Đại biện lâm thời Belarus tại Mỹ Pavel Shidlovsky. (Nguồn: Belta) |
Hãng thông tấn Belarus Belta dẫn lời ông Shidlovsky nói: “Mối quan hệ của chúng tôi hiện đang ở trạng thái đóng băng. Lỗi không phải của chúng tôi, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tránh tiếp xúc và có bất kỳ cuộc đối thoại nào với chúng tôi. Việc đối thoại cực kỳ hạn chế”.
Nhà ngoại giao Belarus cho biết ông, nhìn thấy một số triển vọng hợp tác và Minsk đã sẵn sàng "cho sự tương tác bình thường, mang tính xây dựng dựa trên sự hợp tác cùng có lợi" với Washington.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta cần thiết lập các cuộc đối thoại thực chất. Thật không may, Washington không muốn tham gia vào những cuộc tiếp xúc như vậy, khiến chúng tôi phải đáp ứng những yêu cầu vốn dĩ là không thể. Đó là lý do tại sao mối quan hệ lại rơi vào tình trạng như vậy”.
Ông cũng khẳng định Belarus có ý chí chính trị để tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ vì nước này luôn coi Mỹ là "đối tác quan trọng và đầy triển vọng".
Belarus, đồng minh truyền thống lâu đời của Nga, đã hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là trong gian đoạn xung đột ở Ukraine.
Minsk và Moscow đã thiết lập Nhà nước liên minh Nga-Belarus, cho phép hai nước ứng phó nhanh chóng và hiệu quả trước những thách thức và mối đe dọa chưa từng có phải đối mặt, nhằm củng cố và bảo vệ lợi ích chung trên trường quốc tế.
Trong năm 2023, Minsk và Moscow đã ký thỏa thuận triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus. Vào tháng 6/2023, những hệ thống vũ khí đầu tiên đã được đưa tới Belarus. Tới tháng 12/2023, chính phủ Belarus tuyên bố rằng quá trình triển khai vũ khí hạt nhân đã được hoàn tất.
Hồi đầu tháng 5, Nga và Belarus đã bắt đầu các cuộc tập trận quân sự liên quan vũ khí hạt nhân chiến thuật. Giới quan sát nhận định, việc diễn tập là tín hiệu cảnh báo phương Tây không nên can thiệp sâu hơn vào vấn đề Ukraine, mặc dù Moscow nhấn mạnh rằng, vũ khí hạt nhân chiến thuật được triển khai tới Belarus vẫn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga.