Truyền thông Nga trong mấy tháng qua đã suy diễn rằng Moscow đang tìm cách thiết lập một nhà nước thống nhất với Belarus. Một "siêu nhà nước" cũng sẽ đòi hỏi một người lãnh đạo mới - ẩn chứa khả năng tạo ra một vị thế quyền lực mới cho Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông đáo hạn nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2024 theo quy định của Hiến pháp.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Nguồn: Themoscowtimes) |
Ông Lukashenko, người đã có chuyến thăm ông Putin từ ngày 13/2 tại khu nghỉ dưỡng Sochi, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của nền độc lập của Belarus. Trong buổi họp báo chung với ông Putin, ông Lukashenko đã phát biểu: "Tại sao chúng ta lại nêu ra câu hỏi về chủ quyền của Nga và Belarus? Nó giống như một biểu tượng, nó là bất khả xâm phạm. Chúng tôi không có rắc rối gì về chủ quyền cả, chúng tôi thậm chí còn chưa thảo luận về điều đó trong bối cảnh này". Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng, hai nước đã sẵn sàng xem xét lại quan hệ song phương.
Trong khi đó, ông Putin lại khẳng định "Không tồn tại quốc gia nào hoàn toàn độc lập" và tất cả các nước đều "phụ thuộc lẫn nhau".
Trước đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hồi tháng 12/2018 cho biết Moscow đã sẵn sàng hòa nhập gần hơn với Belarus - bao gồm một đồng tiền chung, cơ quan hải quan và tòa án chung - theo tinh thần thỏa thuận 1999 nhằm thành lập một "nhà nước liên minh". Tuy nhiên Moscow lại bác bỏ thông tin về đàm phán thống nhất hoàn toàn hai nước.
Nga là đồng minh thân cận nhất của Belarus và hai nước đã thiết lập một "liên minh" trên danh nghĩa với quan hệ thương mại và hợp tác về quân sự chặt chẽ. Nhưng hai nước đã tranh cãi nhiều năm về loạt vấn đề như giá năng lượng và thuế nhập khẩu. Việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và ủng hộ lực lượng ly khai ở Ukraine đã khiến Belarus lo ngại. Ông Lukashenko đã từng cáo buộc Nga tìm cách ép Belarus phải hòa nhập sâu hơn với Moscow.