ty Á Châu vẫn chưa hoàn tất công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại 3,7ha đất nên dự án chưa thể triển khai.

Dù pháp lý dự án Khu nhà ở Suối Giữa chưa hoàn chỉnh nhưng giai đoạn 2017-2018, Công ty Á Châu đã huy động vốn của hàng trăm khách hàng bằng hình thức “hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư”.

Không được nhận đất xây nhà, nhiều khách hàng đã gửi đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng. Thậm chí, người dân còn nhiều lần tụ trung tại dự án căng băng rôn để phản đối Công ty Á Châu.

Vào tháng 10/2020, UBND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Á Châu với số tiền 285 triệu đồng về hành vi huy động vốn hoặc chiếm dụng vốn trái phép tại dự án Khu nhà ở Suối Giữa. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư này thực hiện đúng quy định, bồi thường thiệt hại nếu có cho bên mua, bên thuê mua.

Đầu năm 2022, một số khách hàng mua đất tại dự án Khu nhà ở Suối Giữa bất ngờ khi bị Công ty Á Châu khởi kiện.

Chủ đầu tư đề nghị TAND TP.Thủ Dầu Một tuyên “hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” đã ký với khách hàng vô hiệu và cam kết hoàn tiền cho khách hàng kèm theo lãi phạt 0,005%/ngày.

Nhận được phản ánh của những người mua đất tại dự án Khu nhà ở Suối Giữa, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý các vấn đề tồn tại của dự án, phối hợp với chủ đầu tư giải quyết những vướng mắc, khiếu nại của người dân. Tuy vậy, đến nay sự việc chưa được giải quyết dứt điểm.

Cũng bị thanh tra trong đợt này, Công ty Tường Phong là chủ đầu tư dự án Roxana Plaza, P.Vĩnh Phú, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Vào năm 2021, hàng trăm người mua căn hộ tại dự án này nhiều lần căng băng rôn đề nghị chủ đầu tư hoàn thiện xây dựng và bàn giao nhà.

Dù Công ty Tường Phong mới là chủ đầu tư dự án Roxana Plaza nhưng từ năm 2018, Công ty CP Naviland (Công ty Naviland) đã đứng ra ký hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án với nhiều khách hàng. Dự án thi công ì ạch và liên tục lùi thời hạn giao nhà.

Đến khi người mua nhà tập trung phản đối nhiều lần thì đại diện Công ty Naviland mới cho biết công ty đang thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng dự án từ Công ty Tường Phong. Thủ tục chuyển nhượng dự án vẫn chưa hoàn tất.

Ngoài ra, đại diện Công ty Naviland còn “tố” lãnh đạo cũ của công ty đã cấu kết với đơn vị phân phối để chiếm đoạt tiền thu của khách hàng. Do vậy, công ty không có vốn để hoàn thiện dự án.

Thông tin về dự án Roxana Plaza vào năm 2021, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết đã nhận hơn 300 đơn phản ánh của khách hàng mua căn hộ tại dự án.

Hà Nam kêu gọi nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu dân cư hơn 520 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam vừa có văn bản mời gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện Dự án Khu dân cư mới kết hợp chỉnh trang đô thị tổ dân phố Hoàng Lý, phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên (DT-ĐT16.22) với tổng kinh phí dự kiến khoảng 520,28 tỷ đồng.

Được biết, dự án trên có diện tích sử dụng đất khoảng 16,5ha, mục tiêu hình thành khu dân cư mới đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kết hợp chỉnh trang khu dân cư hiện trạng.

Dự án sẽ đầu tư xây dựng 179 căn nhà ở liền kề, liền kề mặt phố diện tích khoảng 1,88ha; mật độ xây dựng trung bình 80%; cao 4 tầng + 1 tum. Dự án có thời hạn là 50 năm, tiến độ thực hiện từ năm 2022 - 2025. Thời gian nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án trước 9h ngày 21/11/2022.

Trước đó, UBND tỉnh Hà Nam đã công bố danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2022. Điển hình là Khu đô thị Đại học Nam Cao tại thị xã Duy Tiên và thành phố Phủ Lý với tổng mức đầu tư 8.656 tỷ đồng với quy mô 586 ha; Khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo 235ha, trị giá 5.850 tỷ đồng tại thành phố Phủ Lý; Khu đô thị tại các xã Đại Cương, Nhật Tân, Đồng Hoá, Nhật Tựu 285 ha thuộc huyện Kim Bảng.

Trong đó, có 138 dự án; gồm 16 dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực xã hội hoá; 85 dự án thương mại dịch vụ, đô thị; 12 dự án sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 25 dự án trong lĩnh vực hạ tầng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, nhà ở xã hội, chợ...

(tổng hợp)