Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam như trên bên lề Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam" diễn ra ngày 22/10, tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn khẳng định, thời gian qua, Bến Tre đã nỗ lực kết nối và khai mở thị trường Hồi giáo - thị trường chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Hai lĩnh vực ưu tiên
Giới thiệu về tiềm năng của địa phương, ông Nguyễn Trúc Sơn cho hay, Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, liền kề Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam và nằm trên trục chính của tuyến giao lưu kinh tế các tỉnh ven biển như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Thế mạnh của Bến Tre là kinh tế biển và kinh tế vườn. Kết hợp với tiềm năng du lịch, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có tay nghề, cùng với những chính sách thông thoáng và thuận lợi nhất đã giúp tỉnh tiến bước trong quá trình hội nhập, hợp tác đầu tư, thương mại.
Bến Tre là địa phương có diện tích dừa lớn nhất cả nước với hơn 78 nghìn ha. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến dừa.
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trên đạt bình quân hơn 400 triệu USD/năm (chiếm khoảng 25-30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh). Tỉnh có hơn 40 sản phẩm từ dừa được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như: dầu dừa tinh luyện, mỹ phẩm từ dừa, sữa dừa, bột sữa dừa, mụn dừa, thạch dừa, cơm dừa nạo sấy, kẹo dừa, chỉ xơ dừa...
Ngoài ra, địa phương này còn được biết đến là xứ sở của cây ăn trái, hằng năm cung ứng cho thị trường nhiều loại trái cây và cũng là nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trái cây trên địa bàn.
"Không chỉ được biết đến là xứ sở của dừa, Bến Tre còn sở hữu có 65 km bờ biển và hơn 47.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trên 500.000 tấn/năm, tỉnh Bến Tre đủ sức đáp ứng nhu cầu cho chế biến thủy hải sản phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây chính là hai lĩnh vực quan trọng nhất mà tỉnh đang ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước", ông Nguyễn Trúc Sơn cho hay.
Chủ động, tích cực khai mở thị trường Halal
Ông Nguyễn Trúc Sơn chia sẻ, thời gian qua, Bến Tre đã nỗ lực kết nối và khai mở thị trường Hồi giáo - thị trường chiếm khoảng 1/4 dân số thế giới.
Đơn cử như năm 2022, với sự hỗ trợ phối hợp của Bộ Ngoại giao, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị “Xúc tiến hàng nông, thuỷ sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo” gây tiếng vang và thu hút sự tham gia của hơn 250 đại biểu trực tiếp và trực tuyến.
Sau đó, năm 2023, tỉnh tiếp tục phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn Halal từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tiếp cận các quốc gia Hồi giáo”. Hội thảo đã giúp các doanh nghiệp tỉnh và khu vực có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thông tin thị trường và yêu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu vào các quốc gia Hồi giáo. Từ đó, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cách thức xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn Halal để thâm nhập vào thị trường này.
Đến tháng 9/2023, được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Saudi Arabia tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Saudi Arabia. Bản ghi nhớ thống nhất tạo điều kiện để giới thiệu, quảng bá sản phẩm Halal của tỉnh đến các quốc gia Hồi giáo.
Bên cạnh đó, Bến Tre đã gửi mẫu một số sản phẩm của Công ty Beinco, công ty Lương Quới, Vĩnh Tiến... thông qua kênh ngoại giao để hỗ trợ kết nối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một số Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đến nay, một số sản phẩm được các đối tác chú ý, trao đổi thông tin để tiến hành xúc tiến thương mại.
Ông Nguyễn Trúc Sơn (thứ hai từ trái qua) thảo luận tại Phiên 1: ‘Phát huy nội lực xây dựng ngành Halal Việt Nam: Tiềm năng và định hướng' trong khuôn khổ Hội nghị Halal 'Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững'. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre, doanh nghiệp tỉnh vẫn còn gặp phải một số khó khăn trong việc tiếp cận thông tin thị trường, nhất là văn hóa tiêu dùng, kinh doanh và các quy định đối với sản phẩm Halal.
Mặt khác, hiện nay chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng với tất cả các nước trên toàn cầu; có nhiều tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal, nhưng quy trình thủ tục cấp chứng nhận của các tổ chức không thống nhất.
Ngoài ra, ông Sơn nhận định, việc đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt trong các khâu từ đóng gói, bảo quản, vận chuyển… theo tiêu chuẩn Halal tốn nhiều chi phí của doanh nghiệp. "Đây là vấn đề quan ngại nhất. Phần lớn doanh nghiệp tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực và khả năng còn nhiều hạn chế", ông Nguyễn Trúc Sơn bày tỏ.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam bên lề Hội nghị Halal. |
Bến Tre có tiềm năng về các sản phẩm nông thủy sản, rau quả; trong đó, có các sản phẩm chế biến từ dừa, nông thủy sản. Đây là một trong những mặt hàng mà thị trường các nước Hồi giáo ưa chuộng. Vì vậy, ông Nguyễn Trúc Sơn khẳng định: "Bến Tre sẽ nỗ lực để đưa các sản phẩm thế mạnh vào thị trường này".
Để làm được điều này, Bến Tre mong muốn các cơ quan Trung ương tiếp tục hỗ trợ kết nối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp tỉnh tại một số Cơ quan đạo diện Việt Nam ở các quốc gia thị trường Halal; thông qua cầu nối là các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài giúp thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình kinh tế thương mại, nhu cầu và điều kiện xuất nhập khẩu sản phẩm tại thị trường Halal qua các sự kiện trực tiếp/trực tuyến, đồng thời, hỗ trợ tỉnh thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sản phẩm chủ lực sang thị trường này.
Song song với đó, ông Nguyễn Trúc Sơn bày tỏ, tỉnh đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam trong những vấn đề như:
Thứ nhất, hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận Halal và hỗ trợ xúc tiến thương mại vào các thị trường Halal cũng như các thông tin về hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo.
Thứ hai, tăng cường hợp tác song phương giữa Việt Nam và đa phương, các đối tác về các sản phẩm Halal, đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận về tăng cường sản xuất và phân phối thực phẩm đạt tiêu chuẩn Halal sang các thị trường trọng điểm.
Thứ ba, hỗ trợ, giới thiệu danh sách các tổ chức chứng nhận Halal đáp ứng đủ điều kiện chứng nhận Halal nhằm thuận lợi hóa thương mại sản phẩm Halal và đẩy mạnh trao đổi thương mại các sản phẩm và dịch vụ Halal của Việt Nam với các thị trường Halal trên toàn cầu.
Thứ tư, hỗ trợ quảng bá tiềm năng thế mạnh của tỉnh, giúp kết nối chính quyền và doanh nghiệp tỉnh tiếp xúc với các đối tác, tập đoàn, doanh nghiệp uy tín của thị trường Halal nhằm thúc đẩy giao thương, du lịch và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Giúp tháo gỡ vướng mắc trong kinh doanh quốc tế tại các lĩnh vực này.
Thứ năm, hỗ trợ tỉnh triển khai hiệu quả các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm thu hút thêm nhiều nguồn lực phục vụ địa phương hội nhập, phát triển và phục hồi kinh tế trong thời gian tới.
Với sự nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp, người dân Bến Tre cùng sự hỗ trợ của cơ quan Trung ương, cơ quan quản lý nhà nước, các sản phẩm thế mạnh của xứ dừa sẽ có thêm cơ hội tiến sâu hơn vào thị trường Halal đầy tiềm năng.