Cùng ngày, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã lên tiếng bảo vệ quyết định của ông về việc giải tán quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử vào đầu năm tới.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, ông Sirisena cho rằng, nếu quốc hội nhóm họp sẽ có thể xảy ra xung đột giữa các nghị sĩ, dẫn tới bất ổn trên toàn quốc.
Theo ông Sirisena, có một số thông tin báo chí cho biết, các chính trị gia sẽ xung đột trong cuộc bỏ phiếu bầu chọn thủ tướng mới sau khi Thủ tướng Ranil Wickremesinghe bị cách chức hồi tháng trước.
Tổng thống Sirisena nêu rõ: “Nếu tôi cho phép quốc hội họp vào ngày 14/11, sẽ có bạo lực xảy ra tại Hạ viện và sau đó sẽ lan ra các thành phố và thị trấn của chúng ta. Tôi đã hành động để ngăn chặn rối loạn nội bộ”.
Thủ tướng mới được bổ nhiệm của Sri Lanka Mahinda Rajapaksa (trái) và Tổng thống Maithripala Sirisena nói chuyện trong một cuộc mít tinh gần quốc hội tại Colombo, Sri Lanka ngày 5/11. (Nguồn: Aaj) |
Sri Lanka đối mặt với bất ổn chính trị từ ngày 26/10, khi Tổng thống Sirisena cách chức Thủ tướng Ranil Wickremesinghe và bổ nhiệm cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse giữ chức vụ này.
Ngay sau khi cách chức ông Wickremesinghe, Tổng thống Sirisena đã đình chỉ hoạt động của Quốc hội từ ngày 27/10. Tuy nhiên, ông Wickremesinghe khẳng định việc Tổng thống cách chức ông là không hợp lệ và ông vẫn là thủ tướng hợp hiến, theo đó ông yêu cầu tiến hành một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội để chứng minh ông vẫn nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ.
Tổng thống Sirisena đã đồng ý triệu tập Quốc hội họp lại, dự kiến vào ngày 14/11. Tuy nhiên, ngày 9/11, ông Sirisena tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 5/1/2019.
Nhiều nước trên thế giới bày tỏ quan ngại các động thái trên có thể khiến cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka trở nên sâu sắc hơn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Sri Lanka đảm bảo hòa bình và an toàn cho toàn thể người dân nước này, theo đó tôn trọng các giá trị dân chủ và các điều khoản, quy trình hiến pháp.