Các cử tri Iran đã bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 13 của nước này. (Nguồn: AP) |
Phát biểu sau khi bỏ phiếu tại thủ đô Tehran, lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nhấn mạnh: "Từng lá phiếu sẽ được kiểm. Hãy đến bỏ phiếu và lựa chọn tổng thống của các bạn. Điều này là quan trọng đối với tương lai của đất nước chúng ta".
Hơn 72.000 điểm bỏ phiếu đã được thiết lập trên toàn quốc, với khoảng 59,31 triệu cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu. Khoảng 500 phóng viên nước ngoài tham gia đưa tin về cuộc bầu cử tổng thống Iran.
Cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 13 của Iran chứng kiến cuộc đua giữa 4 ứng cử viên, bao gồm 3 ứng cử viên theo đường lối cứng rắn và một ứng cử viên theo đường lối cải cách ôn hòa là cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran Abdolnasser Hemmati.
Bộ trưởng Tư pháp theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi (56 tuổi) được đánh giá là ứng cử viên sáng giá nhất.
Trước đó, ngày 16/6, có 3 ứng cử viên đã xin rút khỏi cuộc đua, gồm nghị sĩ theo đường lối cứng rắn Alireza Zakani (55 tuổi), cựu Phó Tổng thống theo đường lối cải cách Mohsen Mehralizadeh (66 tuổi) và ông Saeed Jalili - từng là nhà đàm phán hạt nhân của Iran.
Với người kế nhiệm Tổng Hassan Rouhani, nhiệm vụ trọng tâm và hết sức khó khăn của ban lãnh đạo mới là vực dậy nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Cuộc bầu cử Tổng thống Iran diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng trong những năm qua do sức tàn phá của các lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt đối với Tehran.
Kinh tế Iran đã liên tiếp ghi nhận các thông tin tiêu cực, với tốc độ tăng trưởng giảm 6,8% trong năm 2018-2019 và giảm 6% năm 2020. Lạm phát đã tăng vọt và luôn đứng ở mức trên 45%, trong khi đồng nội tệ Rial suy yếu mạnh so với đồng USD. Tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 11,2%.
Sản lượng khai thác dầu thô của Iran giảm mạnh từ 3,9 triệu thùng/ngày ở thời điểm Mỹ chưa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran (5/2018) xuống còn 2,3 triệu thùng/ngày hiện nay. Xuất khẩu dầu thô cũng giảm sâu từ hơn 2 triệu thùng/ngày xuống khoảng 650 nghìn thùng/ngày.
Iran hiện có khoảng 20 tỷ USD tiền bán dầu bị phong tỏa tại Hàn Quốc, Iraq và Trung Quốc từ năm 2018 theo các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bên cạnh các lệnh trừng phạt của Mỹ, Iran cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và thách thức, cuộc bầu cử Tổng thống Iran năm 2021 được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới, giúp vực dậy nền kinh tế vốn đã điêu đứng do các lệnh trừng phạt quốc tế.