📞

Bê bối chấn động làng âm nhạc Nhật Bản

21:41 | 14/02/2014
Bê bối mới nhất liên quan đến Mamoru Samuragochi, 50 tuổi, nhà soạn nhạc khiếm thính nổi tiếng người Nhật Bản, người từng được ca ngợi là "Beethoven của kỷ nguyên kỹ thuật số” đang gây chấn động làng âm nhạc Nhật Bản…
Thầy dạy nhạc Niigaki (trái) và nhà soạn nhạc Samuragochi.

Mới đây, nhà soạn nhạc Mamoru Samuragochi đã lên tiếng thừa nhận những nhạc phẩm mang tên mình, trong đó trong đó có Bản giao hưởng số 1 - Hiroshima được nhiều người yêu nhạc cổ điển Nhật Bản yêu mến là do người khác viết. Tác giả ẩn danh đứng đằng sau những tác phẩm nổi tiếng này thực chất là thầy giáo dạy nhạc Takashi Niigaki.

Trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp, ông Niigaki cũng đã lên tiếng xin lỗi người dân Nhật Bản. "Tôi chính là đồng phạm của Samuragochi. Dù biết rất rõ ông ta đang lừa dối mọi người nhưng tôi vẫn tiếp tục sáng tác theo yêu cầu của Samuragochi. Sau đó, tôi đã thuyết phục ông ta chấm dứt mọi sự dối trá nhưng ông ta nhất định không nghe. Thậm chí, Samuragochi còn dọa tự tử nếu tôi không tiếp tục sáng tác".

Ông Niigaki thú nhận, trong suốt 18 năm, Samuragochi đã thuê ông viết hơn 20 bản nhạc cổ điển. Tổng số tiền mà ông nhận được chỉ vẻn vẹn 7 triệu yên Nhật (gần 1,5 tỉ đồng).

Thầy giáo dạy nhạc này cho hay ông quyết định vạch trần vụ việc sau khi được biết bản nhạc mà ông viết cho Samuragochi sẽ được sử dụng làm nhạc nền cho tiết mục biểu diễn trượt băng nghệ thuật của vận động viên Nhật Bản Daisuke Takahashi tại Thế vận hội mùa Đông Sochi 2014. "Tôi sợ rằng đoạn nhạc mà tôi viết được sử dụng tại một sự kiện trọng đại như vậy sẽ càng làm cho những lời nói dối của tôi và ông Samuragochi thêm nghiêm trọng", ông Niigaki nói.

Samuragochi bắt đầu nổi tiếng từ giữa thập niên 1990 khi những bản nhạc cổ điển của ông được sử dụng làm nhạc nền cho trò chơi điện tử Resident Evil. Năm 35 tuổi, sau khi Samuragochi "tiết lộ" mình bị mất thính lực, ông càng trở nên nổi tiếng. Ông thường xuyên xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo, tạp chí có uy tín trong nước và quốc tế. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Time (Mỹ) năm 2001, Samuragochi tâm sự việc ông mất thính giác là một "món quà của Thượng đế".

Rất nhiều người thần tượng ông và yêu mến gọi ông là "Beethoven Nhật Bản" vì những nỗ lực phi thường trong cuộc chiến với căn bệnh quái ác để viết nên những tuyệt phẩm đi vào lòng người.

Năm 2013, danh tiếng của Samuragochi nổi như cồn sau khi Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) phát sóng bộ phim tài liệu Giai điệu của tâm hồn: Chân dung nhà soạn nhạc khiếm thính ghi lại cuộc hành trình của Samuragochi tại những nơi từng hứng chịu thảm họa sóng thần 2011. Phim còn có cảnh Samuragochi chơi đùa với một bé gái đã mất mẹ trong thảm họa sóng thần và sáng tác một bản nhạc cầu siêu cho mẹ của cô bé, dù bản thân đang phải vật lộn với bệnh tật.

Tuy nhiên, tiết lộ mới nhất của ông Niigaki đã gây sững sờ cho hàng ngàn người hâm mộ Samuragochi khi ông này tuyên bố "Beethoven Nhật Bản" thực ra không hề bị mất thính giác. Ông kể rằng hai bên thường xuyên gặp gỡ và trao đổi công việc qua điện thoại mà không cần đến máy trợ thính hay phương tiện hỗ trợ đặc biệt nào.

"Lúc đầu, ông ta cũng đóng kịch như người bị mất thính giác nhưng sau đó, ông ta cũng chẳng thèm giả vờ nữa. Ông ấy thậm chí còn lắng nghe những bản nhạc tôi viết và đưa ra bình luận", ông Niigaki nói.

Trước những thông tin chấn động vừa được tiết lộ, thông qua luật sư đại diện, ông Samuragochi đã bày tỏ sự "hối hận sâu sắc" vì những hành vi lừa dối và cho biết ông vẫn chưa đủ dũng cảm để đối diện với công luận. "Samuragochi vô cùng hối hận vì đã phản bội lại lòng tin và sự mến mộ của người yêu nhạc Nhật Bản. Ông ấy biết rằng ông không còn lý do gì để bào chữa cho những việc làm sai trái của mình", vị luật sư đại diện cho biết.

Nhật Bản vốn là một quốc gia yêu chuộng nhạc cổ điển và sản sinh ra rất nhiều tài năng âm nhạc như nghệ sỹ piano lừng danh Mitsuko Uchida, nhạc trưởng Seiji Ozawa… Vì vậy, bê bối liên quan đến nhà soạn nhạc nổi tiếng đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong công chúng trên khắp đất nước.

Trước đó, nhiều hãng thu âm và phát hành đĩa từng hái ra tiền nhờ việc phát hành những bản nhạc của Samuragochi. Riêng Bản giao hưởng Số 1 - Hiroshima đã bán được hơn 180.000 bản, phá vỡ mọi kỷ lục về đĩa nhạc cổ điển bán chạy tại Nhật.

Sau khi vụ việc bị phanh phui, các hãng này đã dừng bán các đĩa nhạc của Samuragochi. Đồng thời, nhiều đài truyền hình cũng lên tiếng xin lỗi người dân vì từng thực hiện những chương trình khắc họa chân dung người nổi tiếng, trong đó, Samuragochi được xây dựng hình ảnh như một nhà soạn nhạc tài năng xuất chúng.

Diễn Tú (theo NYT, Daily Mail)