Theo kết quả kiểm phiếu sợ bộ của Ủy ban Bầu cử (EC) Thái Lan công bố chiều 25/3, đảng Quyền lực Nhà nước Nhân dân (Palang Pracharath) ủng hộ giới quân nhân giành được 7,9 triệu phiếu và 97 ghế Hạ Nghị sĩ, trong khi đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) thân cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra giành được 7,4 triệu phiếu và 137 ghế Hạ Nghị sĩ.
Giới quan sát cho rằng kết quả sơ bộ đã phản ánh sự phân cực chính trị rõ nét tại Thái Lan vào thời điểm hiện nay giữa lực lượng ủng hộ giới quân nhân, thân cựu Thủ tướng Thaksin và ủng hộ dân chủ, yêu cầu đổi mới, cải cách.
Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha và đảng Palang Pracharath đang phải đối mặt với rào cản mang tên Pheu Thai. (Nguồn: Getty Images) |
Kết quả vẫn là ẩn số
Cuộc tổng tuyển cử gay cấn hôm 24/3 đã khép lại nhưng kết quả ai là tân Thủ tướng của Thái Lan vẫn là ẩn số. Điều này đã khơi mào cho cuộc chiến quyền lực mới, khi hai đối thủ chính trị Palang Pracharath và Pheu Thai đều giành đủ phiếu bầu để có thể thành lập chính phủ liên minh. Kết quả bỏ phiếu sơ bộ sẽ phải đợi đến ngày 29/3 mới được công bố vì 150 trong tổng số 500 ghế tại Hạ viện được bầu theo danh sách đảng vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Ít nhất cho tới ngày 9/5, nhà chức trách dự kiến mới chính thức công bố kết quả Tổng Tuyển cử chính thức.
Sau cuộc bầu cử diễn ra ngày 24/3 vừa qua, tình hình tại vương quốc chùa vàng thậm chí còn ngổn ngang hơn những gì mà giới quan sát dự báo trước đó. Mạng xã hội Thái những ngày qua liên tục nóng lên với những cáo buộc mua phiếu bầu, huỷ phiếu hàng loạt và sự lúng túng của nhân viên tại các điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước. Đã có tới 1,9 triệu phiếu đã bị huỷ sau khi 93% số phiếu được kiểm.
Hơn một ngày sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa, các quan chức thuộc Ủy ban Bầu cử Thái Lan đối mặt lời kêu gọi từ chức do liên tục trì hoãn công bố kết quả chính thức. Lý do của sự chậm trễ được Chủ tịch Ủy ban bầu cử Ittiporn Boonpracong đưa ra là vì ông gặp khó khăn khi “không có máy tính”. Nhiều sai phạm về quy chế bầu cử cũng bị phát hiện, trong đó có việc một ứng cử viên chứng kiến tổng số phiếu bầu nhận được sụt giảm 80% tại một thời điểm trong quá trình kiểm phiếu. Phải một giờ sau đó, số phiếu của ứng cử viên này mới được Ủy ban Bầu cử đính chính.
Chực chờ bất ổn
Diễn biến phức tạp và nhiều ẩn số xung quanh cuộc bầu cử Thái Lan có thể mang đến những hệ lụy khó lường trong tương lai.
Đầu tiên, nó sẽ tiếp tục khiến chính trường Thái Lan chìm trong hỗn loạn, khi cả hai lực lượng chính trị lớn ra sức lôi kéo các đảng phái nhỏ hơn về phía mình nhằm giành quyền kiểm soát Quốc hội, tìm kiếm đủ sự ủng hộ để thành lập một Chính phủ liên minh.
Ngay cả khi chưa có kết quả chính thức, cả Pheu Thai và Palang Pracharath đều đã công bố kế hoạch thành lập chính phủ. Sáng ngày 27/3, bà Sudarat Keyuraphan, lãnh đạo Pheu Thai đã tổ chức họp báo tại Bangkok, thành lập chính phủ liên minh cùng càng đảng Hướng tới Tương lai, đảng Pheu Chart, đảng Prachachart, đảng Seri Ruam Thai và đảng Quyền lực Nhân dân Thái Lan để phản đối chính quyền đương nhiệm. Một lực lượng chính trị khác có sức ảnh hưởng lớn là Đảng Tiến đến Tương lai (FFP) do ứng cử viên trẻ tuổi Thanathorn Juangroongruangkit dẫn dắt đang nỗ lực cô lập PPRP, kêu gọi các đảng phái không “ưa” giới quân nhân cùng bắt tay hợp tác.
Trong khi đó, kết quả phiếu phổ thông cho thấy đảng Palang Pracharath do Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-o-cha đang có lợi thế về lượng phiếu phổ thông, nhận được sự ủng hộ quốc tế đồng thời được nhiều người dự đoán sẽ là người chiến thắng trong cuộc tranh giành quyền lực sắp tới.
Tuy nhiên, dù do ai nắm giữ thì chính phủ mới này cũng sẽ phải đối mặt với sự phản kháng của đảng đối lập và nghi ngờ cộng đồng quốc tế. Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra, người sáng lập đảng Pheu Thai, đã chỉ trích những “sự bất thường”, đồng thời bày tỏ sự nghi ngờ về tính tự do và minh bạch của cuộc bầu cử lần đầu tiên của Thái Lan sau 8 năm đảo chính. Ngày 26/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino cũng lên tiếng kêu gọi Thái Lan điều tra gian lận trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 24/3, nhanh chóng công bố kết quả, đồng thời bày tỏ mong muốn sẵn sàng hợp tác với Chính phủ mới được bầu.
Cuối cùng, những rắc rối chính trị này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Thái Lan, vốn đã chứng kiến 7 năm liên tiếp tăng trưởng yếu hơn so với khu vực. Điều này chưa có dấu hiệu sẽ thay đổi trong năm 2019: Theo các chuyến gia, nền kinh tế Thái Lan dự kiến sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với con số 5,2% của toàn Đông Nam Á. Bloomberg còn bi quan hơn khi cho rằng những lợi thế kinh tế trong ngắn hạn của Thái Lan, từ dự trữ ngoại tệ dồi dào đến nguồn thu ổn định từ ngành du lịch và xuất khẩu, sẽ sớm biến mất. Khi đó, nhiều điểm yếu “chết người” của nền kinh tế Thái Lan như năng suất lao động giảm, tỷ lệ già hóa dân số ngày một tăng, đầu tư giảm cùng tốc độ tăng trưởng chậm sẽ sớm bộc lộ.
Điều mà mọi người dân Thái Lan đều mong mỏi lúc này là một giải pháp chấm dứt những bất ổn chính trị hiện nay, xây dựng một Chính phủ mới nhằm giúp đất nước vượt qua khó khăn về phát triển kinh tế ở thời điểm hiện tại.