📞

Bầu cử Mỹ 2024: Loạt tin tốt 'gõ cửa' nền kinh tế, khám phá di sản của Tổng thống Biden

Linh Chi 18:35 | 29/07/2024
Tổng thống Joe Biden đến Nhà Trắng vào năm 2021 - thời điểm hỗn loạn và bất ổn gia tăng trên khắp đất nước đang quay cuồng vì đại dịch. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Biden đã thể hiện mong muốn thúc đẩy sự đoàn kết, với hy vọng mang lại một quốc gia “mạnh mẽ hơn, thịnh vượng hơn, sẵn sàng hơn cho tương lai”.
Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Joe Biden, thời gian gần đây, có một loạt tin tốt 'gõ cửa' nền kinh tế Mỹ. Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, như người đứng đầu nước Mỹ thừa nhận trong suốt thời gian nắm quyền, còn nhiều việc phải làm. Nhiệm vụ đó giờ đây có thể rơi vào tay Phó Tổng thống Kamala Harris - người được ông Biden tin tưởng gửi gắm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2024.

Ông Joe Biden đã rút khỏi cuộc tái tranh cử hôm 21/7 và ủng hộ bà Harris tham gia chạy đua trong cuộc bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, đối đầu với ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump.

Thời gian gần đây, có một loạt tin tốt "gõ cửa" nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ quý II/2024 mạnh hơn dự báo và khả năng đất nước đang đạt được kỳ tích hiếm hoi là giảm lạm phát mà không đẩy nền kinh tế "hạ cánh cứng" mang lại cho bà Harris một điểm cộng.

Dưới đây là tình trạng của nền kinh tế lớn nhất thế giới khi cuộc đua tổng thống bước vào 100 ngày "nước rút".

Lạm phát, lãi suất và nền kinh tế kiên cường

Khi ông Biden nhậm chức, lạm phát hầu như không đáng chú ý, với giá tiêu dùng tăng 1,4% mỗi năm. Vấn đề này nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn.

Đến tháng 6/2021 - tháng thứ sáu khi ông Biden nắm quyền - tỷ lệ lạm phát của cả nước đã tăng lên hơn 5%.

Sau đó, tháng 2/20222, Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt, lạm phát đạt 9,1%, mức cao nhất trong hơn 40 năm. Lạm phát tăng vọt một phần bởi khoản chi tiêu khổng lồ sau đại dịch.

Lạm phát kể từ đó đã hạ nhiệt rất nhiều. Đến tháng 6/2024, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) giảm xuống mức 2,5% trong tháng 6/2024, so với mức 2,6% trong tháng 5/2024.

Tuy nhiên, nhìn chung, người Mỹ đang trả nhiều hơn 20% cho hàng hóa và dịch vụ so với tháng 1/2021.

Để đối phó với lạm phát, Fed đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 23 năm. Nền kinh tế hoạt động với tốc độ chậm hơn tuy chưa rơi vào tình trạng suy thoái.

Ngoài ra, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - thước đo của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nền kinh tế - ở mức ổn định. Theo số liệu của Bộ Thương mại công bố hôm thứ Năm, GDP tăng với tốc độ mạnh mẽ 2,8% hàng năm trong quý II/2026, sau khi điều chỉnh theo lạm phát và những biến động theo mùa.

Thị trường việc làm bắt đầu hạ nhiệt

Vào tháng 4/2020, khi nền kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng mạnh do đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia này đã tăng vọt lên gần 15% - mức cao nhất kể từ khi Cục Thống kê lao động Mỹ bắt đầu theo dõi vào năm 1948.

Đầu nhiệm kỳ của ông Biden, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 6,4%. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 4% trong hơn 2 năm (năm 2022 và 2023) - khoảng thời gian dài nhất kể từ những năm 1960.

Sau đó, tỷ lệ này đã vượt quá 4% khi những rạn nứt trên thị trường lao động bắt đầu hình thành.

Đến tháng 6/2024, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4.1%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021 và cao hơn dự báo 4% của các chuyên gia.

Một dự luật 1.200 tỷ USD đã được ký

Ngày 15/11/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỷ USD tại Nhà Trắng, đánh dấu một thành tựu quan trọng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông sau nhiều tuần đàm phán tại Hạ viện.

Mặc dù sẽ mất nhiều năm, nếu không phải là nhiều thập kỷ, để nhận ra toàn bộ tác động của đạo luật sâu rộng - quá trình cấp vốn, xây dựng và thực thi cần có thời gian - nhưng nền kinh tế Mỹ chứng kiến ​​một số tác động ngắn hạn, bao gồm sự bùng nổ về các cơ sở công nghiệp, xe điện và công việc sản xuất cũng như khởi động các dự án đô thị được chờ đợi từ lâu để thay thế cầu và ống dẫn.

Sản lượng dầu trong nước Mỹ đã đạt kỷ lục vào năm 2023, với mức trung bình hàng ngày là 12,9 triệu thùng dầu được sản xuất. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Tăng cường năng lượng sạch và sản xuất dầu

Di sản năng lượng của ông Biden gắn liền với năng lượng sạch chứ không phải nhiên liệu hóa thạch. Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 của ông bao gồm hơn 350 tỷ USD hỗ trợ cho xe điện, trạm sạc và các mặt hàng tương tự.

Không chỉ thế, sản lượng dầu trong nước đã đạt kỷ lục vào năm 2023, với mức trung bình hàng ngày là 12,9 triệu thùng dầu được sản xuất.

Con số này nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào từng sản xuất. Cho đến nay sản lượng năm 2024 đã tăng thêm 3%.

Cứu trợ người dân Mỹ

Hồi tháng 4/2024, Tổng thống Joe Biden công bố 5 hành động lớn nhằm tiếp tục giảm nợ sinh viên, gồm xóa khoản vay gốc và tiền lãi lũy kế lên đến 20.000 USD, không tính đến mức thu nhập hiện tại là bao nhiêu.

Nhà Trắng cho biết, kế hoạch mới của Tổng thống Biden giúp giảm nợ cho hơn 30 triệu người Mỹ, trong đó giúp xóa phần lãi tích lũy của 23 triệu người, xóa toàn bộ nợ thời sinh viên của 4 triệu người khác và giảm ít nhất 5.000 USD cho hơn 10 triệu người.

Chính quyền của ông cũng cung cấp cứu trợ kinh tế cho các gia đình trong đại dịch. Ông đã ký thành luật Đạo luật kế hoạch giải cứu người Mỹ vào năm 2021 - một trong những nỗ lực lớn nhất của liên bang nhằm giảm nghèo trong nửa thế kỷ qua.

Kỷ lục về lĩnh vực công nghệ

Ông Biden đã ký một dự luật cấp cao vào tháng 4/2024 để cấm ứng dụng chia sẻ video TikTok do Trung Quốc sở hữu, trừ khi ứng dụng này tìm được chủ sở hữu mới, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Đương kim Tổng thống đã thúc đẩy mạnh mẽ việc sản xuất và nghiên cứu chip trong nước với Đạo luật CHIPS và Khoa học được thông qua vào năm 2022 và nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Đây là một phần trong nỗ lực giúp Mỹ lấy lại vị thế là nhà sản xuất chip bán dẫn hàng đầu.

Thị trường chứng khoán thăng hoa

Đây là diễn biến của thị trường chứng khoán trong mỗi năm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.

Năm 2021: Chỉ số cổ phiếu 500 của Standard & Poor (S&P 500) tăng 27%. Thị trường chứng khoán chiếm ưu thế, bất chấp đại dịch Covid-19. Nhưng thời điểm đó, các nhà đầu tư bắt đầu lo ngại về khả năng Fed có thể tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 3/2018 và chấm dứt kỷ nguyên “tiền dễ dàng”.

Năm 2022: S&P 500 giảm 19%. Chứng khoán giảm khi Fed nhanh chóng tăng lãi suất gần bằng 0 để kiềm chế lạm phát, làm dấy lên lo ngại rằng chi phí đi vay cao có thể ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

Năm 2023: S&P 500 tăng 24%. Chứng khoán ghi nhận một năm mạnh mẽ, bất chấp chiến dịch tăng lãi suất của Fed vẫn tiếp tục. Điều đó phần lớn nhờ vào sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo (AI), dẫn đến sự gia tăng đột biến của 7 cổ phiếu công nghệ chủ chốt.

Năm 2024: S&P 500 tăng khoảng 16% trong nửa năm, sau khi liên tục đạt mức cao kỷ lục. Thu nhập doanh nghiệp mạnh mẽ đã giúp đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn, cũng như sự bùng nổ liên tục của AI.

Dữ liệu lạm phát hạ nhiệt trong những tháng gần đây và hy vọng Fed sẽ sớm cắt giảm lãi suất đã làm tăng thêm sự hưng phấn của thị trường.

Giới chuyên gia đánh giá, trong cuộc đua với ông Trump, thoạt nhìn, việc thừa kế thành quả kinh tế của ông Biden khiến bà Harris thuận lợi. Dù vậy, vẫn còn những bài toàn khó cần bà Harris tìm lời giải. Đó là xóa bỏ cảm giác tiêu cực của nhiều người Mỹ về nền kinh tế, xuất phát từ việc giá cả tăng vọt và lạm phát!

(theo CNN)