Bất động sản mới nhất: Thị trường ‘đứng hình’, doanh nghiệp cạn tiền. (Nguồn: DT) |
Doanh nghiệp bất động sản cạn tiền
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa gửi Ngân hàng Nhà nước góp ý dự thảo Thông tư 01/2020 về "cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19".
Theo hiệp hội này, đến nay, hầu hết doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đã dần kiệt sức. Thậm chí, một số doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản nếu không được Nhà nước hỗ trợ kịp thời thêm.
HoREA cho biết các doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, cấp bách và đáng quan ngại nhất là thiếu dòng tiền khiến doanh nghiệp có thể phải dừng hoạt động bất cứ lúc nào.
Đơn vị này cho hay nhiều doanh nghiệp đang rơi vào hoàn cảnh không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động, không còn tiền để cầm cự qua giai đoạn khó khăn này.
Nguyên nhân là các dự án không thể triển khai đúng tiến độ, phải dừng công trình xây dựng, thiếu sản phẩm trong lúc thị trường bị "đứng hình", giao dịch bị sụt giảm mạnh, không bán được sản phẩm, doanh số bán hàng bị "rơi thẳng đứng", không thể huy động được vốn như trước đây.
Những khó khăn trên liên quan trực tiếp tới vướng mắc về tín dụng. Hiện nay, các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp và phải tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh. Do đó, giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng khó hài hòa lợi ích của các bên.
Phía HoREA đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng. Điều này được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 (do Thông tư 03/2021/TT-NHNN chỉ quy định kéo dài đến 31/12/2021).
Đặc biệt, ngân hàng Nhà nước xem xét cho khách hàng được vay vốn mới để hỗ trợ thiết thực hơn cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Vay vốn mới sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn vay, giảm chi phí đầu vào, được tiếp cận các khoản vay mới, để có thêm thời gian dần phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét xây dựng lại cơ chế xác định lãi suất cho vay để vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, vừa xây dựng thị trường tín dụng phát triển bền vững, vừa hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trên cơ sở lãi suất tiền gửi bình quân hiện nay, Hiệp hội này đề nghị ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm.
4 phân khúc bất động sản đáng đầu tư hậu Covid-19
Trao đổi tại tọa đàm trực tuyến "Bất động sản hậu đại dịch: Sóng về đâu?", các chuyên gia đã gợi ý 4 phân khúc bất động sản có tiềm năng sinh lợi tốt khi dịch bệnh được kiểm soát.
Theo chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh - Tổng giám đốc Phú Vinh Group, có 4 phân khúc sẽ có sự phục hồi nhanh nhất khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đầu tiên là bất động sản nghỉ dưỡng. Hiện các chủ đầu tư vẫn "nằm im" chờ cho đợt dịch này qua đi. Nhưng theo ông Chánh, nhu cầu du lịch của người dân như một cái lò xo đang bị nén lại sẽ nhanh chóng bung ra sau dịch.
Thứ hai là đất nền vùng ven. Hiện đầu tư công được chú trọng vì là một trong những trụ đỡ quan trọng cho GDP vào những năm kinh tế gặp khó khăn. Hạ tầng mở rộng kéo theo đà sôi động của đất nền vùng ven từng diễn ra trong quá khứ.
Thứ ba là căn hộ ở phân khúc trung cấp, hay còn gọi là căn hộ vừa túi tiền - dòng sản phẩm nhắm vào nhu cầu ở thực của những thị dân các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội hay một số đô thị khác của Việt Nam. Khả năng phục hồi có thể là nhanh nhất vì phân khúc này nhắm vào nhu cầu thực tế của thị trường.
Cuối cùng là nhà phố - phân khúc theo ông là đáng đầu tư nhất. "Giai đoạn này, việc cho thuê đang gặp khó khăn nhưng nhà phố vẫn là phân khúc truyền thống và nếu cho tôi chọn, tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư nên chú ý đến phân khúc này", ông Chánh đánh giá.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Thể Hiển cho rằng, nhà phố, căn hộ hay đất nền vùng ven là những sản phẩm có thể mang về lợi nhuận ngay, không phải mua để chờ 5-10 năm.
Đặc biệt, nhà phố là dòng sản phẩm nhà đầu tư thường mua để dành lâu dài, chứ không bán. Trong giai đoạn bình thường, các sản phẩm này rất hiếm được rao bán trên thị trường. Chỉ có trong đại dịch, những người gặp khủng hoảng cho thuê mới có nhu cầu bán, mà còn chấp nhận thương lượng giảm giá.
Với những nhà đầu tư chờ cơ hội "bắt đáy" thị trường dịp này, các chuyên gia khuyến cáo người mua vẫn nên cân nhắc các yếu tố cơ bản như pháp lý, vị trí và giá cả.
Sức hút của thị trường bất động sản Bắc Hà Nội nửa cuối năm 2021
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Môi giới Bất động sản, so với cùng kỳ năm 2020, lượng giao dịch chào bán trên toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 tăng 10,8%, giao dịch tăng 132,3%.
Trên thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2021 phân khúc thấp tầng đang là phân khúc có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất lên tới 47%, dẫn đầu toàn thị trường. Trong khi đó, theo dữ liệu báo cáo của Savills Việt Nam công bố: Biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội tiếp tục đạt tỷ lệ hấp thụ tốt trong quý II lên đến 56%.
Số liệu thống kê từ đơn vị nghiên cứu thị trường DKRA Việt Nam cũng ghi nhận: Trong tháng 4/2021, nhu cầu mua shophouse, nhà liền kề tăng mạnh, mức tăng cao nhất từ đầu năm 2020 đến nay, giao dịch thành công gấp 3,5 lần so với tháng 3/2021.
Thực tế này cho thấy những tiềm năng to lớn và sức hút mạnh mẽ của phân khúc nhà ở thấp tầng, mà cụ thể là shophouse và liền kề trên toàn thị trường, đặc biệt là những dự án đô thị nằm ở ven đô và vùng phụ cận.
Đây là những khu vực quỹ đất còn dồi dào, khí hậu trong lành, kinh tế đang trên đà phát triển, hạ tầng giao thông ngày càng được đầu tư đồng bộ hiện đại, tốc độ đô thị hoá tăng mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư phát triển các dự án đô thị sinh thái, tích hợp hệ thống dịch vụ tiện ích hiện đại phục vụ nhu cầu tận hưởng cuộc sống của cư dân.
Nhiều trung tâm thương mại phải hoãn khai trương do Covid-19. (Nguồn: Savill) |
Nhiều chủ đầu tư hoãn ra mắt trung tâm thương mại vì dịch
Theo các chuyên gia của Công ty Savills Việt Nam, nguồn cung bán lẻ tại Hà Nội duy trì mức tăng trưởng trung bình 5%/năm trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, từ năm 2020 đến nay, nguồn cung mới của phân khúc này khan hiếm. Thậm chí, có sản phẩm sắp hoàn thiện nhưng tâm lý nhiều chủ đầu tư có tâm lý e ngại dịch bệnh, quyết định hoãn ra mắt các trung tâm thương mại mới.
Thống kê của Savills cho thấy tại Hà Nội, do không có nguồn cung mới nên tổng nguồn cung chỉ đạt khoảng 1,6 triệu m2 vào quý I/2021. Trung tâm mua sắm vẫn duy trì nguồn cung cao nhất ở mức 914.000m2.
Tốc độ tăng trưởng nguồn cung của trung tâm bách hóa là 10% và khối để bán lẻ là 9%, vượt xa trung tâm mua sắm trong năm năm qua. Tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ làm trì hoãn lễ ra mắt của các trung tâm bán lẻ.
Tại Hà Nội, nhiều nhãn hàng đã quyết định tạm dừng kế hoạch mở rộng cho tới khi tình hình dịch bệnh được cải thiện. Các chuyên gia của Savills cho rằng đến cuối năm, giá thuê sẽ không giảm quá nhiều, phần lớn sẽ ở mức ổn định hoặc chỉ giảm nhẹ như hiện tại ở mức từ 2-5%.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cho thuê thương mại Savills Hà Nội, cho biết việc chủ đầu tư trì hoãn việc khai trương các trung tâm thương mại mới tương ứng với thực tế là thị trường Hà Nội không đón nhận thêm nguồn cung mặt bằng trung tâm thương mại mới kể từ đầu năm 2021 đến nay.
Tuy vậy, đến năm 2023, thị trường sẽ đón thêm nguồn cung mới và đa phần là những trung tâm thương mại được đầu tư bài bản như Lotte Mall ở khi vực đường Võ Chí Công hay Khu Starlake với sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc như CJ hay Emart.