Thị trường BĐS công nghiệp tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong ảnh: Một góc của Khu công nghiệp Thăng Long thuộc xã Võng La và xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. (Nguồn: Dân trí) |
Việt Nam có lợi thế thu hút đầu tư vào BĐS công nghiệp
Thị trường BĐS công nghiệp tại Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi sự ổn định của tỷ giá VND – USD so với các nước khác trong khu vực.
Các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (CIT) mang lại cho Việt Nam lợi thế cạnh tranh so với các đối tác trong khu vực như Malaysia và Indonesia. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đưa ra các chính sách khuyến khích thuế thu nhập doanh nghiệp mới để duy trì lợi thế này.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP ấn tượng khoảng 5,1% vào năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng lần lượt là 2,87% và 2,55% của năm 2020 và 2021. Đây là mức tăng trưởng cao thứ hai trong khu vực, ngang bằng với Indonesia và chỉ sau Philippines.
Theo số liệu thống kê năm 2024 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), lực lượng lao động của Việt Nam, với độ tuổi trung bình chỉ hơn 32, có tiềm năng phát triển đáng kể trong tương lai.
Việc tập trung vào các khoản đầu tư sản xuất có giá trị gia tăng cao và mức lương sản xuất cạnh tranh khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là những nhà đầu tư tìm kiếm chi phí sản xuất thấp để tối đa hóa lợi nhuận.
Tuy nhiên, Việt Nam đã chuyển hướng chiến lược từ các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp sang thu hút đầu tư sản xuất có giá trị gia tăng cao. Sự chuyển dịch này, củng cố danh tiếng của Việt Nam là một trong những thị trường mới nổi mạnh nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, mang lại tiềm năng lợi nhuận đầu tư cao.
Đặc biệt, Việt Nam liên tục chứng minh khả năng cạnh tranh toàn cầu của mình bằng cách chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào nông nghiệp sang nền kinh tế hướng đến xuất khẩu, đặc biệt là trong các lĩnh vực điện tử và chế biến.
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút FDI vào Việt Nam. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 1995, Việt Nam đã ký kết và thực hiện một loạt các hiệp định thương mại, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) năm 2019 đã thúc đẩy sự bùng nổ về đầu tư nước ngoài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đăng ký vào Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy sản xuất và chế biến chiếm hơn 70% tổng vốn FDI đã đăng ký, phản ánh sự ưa chuộng của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực này.
Ông Thomas Rooney, Trưởng phòng BĐS công nghiệp của Savills Hà Nội đánh giá, vị trí địa lý của Việt Nam, nằm ở trung tâm của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khiến nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng cho các hoạt động xuất nhập khẩu.
Sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng đang tăng lên đáng kể. Ngoài ra, sự tập trung FDI vào sản xuất và chế biến không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ liên quan.
Tăng diện tích tách thửa lên 50m2, đất nền Hà Nội càng tăng giá
Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách với từng loại đất.
Theo đó, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ 4m trở lên, chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 4m trở lên và diện tích ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50m2 - cao hơn so với mức 30m2 đang được thành phố áp dụng.
Tại xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu là 80m2, các xã vùng trung du, diện tích tối thiểu 100m2 và tại xã miền núi, diện tích tối thiểu 150m2.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, dự thảo bám sát Điều 220, Luật Đất đai 2024 quy định về việc tách thửa đất, hợp thửa đất. Ngoài tuân thủ tiêu chí về diện tích và hạ tầng kỹ thuật, còn cần cân nhắc kỹ lưỡng về quy hoạch đô thị và không gian sống.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý BĐS cho rằng, quy định theo hướng siết chặt điều kiện tách thửa, nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại các phường, thị trấn sẽ giúp phát triển bền vững đô thị và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, tránh gây quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo cơ chế ngăn chặn tình trạng tách thửa phân lô tràn lan, phá vỡ quy hoạch đô thị tại khu vực trung tâm.
Nhìn nhận từ thị trường, những lô đất rộng 30-40m2 luôn có thanh khoản tốt, các giao dịch chủ yếu đến từ người mua có nhu cầu ở thực vì vừa tầm tiền, có thể xây nhiều tầng tăng diện tích sử dụng. Tuy nhiên, khi diện tích tách thửa tối thiểu được nâng lên, lô đất 99m2 cũng sẽ không đủ điều kiện để tách thành 2 lô. Nhà đầu tư sẽ phải mua các mảnh đất đủ lớn, nguồn vốn đầu tư cũng phải lớn hơn.
Luật Đất đai 2024 quy định nhiều điều kiện tách thửa, cùng với quy định siết chặt phân lô bán nền tại đô thị loại đặc biệt và loại I, II, III từ ngày 1/8 có thể làm hạn chế nguồn cung trên thị trường, kéo theo đất phân lô, tách thửa đang có sẵn cũng bị đẩy lên cao hơn.
Bên cạnh đó, giá BĐS Hà Nội thời gian qua đã tăng mạnh và neo cao, đề xuất nâng diện tích tách thửa tối thiểu tại các phường, thị trấn cũng có thể tạo áp lực lớn cho người dân có nhu cầu về nhà đất, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của nhiều gia đình.
Chuyên gia BĐS cho rằng, quy định mới cần cân bằng giữa việc đảm bảo nhu cầu tách thửa chính đáng của người dân và tránh tình trạng lạm dụng, biến tướng, phá vỡ quy hoạch đô thị. Vì vậy, đề xuất nâng diện tích tách thửa tối thiểu cần khảo sát kỹ ý kiến người dân, nhất là nhóm ở khu vực các phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.
Theo chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh, khi đánh giá về một chính sách thì cần phải nhìn nhận trên nhiều khía cạnh, bao gồm tính hợp pháp và tính hợp lý.
“Về tính hợp pháp, việc UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất là thực hiện đúng thẩm quyền được giao tại Điều 220 Luật Đất đai 2024”, ông Đỉnh nói.
Phân tích về tính hợp lý, vị chuyên gia cho rằng, Hà Nội đang xây dựng, thực thi các chính sách nhất quán nhằm giảm thiểu sự gia tăng dân số cơ học, đặc biệt tại khu vực nội đô, nhằm đảm bảo chất lượng sống và duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô.
“Trước đó, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 10 năm 2023 về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú. Với trường hợp thuê, mượn, ở nhờ thì diện tích nhà ở phải đạt tối thiểu 15m2/sàn/người với khu vực nội thành, 8m2/sàn/người với khu vực ngoại thành.
Việc nâng cao diện tích tối thiểu được tách thửa cũng có ý nghĩa tương tự, giúp hạn chế sự bùng phát dân số. Nếu không kiểm soát được dân số thì sẽ dẫn đến quá tải hạ tầng. Việc thành phố đặt ra các “hàng rào kỹ thuật” để kiểm soát gia tăng dân số là cần thiết và trong thẩm quyền”, ông Đỉnh nêu ý kiến.
Đấu giá 114 lô đất gần đại lộ Vinh - Cửa Lò
Theo VietNamNet, ông Nguyễn Công Ánh, Chủ tịch UBND xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc) cho biết ngày 25/9, 114 lô đất tại xóm 1, xã Nghi Phong sẽ được tổ chức đấu giá công khai.
Đại lộ Vinh - Cửa Lò với 12 làn xe lớn nhất Nghệ An đi qua xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc. (Nguồn: Vietnamnet) |
Vị trí các lô đất sắp đấu giá nằm cạnh trục đường lớn liên xã, cách đại lộ 72m Vinh - Cửa Lò khoảng 1km và cách quốc lộ 46 chừng 300m.
Diện tích khu đất được quy hoạch tổng thể là 4ha, trong đó diện tích đất ở 1,9ha (trừ hệ thống đường giao thông, nhà văn hoá, cây xanh). Hệ thống đường được thảm nhựa, các trục rộng từ 7m và 10m.
114 lô đất được đưa ra đấu giá có diện tích dao động từ 142-215m2. Giá khởi điểm các lô đất từ 9,4 triệu đồng/m2, cao nhất là 10,8 triệu đồng/m2. Tiền đặt cọc người tham gia đấu giá phải nộp 20% giá khởi điểm mỗi lô đất.
Công ty đấu giá hợp danh Quốc Tế IPA là đơn vị điều hành tổ chức phiên đấu giá. Hình thức tổ chức đấu giá bằng cách bỏ phiếu kín trực tiếp. Sau đó sẽ mở hòm phiếu công khai kết quả trong ngày tổ chức đấu giá.
Cũng theo ông Ánh, số tiền 40% thu được từ phiên đấu giá sẽ được dùng vào việc thanh toán các công trình hạ tầng, cơ sở vật chất ở địa phương đã và đang xây dựng.
“Dự kiến sẽ có nhiều người tham gia đấu giá. Hồ sơ đấu giá sẽ được bán 5 ngày trước khi phiên đấu giá diễn ra”, ông Ánh thông tin.
Được biết, từ khi tuyến đại lộ 72m Vinh - Cửa Lò khởi công đến ngày thông xe mới đây (29/8), giá đất ở địa phương này đã tăng lên từ 6-8 lần. Có những thời điểm “sốt đất” diễn ra, giá đất ở địa phương này được đẩy lên cao nhưng sau đó dần hạ xuống.
Theo quy hoạch, xã Nghi Phong là một trong những địa phương sẽ sáp nhập vào thành phố Vinh vào cuối năm nay.
Bảng giá đất sẽ được ban hành hằng năm
Luật Đất đai năm 2024 quy định bảng giá đất sẽ được ban hành hằng năm từ ngày 01/01/2026.
Tại Khoản 3 Điều 159 Luật Đất đai 2024 đã quy định, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cấp quyết định bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 01/01/2026. Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01/01 của năm tiếp theo.
Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất trong năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định.
Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.
Trong quá trình thực hiện, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất để xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.
Bảng giá đất hiện hành được phép áp dụng đến ngày 31/12/2025.