Nhỏ Bình thường Lớn

Bầu cử tổng thống Honduras: Thêm chia rẽ

Cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên tại Honduras kể từ sau cuộc đảo chính ngày 28/6 đã có kết quả, nhưng có vẻ như vẫn chưa có lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Mỹ này.

Ứng cử viên theo đường lối bảo thủ của Đảng Quốc gia Porfirio Lobo đã tuyên bố thắng cử, đồng thời cam kết giải quyết bất đồng để thành lập một chính phủ mới đoàn kết và ổn định. Chính phủ Mỹ cũng ra tuyên bố coi cuộc bầu cử là "một bước đi cần thiết và quan trọng" tiến tới giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Honduras. Còn theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly, việc 61,3% trong tổng số 4,3 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu cho thấy "người dân Honduras coi cuộc bầu cử này là một phần quan trọng trong việc tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay".

Tuy nhiên, ông Alain Musset, Giám đốc Viện nghiên cứu cấp cao khoa học xã hội của Pháp cho rằng cuộc bầu cử đang phải đối mặt với tính hợp pháp vì nhiều ứng cử viên tẩy chay. Đông đảo dư luận, đặc biệt là ở các nước Mỹ Latinh, chỉ trích việc "tiền hậu bất nhất" của Mỹ trong vấn đề Honduras. Thực tế ban đầu, Mỹ lên án hành động đảo chính, kêu gọi phục chức cho Tổng thống bị lật đổ Manuel Zelaya và sau đó thúc đẩy một thỏa thuận nhằm đạt được mục tiêu này. Thế nhưng sau khi thỏa thuận đổ vỡ, Washington lại phát đi tín hiệu sẽ chấp nhận kết quả bầu cử tổng thống bất chấp những lời lên án rằng nó không hợp pháp do được một chính phủ đảo chính tiến hành.

Đa số các nước trong khu vực như Brazil, Chile, Costa Rica cáo buộc rằng Mỹ, bạn hàng thương mại và đối tác quân sự - chiến lược số 1 của Honduras, đã không tạo đủ áp lực lên những kẻ tiếm quyền. Theo các nhà phân tích, bầu cử vốn sẽ chẳng làm cho đất nước Honduras có bất cứ thay đổi nào về khía cạnh kinh tế, bởi giới tài phiệt vẫn là những kẻ nắm quyền kiểm soát tại quốc gia Trung Mỹ này và lẽ đương nhiên Honduras sẽ tiếp tục chìm đắm trong đói nghèo. Không những thế, phản ứng mâu thuẫn của Washington càng làm dư luận hoài nghi về lời hứa "một khởi đầu mới" trong quan hệ với Mỹ Latinh mà Tổng thống Obama đưa ra hồi đầu năm.

Mai Anh