Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi với nhiều nội dung thảo luận, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 đã chính thức khép lại. Trong ảnh: Toàn cảnh phiên thảo luận thứ nhất của Hội thảo sáng 16/11. (Nguồn: Học viên Ngoại giao) |
Chiều 17/11, tại Đà Nẵng, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 14 về chủ đề “Biển hoà bình - Phục hồi bền vững” đã chính thức bế mạc.
Qua 2 ngày làm việc, với 1 phiên dẫn đề và 8 phiên làm việc, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực, các diễn biến gần đây ở Biển Đông, giá trị của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như yêu cầu đặt ra với hợp tác nhằm đảm bảo an ninh biển từ sự phát triển khoa học công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển biển hòa bình, bền vững.
Hội thảo cũng tổ chức phiên kỷ niệm 40 năm ký kết UNCLOS 1982 và 20 năm Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc ký kết DOC vào năm 2000.
Phát biểu bế mạc, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, TS. Phạm Lan Dung đánh giá cao sự tham gia tích cực và nhiệt tình của các đại biểu trực tuyến và trực tiếp cũng như chất lượng của các phiên thảo luận.
Những nội dung được thảo luận trong hai ngày qua đã cho thấy Biển Đông không phải là vùng biển đóng kín mà đóng vai trò trung tâm, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, TS. Phạm Lan Dung phát biểu bế mạc Hội thảo. (Nguồn: TTXVN) |
Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh, Biển Đông đang đối mặt với nhiều biến chuyển và nhiều thách thức từ tình hình chung của thế giới và khu vực. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có thể thấy được những tín hiệu tích cực và tiếp thu các ý tưởng, đề xuất có giá trị để đối phó với những khó khăn thách thức.
Theo TS. Phạm Lan Dung, trong thời gian tới, cộng đồng khu vực và quốc tế cần tiếp tục cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, đảm bảo thượng tôn pháp luật, tin tưởng vào các kênh hợp tác đa phương, linh hoạt, sáng tạo trong các cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực và không gian khác nhau để xây dựng Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, giúp các quốc gia tập trung phục hồi bền vững.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Nguồn: Học viện Ngoại giao) |