Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, kết quả vòng 1 chưa phản ánh sát tình hình thực tế mà chỉ là vòng thăm dò giữa các nước.
Trên thực tế, việc lựa chọn Tổng Giám đốc UNESCO - một tổ chức có vai trò quan trọng của Liên hợp quốc (LHQ), thực sự là một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nước đề cử ứng cử viên, thậm chí giữa các khu vực, như từng diễn ra tại cuộc bầu cử nhiệm kì 2009-2013 khi Ủy ban chấp hành phải tiến hành tới 5 lần bỏ phiếu.
Trụ sở UNESCO tại Paris, Pháp. (Nguồn: AP) |
Năm nay, có 9 ứng cử viên đến từ tất cả các khu vực trên thế giới, gồm Ai Cập, Azerbaijan, Iraq, Guatemala, Lebanon, Pháp, Qatar, Trung Quốc và Việt Nam. Sau vòng phỏng vấn vào tháng 4 vừa qua, đã có 2 ứng cử viên của Iraq và Guatemala xin rút.
Các ứng cử viên còn lại đều là những nhân vật tên tuổi, có kinh nghiệm và uy tín trong hoạt động ngoại giao đa phương và hợp tác văn hóa. Các ứng cử viên đều có kỹ năng lãnh đạo và quản lý do từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ở trong nước hoặc tại các tổ chức quốc tế.
Dự báo, các vòng bầu cử tiếp theo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Bởi chỉ riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có 2 ứng cử viên, và đây cũng là khu vực từng có người giữ chức Tổng Giám đốc UNESCO. Trong khi đó, có đến 4 ứng cử viên là người Arab - khu vực chưa từng có ứng cử viên trúng cử Tổng Giám đốc UNESCO.
Dự kiến Hội đồng chấp hành UNESCO sẽ tiếp tục bỏ phiếu vòng 2 vào cuối buổi họp chiều nay, 10/10.
Tổng Giám đốc UNESCO là người đứng đầu Ban Thư ký, điều hành bộ máy hành chính tại Trụ sở của UNESCO tại Paris và các văn phòng trực thuộc trên toàn thế giới với hơn 2000 nhân viên thuộc 170 quốc gia. Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm xây dựng và đệ trình các cơ quan điều hành về chương trình nghị sự, phương hướng, ngân sách, bổ nhiệm và tuyển dụng nhân sự cấp cao của UNESCO. |