📞

Bất động sản mới nhất: Thị trường cuối năm có thanh lọc, chưa rõ màu hồng hay xám, thanh tra dự án ở Hải Dương, lấn chiếm đất bị phạt bao nhiêu tiền?

Hải An 08:30 | 25/06/2022
Hiệu quả từ việc kiểm soát tín dụng vào địa ốc, quy định xử phạt về hành vi lấn chiếm đất đai, đề xuất thanh toán giao dịch kinh doanh địa ốc phải qua ngân hàng… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản nửa đầu năm 2022 đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư, quỹ đất hạn chế, đặc biệt là việc các ngân hàng kiểm soát tín dụng. (Nguồn: Báo XD)

Thị trường BĐS cuối năm có sự thanh lọc mạnh

Các chuyên gia nhận định, hoạt động kiểm soát chặt nguồn tín dụng vào BĐS trong thời gian qua được dự báo sẽ giúp thanh lọc thị trường mạnh mẽ, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, thị trường BĐS nửa đầu năm 2022 đối mặt với không ít khó khăn về nguồn vốn đầu tư, quỹ đất hạn chế, đặc biệt là việc các ngân hàng kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực BĐS.

Về đến vấn đề kiểm soát tín dụng vào BĐS, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc, Bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam cho rằng, đây là tín hiệu tích cực bởi điều này cho thấy thị trường đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn.

Theo đó, chỉ những chủ đầu tư thật sự có nguồn lực về tài chính và phát triển bền vững thì họ sẽ tiếp tục tồn tại trên thị trường. Trong khi đó, những chủ đầu tư phụ thuộc vào vốn vay và không có quy trình phát triển bền vững sẽ gặp nhiều khó khăn.

Về khía cạnh người mua nhà, bà Trang cho biết, việc siết tín dụng có thể làm giảm nhóm người mua đầu cơ, lướt sóng và không có nhu cầu ở thực, từ đó giúp người mua nhà có nhu cầu thực đến gần với cơ hội sở hữu nhà hơn.

“Tuy nhiên, chủ đầu tư phải đối mặt với việc chi phí sử dụng đất và giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng. Điều này cũng là một khó khăn cho chủ đầu tư và tác động đến giá bán cuối cùng của sản phẩm. Vì vậy, phân khúc nhà ở bình dân hay xã hội vẫn là một cánh cửa cho các chủ đầu tư có thể tham gia vào và góp phần cho sự phát triển của xã hội”, bà Trang khuyến nghị.

Ngoài ra, chuyên gia Savills cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn, tiếp cận các kênh thay thế như quỹ đầu tư, M&A, liên doanh trong bối cảnh tín dụng BĐS bị siết chặt. Việc đa dạng hóa các nguồn vốn sẽ giúp ổn định thị trường và giảm các rủi ro hệ thống.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, không đặt vấn đề là siết tín dụng BĐS mà phải đặt vấn đề là chỉ đạo của Chính phủ, NHNN rằng lĩnh vực BĐS là một lĩnh vực rủi ro, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, giá BĐS biến động rất lớn, quá cao so với thu nhập của người dân. Vì vậy, đầu tư trong lĩnh vực BĐS hết sức rủi ro.

Đánh giá về sự phát triển thị trường BĐS cuối năm, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thị trường BĐS đang phải đối mặt với những đợt thanh lọc như: kiểm soát tín dụng BĐS; thanh, kiểm tra; hoạt động phát hành trái phiếu; rà soát, hồi tố thuế thu nhập cá nhân từ giao dịch nhà đất.

Chính vì vậy, ở thời điểm này vẫn còn quá sớm để nhận diện tổng thể thị trường BĐS 6 tháng cuối năm 2022 chuyển hồng hay sắc xám.

Đề xuất thanh toán giao dịch kinh doanh BĐS phải qua ngân hàng

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý một số quy định của Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Theo đó, HoREA cho rằng kiến nghị quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh BĐS phải qua ngân hàng sẽ làm tăng tính minh bạch của thị trường BĐS, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, chống thất thu ngân sách Nhà nước và góp phần phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực này.

Cụ thể, khi nêu rõ sự cần thiết phải quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh BĐS phải qua ngân hàng, HoREA cho biết, từng có văn bản kiến nghị đề xuất về việc này.

Tại Văn bản 107 năm 2011, HoREA đề nghị quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh BĐS phải qua ngân hàng do hiện nay, thị trường BĐS Việt Nam vẫn còn thói quen thanh toán bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ.

Việc thanh toán bằng tiền mặt chưa đảm bảo được tính minh bạch. Thậm chí, có trường hợp giá mua bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở ghi trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch thật. Điều này dẫn đến tình trạng chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp, hoặc có thể làm cho ngân sách Nhà nước bị thất thu.

Hơn nữa, theo HoREA, Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống rửa tiền và để thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền, nên việc quy định thanh toán trong giao dịch kinh doanh BĐS phải qua ngân hàng là rất cần thiết.

HoREA cũng cho biết, nội dung khoản 1, điều 16 Luật Kinh doanh BĐS 2014 về thanh toán trong giao dịch BĐS quy định: Việc thanh toán trong giao dịch BĐS do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán" cần được hướng dẫn thi hành tại Nghị định 02/2022 của Chính phủ với quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh BĐS phải qua ngân hàng để làm tăng tính minh bạch của thị trường BĐS.

Theo đó, Hiệp hội kiến nghị bổ sung một điều mới vào Nghị định 02/2022 quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh BĐS phải qua ngân hàng.

Ngoài ra, tại văn bản góp ý này, HoREA cũng kiến nghị Bộ Xây dựng quy định tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở để quản lý chất lượng nhà ở xã hội là phòng trọ, nhà trọ do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng.

Bất cập do quy định tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở đã bị bãi bỏ nên không đáp ứng được yêu cầu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng phòng trọ, khu nhà trọ cho thuê.

HoREA đã đề nghị Bộ Xây dựng xem xét sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09 bổ sung quy định về tiêu chuẩn tối thiểu đối với phòng ở trên cơ sở khôi phục và xây dựng hoàn thiện lại nội dung của Điều 3 Thông tư 20/2016 của Bộ Xây dựng nhằm nâng cao chất lượng xây dựng của phòng trọ, thêm tiện ích, dịch vụ của phòng trọ, khu nhà trọ để nâng cao điều kiện ở, sinh hoạt, an ninh trật tự, PCCC và phòng chống dịch bệnh lây nhiễm như kiểu Covid-19.

Hải Dương thanh tra dự án Khu dân cư mới phía Tây thị trấn Nam Sách

Chánh Thanh tra tỉnh Hải Dương Cao Ngọc Quang đã ký, ban hành quyết định 505 thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật, thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước với chủ đầu tư dự án Khu dân cư mới phía Tây Nam Sách tại huyện Nam Sách.

Thời kỳ thanh tra từ khi triển khai Dự án đến thời điểm thanh tra tháng 6/2022. Khi cần thiết Đoàn thanh tra báo cáo Chánh Thanh tra tỉnh thanh tra các nội dung có liên quan trước và sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra là 60 ngày làm việc, kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra tại đơn vị.

Đoàn thanh tra do ông Phạm Văn Cảnh, Thanh tra viên chính, Trưởng phòng Thanh tra, phòng chống tham nhũng làm Trưởng đoàn.

Theo quyết định, đoàn thanh tra có nhiệm vụ, thực hiện nội dung thanh tra được ghi tại Điều 1 của Quyết định này. Đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành để đánh giá những ưu điểm, những việc đã làm được; những thiếu sót, khuyết điểm (nếu có) và nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục; lập biên bản với đối tượng thanh tra về nội dung đã được thanh tra; báo cáo đầy đủ nội dung đã được thanh tra và đề xuất với Chánh Thanh tra tỉnh kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh tra tỉnh Hải Dương yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Thanh; Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Hưng Thịnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có trách nhiệm báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra theo yêu cầu của Trưởng đoàn thanh tra.

Được biết, dự án Khu dân cư mới phía Tây thị trấn Nam Sách được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ký quyết định 990 chấp thuận đầu tư dự án ngày 20/4/2020. Liên danh Công ty TNHH Hoàng Thanh - Công ty TNHH Tập đoàn Hưng Thịnh làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 663 tỷ đồng, trong đó chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là hơn 494 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là hơn 169 tỷ đồng. Chủ đầu tư góp 15% tổng số vốn (99,645 tỷ đồng), số còn lại do nhà đầu tư tự huy động (564,057 tỷ đồng).

Dự án được triển khai trên khu đất rộng hơn 400.000m2. Sau khi hoàn thành sẽ có 1.252 lô nhà ở liền kề và 68 lô nhà vườn với quy mô dân số khoảng 5.280 người. Thời gian triển khai dự án là 60 tháng.

Mức phạt của hành vi lấn chiếm đất đai

Lấn chiếm đất là hành vi khá phổ biến trong đời sống, việc này gây ảnh hưởng rất lớn tới lợi ích của tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất. Hành vi lấn chiếm đất trái phép có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.

Hiểu rõ về lấn chiếm đất đai

Tại Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 04/2022/NĐ-CP) giải thích như sau:

Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất nhằm mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

Chiếm đất là hành vi sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau: Tự ý sử dụng đất khi không được cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai cho phép; Tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác khi không được tổ chức, cá nhân đó cho phép; Sử dụng đất được Nhà nước cho thuê đất, giao đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng đất và đã có quyết định thu hồi đất được công bố, tổ chức thực hiện nhưng người sử dụng đất không chấp hành.

Lấn chiếm đất đai bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Mức xử phạt hành chính với hành vi lấn, chiếm đất được quy định cụ thể tại Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP như sau:

Bảng trên là mức phải với hành vi lấn, chiếm đất tại nông thôn. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng.

Lưu ý: Mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 01 tỷ đồng đối với tổ chức.

(tổng hợp)