📞

Bất động sản mới nhất: Thị trường TP.HCM đìu hiu, start-up địa ốc gọi vốn 30 triệu USD; khó khăn trong thu hồi đất dự án sân bay Long Thành

Hải An 08:05 | 16/11/2021
Thị trường TP.HCM đìu hiu, cả quý có 1 dự án được cấp phép mở bán, start-up địa ốc tại Việt Nam được quỹ ngoại rót 30 triệu USD; khó khăn trong thu hồi đất dự án sân bay Long Thành,… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Thị trường bất động sản TP.HCM đìu hiu, cả quý chỉ có 1 dự án nhà ở mở bán. (Nguồn: DT)

TP.HCM: Cả quý chỉ có 1 dự án nhà ở được mở bán, ‘vắng bóng’ nhà giá rẻ

UBND TP.HCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng về số liệu nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn thành phố quý III/2021.

Theo đó, trong quý III/2021, thị trường BĐS thành phố phát triển chậm hơn so với quý trước và cùng kỳ.

Nguyên nhân là do TP.HCM vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đang trong giai đoạn giãn cách xã hội nên không có biến động về số lượng cũng như giá nhà ở trên diện rộng.

Nguồn cung nhà ở tại các dự án rất hạn chế, hầu như không có. Nếu như quý II/2021, thị trường BĐS TP.HCM vẫn có hoạt động nhưng chậm lại, có xu hướng lệch về phía phân khúc nhà ở bình dân, thì đến quý III/2021 hầu như không có giao dịch.

Trong quý III/2021, Sở Xây dựng TP.HCM đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai cho 1 dự án, với tổng số 352 căn. Nguồn cung nhà ở này đã giảm 85,7% so với quý trước và giảm 87,5% về nguồn cung dự án so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong quý này, tại TP.HCM không có dự án nào được cho phép chuyển nhượng đất đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để xây nhà ở, tức dự án đất nền. Thị trường tiếp tục “vắng bóng” nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.

UBND TP.HCM đánh giá, thị trường BĐS phát triển chưa thật sự ổn định, nguồn cung giảm, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân, chưa đáp ứng nhu cầu thực của thị trường.

Start-up địa ốc tại Việt Nam được quỹ ngoại rót vốn 30 triệu USD

Ngày 15/11, công ty khởi nghiệp Homebase thông báo vừa huy động thành công 30 triệu USD. Đây là một trong những thương vụ gọi vốn lớn nhất từ đầu năm đến nay trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam.

Đại diện start-up BĐS này cho biết, trong vòng gọi vốn vừa qua, nhiều nhà đầu tư mới đã tham gia rót tiền. Trong đó có những cái tên nổi bật như Y Combinator, nhà đầu tư từng rót vốn vào các công ty lớn trên toàn cầu như Airbnb, Dropbox, Coinbase hay GoodWater Capital, quỹ đầu tư mạo hiểm đến từ Silicon Valley đã dẫn dắt ví điện tử Momo huy động thành công 100 triệu USD vào đầu năm nay.

Trước đó, Homebase đã được nhiều nhà đầu tư chiến lược khác rót tiền như quỹ VinaCapital Ventures thuộc tập đoàn VinaCapital hay Darius Cheung - nhà sáng lập kiêm CEO công ty 99.co, cổng thông tin BĐS lớn nhất tại Singapore và Indonesia.

Startup này ban đầu có 3 đồng sáng lập gồm Đoàn Việt Hưng cùng hai doanh nhân người nước ngoài JuanYuan Tan và Phillip An. Hiện tại, đồng sáng lập người Việt đã rời công ty và không còn giữ vị trí quản lý trong khi 2 cộng sự người nước ngoài tiếp tục chèo lái startup.

Công ty khởi nghiệp được VinaCapital đầu tư cung cấp dịch vụ mua trước và đứng tên căn nhà, khách hàng có thể dọn vào ở ngay. Người mua sau đó sẽ góp vốn lại cho công ty hằng tháng, có thể lựa chọn mua lại toàn bộ căn nhà khi góp đủ 100% giá thỏa thuận bất kỳ lúc nào, hoặc rời đi và thu về khoản tiết kiệm đã góp vào căn nhà. Thị trường chính của công ty hiện tại là TP.HCM.

Gỡ vướng đất “giấy tay” ở dự án sân bay Long Thành

Theo Báo Laodong, hiện tỉnh Đồng Nai đã thu hồi hơn 3.800ha/5.000ha để xây dựng dự án sân bay Long Thành. Tuy nhiên, tình trạng thu hồi “da beo” do vướng đất giấy tay khiến việc bàn giao đất gặp khó khăn.

Khu tái định cư dự án sân bay Long Thành. (Nguồn: Báo Xây dựng)

Cụ thể đến nay, Đồng Nai mới thực hiện giao đất đợt 1 gần 1.300ha/1.810ha giai đoạn 1 để xây dựng hạ tầng cảng hàng không.

Trong phạm vi 5.000ha xây dựng sân bay Long Thành, đến thời điểm này, Đồng Nai đã thực hiện thu hồi diện tích hơn 3.800ha, đạt khoảng 77%, việc bàn giao đất khó thực hiện liền khoảnh, liền thửa.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thu hồi đất “da beo” là do vướng mắc từ các trường hợp đất giấy tay chưa được xử lý trong thời gian qua nằm xen lẫn giữa diện tích đất đã hoàn thành các thủ tục thu hồi đất.

Theo UBND huyện Long Thành, qua rà soát, toàn bộ dự án Sân bay Long Thành có khoảng 1.000 trường hợp đất giấy tay. Trong đó, riêng trong khu vực ưu tiên bàn giao mặt bằng trước (khu vực 1.810ha) có 273 trường hợp đất giấy tay là các trường hợp cho, tặng, thừa kế, chuyển nhượng…

Để xử lý các hồ sơ đất giấy tay này, UBND huyện đã phối hợp với Tổ công tác xử lý vướng mắc đất giấy tay thuộc dự án Sân bay Long Thành để xử lý, trong đó ưu tiên các trường hợp trong khu vực ưu tiên 1.810ha để đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng cam kết sẽ hoàn thành thu hồi phần diện tích còn lại 1.200ha thuộc dự án trong năm 2021. Cùng với đó, Đồng Nai sẽ giao đất đợt 2 với diện tích hơn 400ha thuộc khu vực ưu tiên trong tháng 11.2021.

Đối với tiến độ chung của dự án, dự kiến tỉnh Đồng Nai sẽ hoàn thành công tác bồi thường, giao đất đủ diện tích đất toàn dự án trong quý I/2022.

Tại vùng lõi dự án sân bay Long Thành - nơi mà gần như 100% hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng, nhường đất để xây dựng sân bay.

Qua ghi nhận của phóng viên, những người dân còn lại tại đây vẫn đang mong chờ từng ngày để di dời tới nơi ở mới.

Theo UBND huyện Long Thành, đến thời điểm này, địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 4.453 trường hợp trên tổng số 6.954 trường hợp thuộc dự án với diện tích hơn 1.900ha. Trong đó, đã thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 4.133 trường hợp với diện tích hơn 1.800ha.

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với UBND H.Long Thành và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về tình hình thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành.

Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị huyện Long Thành đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho toàn bộ các trường hợp thuộc dự án. Cùng với đó, khẩn trương tập trung giải phóng mặt bằng sạch để bàn giao đất khu vực ưu tiên.

Mua bán chung cư chưa có sổ hồng: Rủi ro bủa vây, tránh ôm hận tiền tỷ

Mua chung cư chưa có sổ hồng có lợi thế về giá cả nhưng cũng kèm theo rất nhiều rủi ro. Nếu người mua không tìm hiểu kỹ, chỉ ham rẻ rồi nhanh chóng xuống tiền, rất dễ “tiền mất tật mang”.

Để giảm thiểu rủi ro khi mua chung cư chưa có sổ hồng, có thể áp dụng những cách thức tùy theo từng trường hợp sau đây:

Trường hợp mua trực tiếp từ chủ đầu tư

Nếu mua căn hộ chung cư chưa có sổ hồng từ chủ đầu tư thì hợp đồng mua bán phải được ký trực tiếp với chủ đầu tư. Nếu thời điểm giao nhà mà chủ đầu tư vẫn chưa ra được sổ hồng thì hợp đồng phải ghi chú lại thời điểm có sổ hồng là lúc nào và hợp đồng này cần phải được công chứng.

Để đảm bảo hơn, người mua có thể đàm phán, thương lượng nhằm giữ lại một phần giá trị của căn hộ chung cư, thỏa thuận rõ sau khi nhận sổ hồng thì mới thanh toán toàn bộ số tiền còn lại đó. Với cách này, chủ đầu tư sẽ không thể “đem con bỏ chợ” mà buộc phải có trách nhiệm để sớm có sổ hồng cho người mua.

Bên cạnh đó, người mua cũng cần tìm hiểu uy tín, năng lực của chủ đầu tư, chất lượng căn hộ, lý do tại sao chưa ra được sổ hồng…

Qua tìm hiểu, nếu thấy chủ đầu tư uy tín, chất lượng công trình tốt, thời gian bàn giao chưa quá 2 năm, thì cũng yên tâm hơn khi xuống tiền. Ngược lại, nếu các thông tin tìm hiểu được đều mang tính tiêu cực thì cần phải suy xét kỹ hơn việc mua bán.

Trường hợp mua từ chủ đầu tư thứ cấp

Nếu mua nhà chung cư chưa có sổ hồng từ các chủ đầu tư thứ cấp (có chức năng kinh doanh BĐS), để an toàn, cần mua qua sàn giao dịch BĐS theo quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS.

Hai bên nên lập văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại văn phòng công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch.

Trường hợp mua từ các hộ gia đình hoặc cá nhân

Trong trường hợp này, khi công chứng hợp đồng, hãy yêu cầu người bán xuất trình hợp đồng mua bán với chủ đầu tư trước đó để thể hiện tính pháp lý của căn hộ.

Nếu như căn hộ chung cư đó đã mua bán lần thứ 3 thì khi công chứng phải xuất trình hợp đồng mua bán lần cuối cùng. Đặc biệt, quá trình mua bán phải được thông qua chủ đầu tư (chủ đầu tư xác nhận đồng ý cho chuyển nhượng), vì có những trường hợp hoạt động mua bán sẽ bị vô hiệu hóa nếu như chủ đầu tư không đồng ý.

Hai bên nên thực hiện giao dịch ở phòng công chứng để đảm bảo an toàn và quyền lợi cho cả hai bên.

(tổng hợp)