📞

Bệnh sốt xuất huyết: Không nên tự ý điều trị tại nhà

16:17 | 18/09/2015
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu khuyến cáo, trong thời điểm mùa dịch, khi có dấu hiệu sốt người dân không nên tự ý điều trị tại nhà mà nên đến các cơ sở y tế để thăm khám.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu.

 

Xin ông thông tin về những diễn biến mới nhất của tình hình dịch sốt xuất huyết hiện nay?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh lưu hành ở 100 quốc gia có khí hậu nhiệt đới với khoảng 3,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 100 triệu trường hợp mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình do sốt xuất huyết khoảng 2,5-5%. Từ đầu năm 2015 đến nay, sốt xuất huyết ghi nhận số ca mắc tăng tại nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines, Singapore…

Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành tại hầu hết các tỉnh, thành phố, có nguy cơ tăng cao vào các tháng mùa mưa. Trong tám tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận hơn 29.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 50 tỉnh, thành phố với 18 trường hợp tử vong. Số trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu ở các địa phương phía Nam, là nơi có tập quán trữ nước, khu đô thị, công trường xây dựng và khu dân cư đông đúc như Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh...

Tại sao năm nay dịch bệnh sốt xuất huyết lại có xu hướng gia tăng như vậy?

Thực tế, bệnh sốt xuất huyết ở Việt Nam là bệnh lưu hành, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Theo thống kê, mỗi năm thường có từ 50.000 đến 100.000 trường hợp nhiễm bệnh.

Hiện nay, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân như biến đổi khí hậu, đô thị hoá nông thôn và di dân dẫn đến chu kỳ dịch thay đổi, khó dự báo được nguy cơ bùng phát dịch... Chính quyền nhiều địa phương chỉ đạo chưa sâu sát đến từng hộ dân. Công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện phòng bệnh vẫn chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, người dân còn chủ quan, chưa nhận thức rõ trách nhiệm và tự giác tham gia diệt lăng quăng, muỗi tại hộ gia đình. Đặc biệt, thói quen trữ nước của người dân cũng tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh.

Cách đây không lâu, Cục Y tế dự phòng có đưa ra khuyến cáo cho người dân là không nên điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Tại sao vậy?

Sốt xuất huyết có triệu chứng ban đầu chỉ là sốt. Giai đoạn thứ hai là xuất huyết, có thể là xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết nội tạng…Tuy nhiên, không phải tất cả những trường hợp sốt xuất huyết nào cũng có biểu hiện xuất huyết.

Nhiều người vì vậy rất dễ nhầm lẫn sốt xuất huyết với cảm cúm. Nếu không được chẩn đoán đúng bệnh mà tiếp tục điều trị theo cảm cúm, không đến các cơ sở y tế để được điều trị, tư vấn và khám kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm bởi bệnh sẽ có những diễn biến thay đổi nhanh chóng. Có thể sau hai, ba ngày sốt, bệnh nhân đi đến tình trạng sốc rất nguy hiểm nên chúng tôi khuyến cáo là trong thời điểm của mùa dịch, khi có dấu hiệu sốt, người dân không nên tự ý điều trị tại nhà mà nên đến các cơ sở y tế để thăm khám.

Nhiều người cho rằng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ sinh sản và gây bệnh sốt xuất huyết ở môi trường ao tù, nước đọng nên chủ quan trong công tác phòng bệnh. Ông nhận định thế nào về ý kiến này?

Theo các chuyên gia dịch tễ, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết còn được gọi là "muỗi nhà vua" hoặc muỗi vằn bởi khả năng sinh sản cao và có tập tính đẻ ở nơi nước trong. Loại muỗi "siêu đẻ" này trung bình một vòng đời sống được một, hai tháng và cứ sau mỗi lần hút máu no khoảng ba ngày, chúng đẻ trứng một lần. Khi đẻ trứng, muỗi vằn thường chọn đẻ nơi nước sạch chứ không phải nơi ao tù, nước thải cống hôi thối như nhiều người dân thường nghĩ.

Các dụng cụ chứa nước ưa thích của chúng khi đẻ trứng phải kể đến là lọ hoa để trên ban thờ, các dụng cụ kê chân chạn cho khỏi kiến (nếu không cho muối vào), chậu hoa cây cảnh chứa nước, bể chứa nước mưa (nếu không thả cá để ăn bọ gậy) và đặc biệt các dụng cụ phế thải xung quanh nhà có khả năng chứa nước mưa (vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ, lốp xe, chum vại…).

Anh Thoa

Sáu điều cần lưu ý phòng chống sốt xuất huyết:

Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi bị sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

(Theo Bộ Y tế)