📞
Kỳ 5: nhà báo và điệp viên

Bật mí đời điệp viên Bề nổi của "tảng băng chìm"

13:46 | 21/06/2013
"Chiến tranh Việt Nam sản sinh ra những câu chuyện, những nhân cách lạ kỳ. Nhưng không có gì giống với phóng viên tờ Time Phạm Xuân Ẩn. Ông có một cuộc đời mà trong chúng ta không ai biết rõ. Nhưng bất kể ai trong số chúng ta từng làm việc với ông đều hiểu Phạm Xuân Ẩn là một nhà báo hạng nhất, là người nắm bắt sâu sắc nhất những thông tin, những hiểu biết về chính trị, lịch sử chiến tranh Việt Nam", phóng viên tờ Time Stannley Cloud đã nhận xét như vậy về một trong những nhà báo-điệp viên xuất sắc nhất thế kỷ XX.
Trung tá tình báo “Tommy” Yeo-Thomas (1946) - hình mẫu có thật của điệp viên 007.

Không phải ngẫu nhiên mà xưa nay các cơ quan tình báo Nga, Mỹ thường xuyên chiêu mộ các nhà báo làm điệp viên ngầm. Một Ủy ban của Nghị viện Mỹ từng tiết lộ hồi đầu những năm 70: "Phóng viên kỳ cựu của các cơ quan báo chí lớn ở Mỹ hầu như đều làm việc đồng thời cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), trao và nhận thông tin là công việc thường nhật của họ".

"Vỏ bọc" tốt nhất

Nhà báo và điệp viên có chung một mục tiêu là thu lượm và phân tích thông tin. Có lẽ một trong những vỏ bọc tốt nhất của một điệp viên là đóng vai nhà báo. Hiểu rõ điều đó nên ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, những nhà lãnh đạo của cách mạng Việt Nam đã cử ông Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ học làm báo, làm việc cho tạp chí Time tại Sài Gòn và trở thành "một trong những điệp viên vĩ đại nhất của thế kỷ XX" như nhà báo Bruce Palling từng viết trên tờ Independent. Cuộc đời của Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhà báo, nhà làm phim. "Đó là cuộc đời của một nhà báo đối với các bạn Mỹ và cuộc đời của một người anh hùng đối với đối với dân tộc ông" như nhà sử học Larry Berman nhận xét trong cuốn Điệp viên hoàn hảo (NXB Thông tấn 2012).

Tất nhiên, tình báo nước nào cũng thực hiện chiêu thức này. Patrick Denau, phóng viên quay phim của TF1 và CBS News từ năm 1980, từng tác nghiệp tại những chiến trường ác liệt như Afghanistan, Lebanon, Iraq, Libya, Nam Mỹ và có 8 năm liên tục từ 1984 đến 2002 làm việc cho Cơ quan Tình báo Hải ngoại Pháp (DGSE), đã tiết lộ sự thật về bản thân mình khi cho ra mắt cuốn tự truyện Sự im lặng bảo vệ bạn - Tiết lộ của một nhà báo-điệp viên do Nhà xuất bản Les Arenes ấn hành năm 2012. Nhiệm vụ của Denau là thu thập thông tin thông qua những cuộc phỏng vấn các nhân vật lãnh đạo những tổ chức Hồi giáo cực đoan và gửi về DGSE. Bộ phận phân tích của DGSE tổng hợp các nguồn tin khác nhau và tạo thành một bức tranh chi tiết nhất có thể về những tổ chức này và các nhân vật chủ chốt của những tổ chức này.

Người Anh cũng vậy. Kim Philby, điệp viên hai mang nổi tiếng nhất thời hiện đại, từng được tình báo Anh "cài cắm" ở Beirut dưới vỏ bọc phóng viên cho ba tờ báo, tạp chí lớn của London là The Times, The Economist và The Observer. Philby sau này mới chạy sang Moscow khi bị chính quyền Anh phát hiện ông chính là điệp viên nhị trùng.

Tuy nhiên, các cơ quan tình báo hay sử dụng chiêu bài này nhất lại là những cơ quan tình báo của Nga nổi tiếng với tên gọi Ủy ban An ninh Quốc gia Nga (KGB) và Cơ quan Tình báo Quân sự (GRU). Trong cuốn bách khoa toàn thư về điệp viên thời Liên Xô có tiêu đề Điệp viên: Sự thăng trầm của KGB ở Mỹ, Alexander Vassiliev, một trong những tác giả của cuốn sách, mô tả lại ông đã được KGB tuyển dụng làm việc tại phân ban Mỹ như thế nào. Theo tiêu chí của KGB, Vassiliev có lý lịch "trong sạch" có nghĩa là trong gia đình ông không có người Do Thái; ông luôn đạt điểm cao trong học tập và có kỹ năng ngôn ngữ tốt; ông cũng luôn trung thành và tỉnh táo. Vassiliev bổ sung: "Thêm nữa, tôi sẽ phải có một bằng cấp về báo chí quốc tế và nghề nghiệp đó được xem là vỏ bọc tốt nhất cho một sĩ quan tình báo".

Sau một năm hoạt động báo chí thực sự để ngụy trang, Vassiliev bắt đầu làm việc cho KGB cho tới khi cơ quan này bị đóng cửa vì Liên Xô sụp đổ. Tuy cái tên KGB không còn tồn tại, nhưng các cơ quan an ninh hậu Xô Viết vẫn tiếp tục cộng tác với Vassiliev nhằm thu thập thông tin từ những hồ sơ tình báo mật và công bố tại Mỹ. Những hồ sơ này chính là cốt lõi của cuốn sách Điệp viên: Sự thăng trầm của KGB ở Mỹ. Đây là một tài liệu hướng dẫn kỹ lưỡng về việc tuyển dụng và hoạt động của mạng lưới điệp viên Nga. Đặc biệt, cuốn sách này dành hẳn một chương đề cập các điệp viên kiêm nhà báo với những điệp vụ cụ thể, đào sâu vào các hoạt động gián điệp và phản gián của Liên Xô.

Một trường hợp điển hình nữa mà cuốn sách đã đề cập là nhà báo cánh tả được nhiều người yêu mến I.F. Stone - một điệp viên được Liên Xô trả lương từ năm 1936-1938, song vẫn tiếp tục giữ mối liên hệ chặt chẽ với tình báo Xô Viết ít nhất thêm 6 năm nữa. Stone, tên thật là Isidor Feinstein, vừa hoạt động trao - nhận thông tin, vừa làm việc như một người chiêu mộ điệp viên cho KGB. Bản thân Stone cũng được một nhà báo - điệp viên KGB chiêu mộ. Frank Palmer làm việc cho Federated Press - một hãng thông tấn cánh tả chuyên cung cấp tài liệu cho các báo chí của nghiệp đoàn và các ấn phẩm cấp tiến trong những năm 30 của thế kỷ trước. Palmer cũng chiêu mộ Louis Budenz, chủ bút tờ báo Daily Worker.

Nói chung, theo Vassiliev, năm 1941, KGB có 22 nhà báo trong số các điệp viên của mình ở Mỹ, cùng với 49 kỹ sư, 4 nhà kinh tế và 8 giáo sư. Hàng chục nhà báo khác của Mỹ cũng là điệp viên KGB hay GRU. Pravdin là phóng viên của TASS, nhưng cũng là nhân vật số hai trong bộ phận KGB New York. Ông là điệp viên KGB hoàn hảo. Ngoài ra, còn rất nhiều nhà báo - điệp viên khác như Whittaker Chambers - một điệp viên GRU - người sau này là cây viết nổi tiếng của tạp chí Time, hay Bernard Redmont, một trong những phóng viên nổi tiếng của tờ US News & World Report, CBS và Đài truyền hình Westinghouse...

Nguy hiểm vẫn làm vì yêu nước, bài ác

Virginia Hall sinh năm 1906 ở Baltimore (Mỹ), là người có năng khiếu thiên bẩm về ngoại ngữ, thành thạo tiếng Pháp, Italy và Đức. Tháng 8/1940, Virginia sang Anh và trở thành thư ký cho tùy viên quân sự Mỹ tại Anh. Chứng kiến những tội ác mà phát xít Đức gây ra cho nhân dân Pháp cùng sự tan hoang của London dưới làn mưa bom phát xít, Virginia đã nung nấu quyết tâm tiêu diệt chế độ phát xít. Với khả năng đặc biệt của mình, bà sớm nằm trong tầm ngắm của Cục Hành động Đặc biệt (SOE) - tiền thân của MI6, do chính Thủ tướng Anh Churchill thành lập với nhiệm vụ tuyển mộ, đào tạo điệp viên và đưa họ thâm nhập vào các quốc gia bị phát xít chiếm đóng. Sau khóa huấn luyện, tháng 4/1941, Virginia chính thức trở thành điệp viên SOE. Bà sang Pháp với tư cách phóng viên của tờ New York Post để thiết lập các mạng lưới kháng chiến ở Vichy. Là người thông minh, bản lĩnh và đầy kinh nghiệm, nữ tình báo đã nhiều lần thoát khỏi lưới bủa vây của quân phát xít. Gestapo - cơ quan mật vụ khét tiếng của phát xít Đức từng coi bà là "người lợi hại nhất, nguy hiểm nhất trong đội ngũ các nhân viên tình báo của quân đồng minh". Thế chiến II kết thúc, nữ điệp viên huyền thoại đã trở về làm việc cho CIA. Vì những chiến công xuất sắc, bà được cả Chính phủ Mỹ, Anh và Pháp vinh danh.

Còn ở Cuba, "điệp viên Emilio" Carlos Serpa đã trải qua 10 năm đóng vai một nhà báo độc lập, bí mật hoạt động trong những nhóm chống đối chính quyền. Serpa bắt đầu hoạt động ngầm từ năm 2001. Ông mô tả chi tiết về những nhiệm vụ bí mật của mình - gặp gỡ các quan chức Mỹ, đóng vai một nhà báo độc lập chống đối chính quyền Cuba và làm việc cho những nhóm nhỏ phản cách mạng ở Cuba được nước ngoài ủng hộ như Hiệp hội các nhà báo Cuba tự do (UFCJ) và Mặt trận kháng cự quốc gia (NFR) hay Kháng cự thụ động (CD). Serpa cho biết, mỗi cuộc tiếp xúc với những cá nhân chống Cuba đều được ông báo cáo đầy đủ về Cơ quan An ninh Cuba. Theo Serpa, ở Mỹ có hai tổ chức báo chí gọi là Hiệp hội Báo chí liên Mỹ (IAPA) và Các nhà báo không biên giới (RSF) hoạt động suốt ngày đêm, 7 ngày trong tuần, sẵn sàng quảng bá cho bất cứ chiến dịch gièm pha nào chống chính quyền Cuba...

Serpa hoạt động kín đến nỗi ngay cả khi Chính phủ Cuba quyết định công khai danh tính điệp viên Emilio trên truyền hình hồi tháng 3 vừa qua, nhóm Damas de Blanco tuyên bố họ không tin Serpa là điệp viên của chính quyền Cuba. Nhưng khi đối mặt với sự thật không thể chối cãi, cuối cùng họ đã gọi Serpa là "kẻ phản bội".

Nói về việc tiết lộ danh tính của mình trên truyền hình, Serpa đã bày tỏ sự hài lòng về nhiệm vụ đã hoàn thành. Ông cho biết: "Từ khi bắt đầu công việc (hoạt động ngầm) này, tôi đã mất nhiều bạn bè. Do đó, khi được thông báo danh tính của tôi sẽ được tiết lộ, lần đầu tiên tôi cảm thấy thật hạnh phúc bởi vì đây sẽ là món quà cho con gái Tita của tôi. Bây giờ con bé đã biết tôi không phải là kẻ phản bội".

Ngoài những cái tên kể trên, còn rất nhiều những điệp viên - nhà báo như thế. Theo nhận xét của lãnh đạo nhiều cơ quan tình báo lớn, lòng yêu nước, sự căm ghét cái xấu, cái ác, chủ nghĩa khủng bố là động cơ chủ yếu của những nhà báo khi nhận làm công tác đầy hiểm nguy của một điệp viên.

Hoàng Minh

Bật mí đời điệp viên: Bề nổi của "tảng băng chìm"  Kỳ 1: Điệp viên giống nhà khoa học hơn diễn viên phim hành động