Có thông tin các chủ đầu tư phát triển các dự án căn hộ trung và cao cấp kiếm được trung bình từ 25-30% lợi nhuận. Bình luận về con số “khủng” này, TS. Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, lợi nhuận trong hoạt động đầu tư BĐS tương đối cao, do vậy, đang thu hút các doanh nghiệp (DN) tham gia vào lĩnh vực này, còn cụ thể ở mức bao nhiêu thì tùy thuộc vào từng dự án, cách làm cũng như định hướng dài hạn của các DN.
Theo nhận định của một số nhà đầu tư khi khảo sát thị trường BĐS ở Việt Nam thì lợi nhuận đầu tư BĐS ở Việt Nam không dưới 20%. Đó là lý do họ tham gia vào thị trường. Tuy vậy, cần phải có sự quản lý của Nhà nước mới kiểm soát được lợi nhuận này.
Đầu tư cần cẩn trọng
Phân tích về phân khúc nào dẫn dắt thị trường tại chương trình giao lưu trực tuyến về chủ đề “Thị trường BĐS Việt Nam 2017: Xu hướng và dự báo” gần đây, ông Quang cho rằng trong năm 2017, với nhu cầu rất lớn phân khúc nhà ở trung bình, nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ có cơ hội trở thành phân khúc mạnh của thị trường. Lý do là nhu cầu đối với phân khúc này chiếm khoảng 65 – 70%.
Nhà nước sẽ định hướng hỗ trợ cho phân khúc bất động sản trung bình thấp trong năm tới. (Nguồn: Laodong) |
Theo ông, trong giai đoạn 2015 – 2016, các sản phẩm cao cấp đang quá nhiều, khi vượt quá sức cầu của thị trường, các chủ đầu tư lớn sẽ tìm hiểu phân khúc đáp ứng nhu cầu của đại bộ phận khách hàng.
Hiện nay, Nhà nước đã tạo điều kiện cho phân khúc này phát triển bằng cách ban hành các chính sách, cơ chế về tín dụng, các quy định pháp luật trong Luật nhà ở, Luật kinh doanh BĐS và các Thông tư, Nghị định kèm theo. Nhà nước đang tiếp tục có những quy định hướng dẫn. Theo đó, sẽ có sự tác động có định hướng của Nhà nước, các hiệp hội nghề nghiệp sẽ hỗ trợ cho phân khúc này phát triển.
Mặt khác, nhà ở cho công nhân trong các KCN hiện nay đang là một vấn đề rất là cấp bách với số lượng hơn 300 KCN trong đó hơn 200 KCN hoạt động rất mạnh mẽ với khoảng hơn 3 triệu công nhân. Đây là một nhu cầu vô cùng lớn và là nhiệm vụ rất quan trọng để đảm bảo đời sống của cán bộ, công nhân lao động trong các KCN, cũng là mục tiêu quan trọng mà Nhà nước đang tập trung hướng tới.
Chính vì vậy trong những năm tới, ông Quang cho rằng phân khúc này sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ trên thị trường. Với kinh nghiệm đầu tư của mình, các DN sẽ áp dụng những công nghệ mới, thông minh để hạ giá thành sản phẩm.
Dù vậy, không thể không nói đến cơ hội phát triển của phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, BĐS cao cấp ở các khu đô thị, BĐS cho thuê. Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group cho rằng khi thị trường ấm lên thì các sản phẩm trung và cao cấp lên ngôi là điều tất yếu vì chủ đầu tư sẽ tối đa hóa lợi nhuận từ quỹ đất hạn hữu cho phép.
Từ cuối năm 2014, đặc biệt là năm 2015 thị trường hồi phục rất mạnh mẽ vì vậy, số lượng các sản phẩm trung và cao cấp được chào bán ra thị trường tăng lên rõ rệt. “Tuy nhiên, nửa cuối năm 2016, lượng giao dịch có dấu hiệu chững lại. Vì vậy trong năm 2017 các nhà đầu tư nên cẩn trọng với phân khúc này”, ông Hưng chia sẻ.
Ba yếu tố tạo lực đẩy
Đánh giá về thị trường BĐS 2017, PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, có 3 yếu tố sẽ tạo ra lực đẩy. Thứ nhất là phát triển kinh tế ổn định, năm 2017 được dự báo là phát triển kinh tế tốt hơn 2015, 2016 về tăng trưởng, lạm phát, xuất nhập khẩu, bội chi ngân sách.
Thứ hai là các bên liên quan của thị trường BĐS đều đang có triển vọng rất tốt. Nợ xấu tiếp tục được xử lý rốt ráo, tín dụng đối với BĐS được phép tăng trở lại, nguồn vốn trong dân bắt đầu mong muốn tham gia vào thị trường BĐS.
Thứ ba là chính sách và các vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước, định hướng, hỗ trợ thị trường. Ví dụ như xử lý các vấn đề nợ xấu, cho các DN có khả năng phá sản theo hướng minh bạch thị trường.
Quản lý nhà nước hướng tới minh bạch, ổn định, dự báo giúp doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiềm năng yên tâm đầu tư. Ngoài ra, tình hình thế giới, xu thế không có những đột biến hay bùng nổ mà chỉ là điều chỉnh để định hướng chính sách, chứ không có những bất cập ngoài dự kiến. Hơn nữa, Việt Nam vẫn nằm trong khu vực phát triển ổn định, không có những xung đột tiềm ẩn.
Trước những thông tin dòng vốn đổ vào BĐS 2017 sẽ giảm dần có thể gây ra rủi ro cho thị trường BĐS, PGS. TS. Trần Kim Chung cho hay nhận định này chưa thật đầy đủ vì cần có số liệu để chứng minh. Có xu hướng tiền rút ra khỏi các nước mới nổi Châu Á. Tuy nhiên cho đến nay, thị trường BĐS Việt Nam vẫn cho thấy có nhiều diễn biến tốt, tiền vẫn đang vận hành vào. Ví dụ, các khu công nghiệp vẫn được mở rộng, khu du lịch nghỉ dưỡng đang khởi công, dự án chung cư ở thành phố lớn tiếp tục tái phục hồi...
“Nhưng nếu vốn suy giảm, khả năng các dự án lớn hoặc những dự án siêu sang, quy mô lớn, giá trị cao sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Còn những dự án trung bình, trung bình thấp, dẫu vốn có thay đổi cũng không bị ảnh hưởng năm 2017”, ông Chung nói.