TIN LIÊN QUAN | |
Sự cố trên biển Azov: Đan Mạch kêu gọi EU trừng phạt Nga | |
Đan Mạch dựng hàng rào dọc biên giới với Đức để... ngăn lợn rừng |
Bà Mette Frederiksen, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội đối lập xuống đường ăn mừng chiến thắng cùng người ủng hộ. (Nguồn: Reuters) |
Lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội, bà Mette Frederiksen, sẽ trở thành nữ thủ tướng thứ hai, và là thủ tướng trẻ nhất lịch sử Đan Mạch ở tuổi 41, khi đảng Dân chủ Xã hội cánh tả của bà giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra hôm 5/6 vừa qua.
Đảng Tự do cánh hữu của Thủ tướng Lars Lokke Rasmussen, cầm quyền trong 14 năm qua, đã thừa nhận thất bại sau khi bị đảng Dân chủ Xã hội vượt lên giành được sự ủng hộ cao nhất với 25,9% số phiếu bầu, đồng nghĩa với việc cánh tả nhận được 91 ghế, chiếm đa số trong Quốc hội 179 ghế. Đảng của Thủ tướng Rasmussen chỉ giành được 23,4% số phiếu ủng hộ, chiếm 75 ghế.
Thất bại của dân túy
Với kết quả đó, có thể thấy liên minh cánh hữu đã chịu thất bại thê thảm như thế nào. Chính phủ của Thủ tướng Rasmussen mất quyền chủ yếu do sự sụp đổ của đảng Nhân dân Đan Mạch (DPP) với chủ trương phản đối nhập cư. Trong cuộc bầu cử trên, đảng này chỉ giành được 8,7% phiếu bầu, giảm hơn phân nửa so với năm 2015 và là kết quả tệ nhất kể từ năm 1998.
Sơ đồ mô tả kết quả cuộc bầu cử Đan Mạch cho thấy chính phủ cánh hữu của Đan Mạch chỉ giành được 75 ghế tại Quốc hội, trong khi con số đó của phe đối lập là 91. |
Kristian Thulesen Dahl, lãnh đạo của DPP đổ tội cho sự thất bại này do sự trỗi dậy và lan rộng của các đảng cánh hữu mới, khiến họ mất cử tri. Nhưng ông khẳng định rằng đảng này sẽ không thay đổi đường lối chính trị. Về phần mình, Thủ tướng Lars Rasmussen đã chấp nhận thất bại và tuyên bố từ chức vào ngày 6/6, sau khi cuộc bầu cử kết thúc.
Tuy nhiên, kết quả bầu cử không đồng nghĩa với việc người dân Đan Mạch đã chuyển hết sang tư tưởng cánh tả. Hiện phần lớn các chính đảng ở Đan Mạch ủng hộ chính sách nhập cư cứng rắn của DPP. Ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, bà Frederiksen lập tức khẳng định lại 2 lời hứa quan trọng trong vận động tranh cử vừa qua, rằng bà và đảng của mình muốn bảo vệ hệ thống phúc lợi xã hội "hào phóng", đồng thời kiểm soát chặt chẽ chính sách nhập cư. Đây được coi là “quân bài chiến lược" cần thiết để đảng của bà có thể giành được phiếu bầu từ cử tri DPP và các đảng cánh hữu khác.
Ngoài ra, vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng trở nên quan trọng đối với người dân Đan Mạch. Theo cuộc thăm dò dư luận của Gallup hồi tháng 2 vừa qua, khoảng 57% người dân nước này nghĩ rằng chính phủ mới nên ưu tiên vấn đề biến đổi khí hậu. Và chỉ có các đảng cánh tả mới đem vấn đề này ra để bàn luận trong chương trình nghị sự của mình.
Còn đó những bất đồng
Trong khi phe đối lập cánh tả giành chiến thắng thuyết phục, nhưng sự ủng hộ dành cho Đảng Dân chủ Xã hội giảm nhẹ so với cuộc bầu cử năm 2015 khiến bà Frederiksen trở nên yếu thế hơn trong các cuộc đàm phán với các đảng phái sắp tới.
Bà Metter Frederiksen sẽ còn gặp nhiều khó khăn mới có thể thành lập được một chính phủ mới theo ý mình. (Nguồn: Reuters) |
Bà Mette Frederiksen cho biết sẽ không thành lập một chính phủ liên minh mà sẽ chủ trương thành lập chính phủ thiểu số mới. Tuy vậy, bà Frederiksen chủ trương tùy theo vấn đề mà dựa vào các đảng phái chính trị khác nhau. Điều đó có nghĩa chính phủ của bà sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ cánh hữu với một số vấn đề như nhập cư, và từ cánh tả về các vấn đề còn lại như phúc lợi xã hội. Đây được giới bình luận cho là một sách lược khôn khéo và "phá cách" của vị nữ thủ tướng.
Trong khi đó, các đảng cánh tả còn lại cũng sẽ hỗ trợ bà Frederiksen với mục đích làm giảm tiếng nói của các đảng đối lập trong chính phủ mới. Thế nhưng, họ chắc chắn cũng sẽ đưa ra những yêu cầu riêng của mình, bao gồm cả việc chính phủ mới phải tìm cách đối xử nhân đạo hơn đối với vấn đề người nhập cư.
Trong một cuộc tranh luận với lãnh đạo các đảng tại Đan Mạch vào ngày 6/6, bà Frederiksen nói rằng hiện vẫn còn những bất đồng đang tồn tại và bà không mong đợi có bất kỳ giải pháp nào dễ dàng để có thể nhanh chóng thành lập một chính phủ mới.
Đan Mạch đã trở thành quốc gia thứ 3 ở Bắc Âu có chính phủ cánh tả chỉ trong năm nay, sau Thụy Điển và Phần Lan. Trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 4 tại Phần Lan, đảng Dân chủ Xã hội của ông Antti Rinne đã giành chiến thắng với 17,7% phiếu ủng hộ. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên sau 20 năm Phần Lan có một thủ tướng cánh tả. Trước đó 3 tháng, Quốc hội Thụy Điển cũng bỏ phiếu để lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Stefan Lofven giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ 2, chấm dứt hơn 4 tháng bế tắc sau một cuộc bỏ phiếu gay cấn. Phong trào này ở các nước Bắc Âu dường như ngược lại với "làn sóng" dân túy, dân tộc chủ nghĩa và cực hữu đang càn quét qua nhiều quốc gia ở "lục địa già" châu Âu.
Tổng thống Mỹ thăm Anh: “Aye” hay “Nay”? TGVN. Nếu như trong Hạ viện Anh, các Nghị sỹ thể hiện thái độ đối với một dự thảo luật bằng cách hô to “Aye” ... |
Dù còn nghi ngại, EU vẫn khởi động quá trình xem xét kết nạp CH Bắc Macedonia TGVN. Ngày 4/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết, các quốc gia thành viên của EU sẽ thảo luận việc ... |
Áo và làn sóng dân túy châu Âu: Tạm lui để lại tiến TGVN. Ông Sebastian Kurz có thể tạm thời thất thế sau scandal “Ibiza-gate”, nhưng tiền đồ chính trị của ông, làn sóng dân túy tại ... |