📞

Bất động sản mới nhất: Tồn kho lớn, nhà đầu tư ‘thờ ơ’, mặt bằng nhà phố cho thuê ế ẩm, doanh nghiệp ‘bỏ cuộc chơi’ tăng

Hải An 08:29 | 08/08/2023
Lượng tìm mua giảm 33%, hàng tồn kho lớn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng; tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng mạnh, Đà Nẵng dự thu hơn 1.400 tỷ đồng từ đấu giá đất… là những tin bất động sản (BĐS) mới nhất.
Theo Báo cáo thị trường bất động sản mới công bố của Bộ Xây dựng, cầu thuê đối với mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng giảm. (Nguồn: Dân trí)

Lại nở rộ tình trạng tháo chạy khỏi mặt bằng nhà phố cho thuê

Theo thông tin khảo sát của phóng viên Dân trí, gần đây, tại các khu phố trung tâm, sầm uất của Hà Nội xuất hiện nhiều mặt bằng trống khi nhiều cửa hàng đóng cửa kinh doanh. Không ít chủ cửa hàng tháo chạy khỏi các mặt bằng cho thuê vì tình trạng kinh doanh ế ẩm, thua lỗ kéo dài.

Tại phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Bà Triệu, Cầu Giấy… nhiều cửa hàng cũng đồng loạt treo biển xả hàng, thanh lý, đại hạ giá để sang nhượng.

Khảo sát cho thấy, chi phí mặt bằng ngốn hết lợi nhuận trong khi lượng khách ngày một ít dần. Không ít cửa hàng kinh doanh thời trang, ăn uống, spa… đã liên tục phải bù lỗ, gánh nợ, buôn bán không có lợi nhuận trong thời gian dài.

Theo Báo cáo thị trường BĐS mới công bố của Bộ Xây dựng, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh trong quý II vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái tại các trung tâm thương mại cơ bản ổn định.

Tuy nhiên, nhu cầu thuê đối với mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng giảm, xuất hiện nhiều trở lại hiện tượng trả lại mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay tại các vị trí trung tâm của các thành phố lớn. Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh ảm đạm và chi phí thuê mặt bằng cao.

Bộ Xây dựng dẫn chứng, mặt bằng trống khi nhiều cửa hàng đóng cửa kinh doanh, treo biển cho thuê mặt bằng tại phố Hàng Ngang, Hàng Bạc, Cầu Giấy (Hà Nội); tại phố Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Phạm Ngũ Lão, Hai Bà Trưng, khu vực Hồ Con Rùa (TPHCM); tại phố Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn( Đà Nẵng)…

Cũng theo Bộ Xây dựng, mặt bằng thương mại trong quý II trên địa bàn cả nước không có dự án trung tâm thương mại, siêu thị lớn nào khai trương và đi vào hoạt động. Nguồn cung mới về mặt bằng thương mại vẫn tiếp tục hạn chế, nguồn cung chủ yếu được bổ sung thêm từ một số sàn thương mại của các tòa nhà hỗn hợp tuy nhiên số lượng không nhiều.

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội, trong nửa đầu năm tồn tại một tỷ lệ nhất định các mặt bằng khối đế và nhà phố không đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng về tiêu chuẩn thiết kế và công năng sử dụng.

Thêm vào đó, việc các nhãn hàng sau Covid-19 đều hạn chế việc mở tràn lan các mặt bằng và chỉ tập trung vào một cửa hàng flagship, cho nên hệ thống những mặt bằng không đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi danh sách cân nhắc rất nhanh.

Sự dịch chuyển từ chi tiêu cho sở thích cá nhân về những chi tiêu cơ bản phần nào làm giảm triển vọng ngành bán lẻ. Trong đó các phân khúc thời trang, mỹ phẩm, giải trí và thể hình chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Những yếu tố bất lợi của nền kinh tế thế giới khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ lại về mục tiêu tài chính và tối ưu hóa chi tiêu cho những mặt hàng thiết thực hơn.

Ngoài ra, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn kể từ dịch Covid-19, các nhà bán lẻ sẽ cần thay đổi và thích nghi để phát triển trong bối cảnh hậu đại dịch. Theo đó, mua sắm trực tuyến đã và đang là lựa chọn mới của khách hàng trên nhiều phân khúc hàng hóa.

Các cửa hàng trực tuyến sẽ là nguồn thu hút khách hàng tiềm năng, nơi nhãn hàng chạm đến công chúng và mở rộng nhận diện thương hiệu của mình. Trong khi đó, những cửa hàng truyền thống cần được nhãn hàng nhìn nhận là nơi mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ, những tụ điểm vui chơi, giải trí và các trải nghiệm thực mà hình thức thương mại điện tử không thể đem lại.

Bên cạnh đó, các cửa hàng khi thuê mặt bằng sẽ cần tập trung đầu tư tối ưu hóa thiết kế và khả năng hoạt động để đáp ứng nhu cầu khách hàng và cung cấp dịch vụ tốt nhất. Các nhãn hàng đang quan tâm nhiều hơn đến vị trí và điều kiện khi thuê của mặt bằng, nhằm dễ thu hút khách hàng và gia tăng trải nghiệm người dùng.

Lượng tìm mua BĐS toàn quốc giảm 33%

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý II/2023. Theo đó, tình hình giao dịch trong quý trầm lắng do niềm tin của người mua, nhà đầu tư bị ảnh hưởng và những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cụ thể, theo khảo sát, lượng tìm mua BĐS toàn quốc tính đến hết quý II/2023 giảm khoảng 33% so với cùng kỳ năm trước, lượng tin đăng bán BĐS cũng giảm khoảng 44% (lượng quan tâm tìm mua đất nền giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022).

Đồng thời, theo tổng hợp số liệu từ Sở Xây dựng các địa phương có báo cáo (58/63 tỉnh), trong quý II/2023 có 96.977 giao dịch thành công, trong đó lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ: có 29.725 giao dịch thành công và bằng khoảng 75,61% so với quý I/2023, bằng khoảng 43,03% so với quý II/2022.

Trong quý II/2023, mặc dù cũng có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án BĐS đang phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động nguyên vật liệu… Ngoài ra, các dự án còn gặp khó về hạn chế vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp.

Do vậy, lượng tồn kho được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng, giá trị tồn kho BĐS hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương (có 17/63 tỉnh), lượng tồn kho BĐS trong quý II/2023 vào khoảng 16.688 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), trong đó: Chung cư (1.714 căn); nhà ở riêng lẻ (7.4773 căn); đất nền (7.501 nền). Theo đó, có thể thấy tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc BĐS nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

Tỷ lệ doanh nghiệp BĐS giải thể gia tăng

Cũng theo Báo cáo trên của Bộ Xây dựng, số lượng các doanh nghiệp BĐS phải giải thể trong quý II/2023 đã tăng lên khoảng 30,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. (Ảnh: Quỳnh Danh)

Báo cáo cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời điểm hiện tại. Điều này được thể hiện ở xu hướng giải thể trong lĩnh vực này.

Cụ thể, số doanh nghiệp BĐS giải thể trong quý II/2023 đã tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm 2022. Số lượng doanh nghiệp BĐS thành lập mới cũng giảm khoảng 61,4% so cùng kỳ năm ngoái.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, có thể phân thành 3 nhóm chính.

Thứ nhất là nhóm vướng mắc về pháp lý. Hiện nay, nhiều dự án BĐS đang gặp khó khăn về pháp lý dự án như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn nhiều vướng mắc.

Quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện. Quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt nhưng không phù hợp với quy hoạch cấp trên (các quy hoạch cấp trên trước đó không còn phù hợp đang phải rà soát, điều chỉnh, cập nhật theo quy định). Bên cạnh đó là các vướng mắc trong việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, thẩm quyền chuyển nhượng dự án...

Nhóm khó khăn thứ hai là việc tổ chức thực hiện. Cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và địa phương còn chưa kịp thời, đồng bộ cũng đã gây ra nhiều vướng mắc cho các dự án BĐS.

Điều này được thể hiện rõ trong công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, giao nền tái định cư… Một số nhà đầu tư chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án.

Nhóm khó khăn, vướng mắc thứ ba liên quan đến nguồn vốn. Hiện nay, doanh nghiệp BĐS vẫn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng và hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu vốn để thực hiện dự án.

Các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào các tháng cuối năm 2023 là rất lớn.

Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư, tính thanh khoản thị trường BĐS thấp dẫn đến các doanh nghiệp kinh doanh BĐS thiếu vốn. Nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt áp lực nợ ngắn hạn và tổng nợ lớn hơn so với quy mô tài sản. Tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động còn dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp BĐS buộc phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án, đồng thời cắt giảm và điều chỉnh lại quy mô nhân sự. Nhiều người lao động chủ động xin nghỉ việc. Một số doanh nghiệp buộc phải giảm trên 60% nguồn lao động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Đà Nẵng đấu giá khu đất 35ha, dự thu hơn 1.400 tỷ đồng

Mới đây, ông Lê Quang Nam - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - vừa ký quyết định phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất đối với dự án tổ hợp thể thao, giải trí và thương mại Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ).

Vị trí khu đất có phía bắc và phía đông giáp các khu chức năng thuộc khu liên hợp thể dục thể thao Hòa Xuân, phía nam giáp trạm xử lý nước thải Hòa Xuân, phía tây giáp đường Trần Nam Trung.

Diện tích khu đất gần 35ha và đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, thành phố giao Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý.

Vốn đầu tư của dự án do người trúng đấu giá thực hiện, tổng mức đầu tư dự kiến gần 5.500 tỷ đồng. Mục tiêu dự án nhằm hình thành một tổ hợp thể thao, giải trí và thương mại dịch vụ hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu giải trí, mua sắm và thể thao, tạo môi trường sống cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Đây là dự án nhóm A, thời gian thực hiện không quá 6 năm, tính từ ngày công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất. Trường hợp người trúng đấu giá không thực hiện theo đúng tiến độ sẽ bị xử lý, thu hồi đất.

Hình thức sử dụng đất tại dự án là thuê đất trả tiền một lần, thời hạn sử dụng 50 năm. UBND TP Đà Nẵng dự kiến thu hơn 1.400 tỷ đồng từ việc đấu giá khu đất trên.

(tổng hợp)