📞

Bầu cử ở Thái Lan: Vấn vương hay đoạn tuyệt?

16:03 | 08/06/2011
Còn gần 1 tháng nữa là Thái Lan bước vào cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn. Nhiều người cho rằng sự kiện sẽ là câu trả lời chính xác liệu cử tri Thái có còn vấn vương với cựu Thủ tướng Thaksin Sinawatra.
Hai ứng viên nặng ký cho chiếc ghế thủ tướng Thái Lan: Đương kim Thủ tướng Abhisit Vejjajiva và bà Yingluck Shinawatra.

Kể từ khi lên nắm quyền (năm 2008), rõ ràng Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã thu được rất nhiều kết quả đáng khen ngợi đặc biệt trong việc xử lý cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng của phe "áo đỏ" (Mặt trận dân chủ thống nhất chống độc tài - UDD) vốn ủng hộ ông Thaskin. Ngoài ra, những chính sách dân túy của ông Abhisit Vejjajiva cũng thu được kết quả nhất định cho dù sự thận trọng đối với các chính sách kinh tế khiến Thái Lan không thể hồi phục nhanh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như mong đợi. Thậm chí, nhiều đối thủ của ông Abhisit còn cho rằng vị thủ tướng này chịu ảnh hưởng quá nhiều từ các cấp phó thay vì tự đưa ra những quyết định quyết đoán.

Nhưng những thành tích đó dường như vẫn chưa đủ để khiến nhiều người Thái, nhất là các cử tri nghèo ở nông thôn và thành thị, quên được ông Thaksin, và họ đã dành không ít sự ủng hộ cho em gái ông này, bà Yingluck Sinawatra, ngay trong lần đầu tranh cử. Thực tế cương lĩnh tranh cử của bà Yingluck không khác gì những tuyên bố trước kia của anh trai như: giải quyết vấn đề nghèo đói trong 4 năm; thanh toán vấn nạn ma túy trong vòng 12 tháng; tăng ngân quỹ cấp cho mỗi bản làng ở Thái Lan lên 2 triệu Bath, và mang lại hạnh phúc cho mọi người… Những lời nói không hề hoa mỹ này đã khiến uy tín của bà Yoingluck tăng lên rất nhanh bất chấp sự nghi ngờ về năng lực điều hành của nữ doanh nhân 44 tuổi này. Kết quả những cuộc thăm dò dư luận mới đầy cho thấy mặc dù vẫn còn kém ông Abhisit nhưng bà Yingluck đang thu hẹp khoảng cách giữa hai người một cách nhanh chóng. Vấn đề hiện nay của bà Yingluck là phải chứng tỏ được "sự trong sáng" trong chiến dịch tranh cử của mình vốn đang bị nhiều đối thủ săm soi.

Không phải ngẫu nhiên mà lãnh đạo nhiều đảng đối lập ở Thái Lan đặt câu hỏi liệu có phải ông Thaksin đang chơi "ván bài cuối cùng" nhằm tìm cơ hội trở về nước sau thời gian dài sống lưu vong ở nước ngoài sau khi bị lật đổ. Bởi nếu bà Yingluck cùng đảng Puea Thai thắng cử thì điều này rất có thể xảy ra. Và hiện nay, trên kênh truyền hình Thai PSB cũng đang công chiếu series phim tài liệu mang tên "Thay đổi" kể về sự kế thừa sự nghiệp chính trị của Asakura Keita ở tỉnh Fukuota sau cái chết của cha và anh trai, điều này có vẻ giống với hoàn cảnh của bà Yingluck. Thế nhưng, ngay cả trường trường hợp thắng cử những không gom đủ số phiếu cần thiết thì bà Yingluck cũng khó có thể thành lập chính phủ liên minh với các đảng nhỏ nếu không có sự chấp thuận từ lực lượng quân đội. Bất chấp sự đảm bảo trung lập từ lực lượng này nhưng những cuộc đảo chính trong quá khứ hay khả năng kiểm soát yếu ớt của chính phủ Thái Lan trong cuộc xung đột với Campuchia ở khu vực đền Preah Vihear cho thấy sức mạnh của xe tăng và súng.

Nhà nghiên cứu Pavin Chachavalpongpun, tại Viên Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, nhận định một cách hình ảnh rằng: "Cuộc bầu cử lần này sẽ là lần đụng độ trực diện, quyết liệt, giữa Đảng Dân chủ (đại diện cho tầng lớp trí thức tại các thành phố lớn, các chủ doanh nghiệp lớn và cả lực lượng quân đội) và Đảng Puea Thai (vốn được coi là đại biểu cho người nghèo ở nông thôn và thành thị nhất là tại miền bắc và khu vực Đông Bắc)".

Song, những điều này cũng không thể che lấp nhu cầu cần một một môi trường chính trị ổn định, một thủ tướng có năng lực để đưa Thái Lan trở lại con đường phát triển đúng đắn và mạnh mẽ. Thế nên cho dù ông Abhisit đắc cử hay đảng Puea Thai giành chiến thắng thì điều quan trọng hơn là họ sẽ phải làm được những gì đã hứa với cử tri chứ không chỉ "làm việc riêng", từ đó châm ngòi cho những rối ren chính trị trong tương lai gần.

Bảo Trâm