Quốc hội Peru. (Nguồn: Twitter) |
Đề xuất của đảng Peru Tự do bao gồm tổ chức bầu cử vào tháng 7/2023 thay vì tháng 4/2024, một cuộc trưng cầu ý dân về một hội nghị hiến pháp - một trong những yêu cầu then chốt của người biểu tình.
Quốc hội Peru bác bỏ đề xuất này với 75 phiếu chống, chỉ có 48 phiếu ủng hộ và 1 phiếu trắng.
Cũng trong ngày này, Tổng thống Peru Dina Boluarte đã đề xuất một dự luật mới nhằm thúc đẩy tổ chức các cuộc bầu cử trong năm 2023, trong nỗ lực chấm dứt các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhiều tuần qua tại quốc gia Nam Mỹ này.
Theo dự luật, các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống sẽ được tổ chức vào tháng 10 và những người trúng cử sẽ nắm quyền vào cuối tháng 12 năm nay.
Các quan chức và nghị sĩ quốc hội được bầu sẽ phục vụ trong nhiệm kỳ 5 năm đến tháng 7/2028. Thủ tướng Alberto Otarola dự kiến sẽ trình dự luật lên một ủy ban của Quốc hội vào chiều 3/2.
Dự luật mới được đưa ra sau khi Quốc hội Peru bác bỏ một loạt đề xuất bầu cử sớm. Hôm 31/1, các nhà lập pháp Peru cũng không đạt được thỏa thuận về tổ chức cuộc bầu cử sớm trong năm 2023, trong bối cảnh các đảng phái chính trị không thể thống nhất về cách tiến hành bầu cử.
Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội nghiêm trọng kể từ ngày 7/12/2022, khi Tổng thống nước này lúc đó là ông Pedro Castillo bị Quốc hội phế truất và bị bắt giữ, mở đường cho bà Boluarte lên đảm nhận chức Tổng thống lâm thời.
Những người ủng hộ ông Castillo yêu cầu bà Boluarte từ chức và tổ chức các cuộc bầu cử mới. Họ đã xuống đường biểu tình, phong tỏa các tuyến đường cao tốc, ảnh hưởng tới hoạt động vận tải cung ứng lương thực, nhiên liệu và các loại nhu yếu phẩm.
Khoảng 50 người, trong đó có cả cảnh sát, đã thiệt mạng, hơn 500 người bị thương và hơn 320 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình những tuần qua. Tổng thống Boluarte đã hối thúc Quốc hội hành động để chấm dứt tình trạng trên.