📞

Bất động sản mới nhất: Thị trường sắp ‘nhẹ nhàng’ tăng; xuất hiện phân khúc đi tắt đón đầu, Đà Lạt đấu giá cho thuê ‘đất vàng’

Hải An 08:39 | 11/07/2023
Thị trường đang dần "thẩm thấu" những thay đổi tích cực về chính sách, khan hiếm nguồn cung, Đà Lạt đấu giá cho thuê “đất vàng”… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Nửa cuối năm nay vẫn cần đẩy nhanh việc rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án bất động sản. (Ảnh minh họa - Nguồn: Dân trí)

Giá BĐS có tăng trở lại?

Về thị trường BĐS thời gian tới, nhiều đơn vị nghiên cứu dự báo, trong 2 quý cuối năm nay, thị trường BĐS nói chung khó có sự bùng nổ về nguồn cung do áp lực bối cảnh kinh tế. Tuy nhiên, thị trường đang dần "thẩm thấu" những thay đổi tích cực về chính sách thời gian qua.

Theo đó, nửa cuối năm 2023 là thời điểm thị trường BĐS có thể bật trở lại từ điểm đáy và sẽ nhẹ nhàng đi lên. Nhu cầu nhà ở vẫn tập trung vào phân khúc giá cả vừa túi tiền, phục vụ mục đích ở thực.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, phải từ quý IV năm nay, đà phục hồi của thị trường mới rõ nét hơn. Bởi đây cũng là thời điểm những chính sách gỡ vướng cho thị trường phát huy hiệu quả.

Cụ thể, theo ông Lực, nửa cuối năm nay vẫn cần đẩy nhanh việc rà soát và có giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án BĐS; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, chương trình phục hồi, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân… Trong đó, cần chú trọng điều tiết cung - cầu BĐS.

Về phía doanh nghiệp, ông Lực cho rằng, để tự "cứu mình", các đơn vị cần có kế hoạch cụ thể, khả thi thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, nhất là giai đoạn 2023-2024. Ngoài ra, doanh nghiệp cần hạn chế đầu tư dàn trải, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp.

Còn theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội, cần có sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp từ chính sách pháp luật, hoàn thiện hóa các luật: Đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS…, đến hỗ trợ bổ sung nguồn cung mới và định hướng rõ ràng cho thị trường; rút ngắn thời gian xem xét, phê duyệt các dự án.

Đồng thời, theo bà Hằng, cần có chính sách giá đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... hài hòa lợi ích chung, hướng đến phát triển thị trường ổn định, bền vững; chính sách tín dụng được tính đến một cách linh hoạt, hợp lý. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông tiện ích giúp người dân dễ dàng di chuyển giữa các khu vực, tạo sự linh hoạt, phát huy tối đa nguồn cầu về nhà ở.

Nguồn cung nghèo nàn

Trong một báo cáo vừa được công bố của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), hơn 90% doanh nghiệp môi giới là hội viên của VARS ghi nhận doanh thu quý I sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, 39% doanh nghiệp có doanh thu quý I sụt giảm 20-50% và 61% doanh nghiệp tụt giảm trên 50% so với cùng kỳ. Có trường hợp một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu 70-80% do thị trường vẫn gặp khó khăn về dòng tiền, điều kiện cho vay bị siết chặt, sức mua chưa được cải thiện...

Nguồn cung BĐS ra thị trường chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Thị trường thiếu vắng hẳn thông tin mở bán từ những dự án mới hoàn toàn. Kể từ năm đầu năm 2022 đến nay, thị trường luôn trong trạng thái khát nguồn cung.

Việc nguồn cung đến từ các sản phẩm nghèo nàn từ các dự án cũ đã không đủ sức hấp dẫn với khách hàng. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi cao, hấp dẫn đã thu hút lượng tiền nhàn rỗi của khách hàng vào kênh ngân hàng, đổi lại, niềm tin vào thị trường BĐS ngày càng sụt giảm; khó khăn trong việc vay vốn mua BĐS cũng khiến nguồn cầu sụt giảm.

Cũng theo VARS, cung cầu giảm khiến giao dịch của thị trường cũng giảm sút. Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường năm ngoái đạt khoảng 39%, tương đương 19.000 giao dịch, chỉ bằng 17% so với lượng giao dịch của năm 2018.

Tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường trong quý I năm nay chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2022.

Một thực trạng khác là thị trường truyền thống của các sàn giao dịch và môi giới BĐS chủ yếu dựa vào các dự án khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, các dự án trên thị trường tại hầu hết địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh... đều trong tình trạng đắp chiếu, chờ phê duyệt.

Condotel dần hồi phục

BĐS nghỉ dưỡng từng có giai đoạn chìm đắm trong những đợt suy giảm. Thậm chí, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng trong quý I còn có sức cầu ở mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, tình hình đang từng bước được cải thiện, dẫu biết khoảng cách để thị trường bắt kịp so với giai đoạn cùng kỳ năm ngoái vẫn còn rất xa, theo báo cáo của DKRA.

Đối với condotel (căn hộ nghỉ dưỡng), sức cầu thị trường đã có sự tăng vọt so với quý trước. Cụ thể, 122 căn đã được tiêu thụ trong quý II, nhiều hơn 20 lần so với quý I, nhưng vẫn thấp hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ cũng lên tới 32%, vượt trội so với mức 3% của quý I.

Phần lớn lượng giao dịch trong quý tập trung vào những dự án có pháp lý hoàn thiện, được ngân hàng bảo lãnh và vận hành bởi đơn vị quốc tế 4-5 sao.

Trong quý II có 3 dự án mở bán, tương ứng với 378 căn, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 90% so với quý trước.

Ccác chuyên gia của DKRA nhận định: “Các thông tin khả quan của Chính phủ về quy định cấp sổ hồng cho condotel được xem là một cú hích tâm lý, giúp các chủ đầu tư được tiếp thêm động lực cũng như góp phần giúp phân khúc bắt đầu có những tín hiệu tích cực”.

Mức giá chào bán của phân khúc condotel không có nhiều biến động so với quý trước nhưng vẫn tăng 2-4% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua.

Bên cạnh việc tăng giá, các chủ đầu tư cũng tung ra nhiều chính sách bán hàng, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết/chia sẻ doanh thu/lợi nhuận… nhằm kích cầu thị trường.

Trong quý III, nguồn cung dự kiến tăng so với quý II, khoảng 400-500 căn sẽ được đưa ra thị trường. Trong đó, các mặt hàng tập trung phần lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định và Quảng Ninh.

Nhà hàng Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương. (Nguồn: BXD)

Đà Lạt đấu giá cho thuê “đất vàng” hơn 3 tỷ đồng/ năm

UBND thành phố Đà Lạt vừa có báo cáo gửi Sở Tài chính về việc rà soát, thu thập thông tin, đề xuất giá khởi điểm bán đấu giá quyền thuê nhà, đất 10 năm tại nhà hàng Thủy Tạ (bên hồ Xuân Hương).

Theo đó, khu đất nhà hàng Thủy Tạ thuộc thửa số 4, tờ bản đồ địa chính 14 (phường 1). Đây là vị trí đặc biệt, duy nhất tại thành phố Đà Lạt và không có các vị trí tương đồng để làm yếu tố so sánh.

Khu đất này rộng hơn 3.800m2, trong đó diện tích công trình có mái che trên 380m2; diện tích bồn hoa hơn 890m2; diện tích khuôn viên, sân bãi còn lại gần 2.600m². Tài sản trên đất gồm khu nhà chính xây 2 tầng, mái bê tông cốt thép, mái phía sau là mái xếp và kính, sàn tầng 1 bê tông cốt thép, sàn tầng hầm gỗ, nền lát gạch giả gỗ, cầu thang bê tông và cầu thang sắt; diện tích xây dựng hơn 208m2; diện tích sàn hơn 267m2. Tỷ lệ chất lượng còn lại của nhà, công trình xây dựng hơn 79%.

Trên cơ sở rà soát, tham khảo giá đất, giá cho thuê, giá giao dịch ở khu vực các tuyến đường lân cận và các quy định liên quan, UBND thành phố Đà Lạt đề xuất giá trị quyền thuê đất và tài sản trên đất dự kiến trong 1 năm đối với nhà hàng Thủy Tạ hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, giá thuê đất hơn 2,66 tỷ đồng/năm và tiền thuê tài sản (công trình nhà hàng Thủy Tạ) 378 triệu đồng/năm.

Thời hạn đấu giá cho thuê 10 năm và theo quy hoạch địa điểm này vẫn được sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ, kinh doanh nhà hàng ăn uống. Đơn vị trúng đấu giá phải giữ nguyên hiện trạng, không được xây thêm công trình trong khu đất.

Năm 2015, tỉnh Lâm Đồng cho Công ty cổ phần du lịch Lâm Đồng thuê mặt bằng kinh doanh nhà hàng Thủy Tạ là 378 triệu đồng/năm, tương đương 31,5 triệu đồng/tháng cho chu kì thuê 5 năm 2015-2020.

Theo quy hoạch, thời hạn đấu giá cho thuê là 10 năm, vẫn được sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ, kinh doanh nhà hàng ăn uống. Đơn vị trúng đấu giá phải giữ nguyên hiện trạng, không được xen cấy thêm công trình vào khu đất.

(tổng hợp)