📞

Bị ECOWAS tung đòn cấm vận, Mali 'tuyên chiến', ráo riết hành động

Việt Hà 08:27 | 11/01/2022
Căng thẳng leo thang giữa Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) và Mali liên quan các lệnh trừng phạt mới của khối nhằm vào quốc gia châu Phi này.
Lãnh đạo quân đội kiêm Tổng thống lâm thời Mali Assimi Goita. (Nguồn: THX)

Ngày 9/1, ECOWAS ra thông báo về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Mali. Theo đó, tất cả các nước thành viên của tổ chức này sẽ lập tức rút các đại sứ của họ ở Mali về nước.

Các biện pháp trừng phạt khác bao gồm đóng cửa biên giới trên đất liền và không phận giữa các nước ECOWAS và Mali, đình chỉ tất cả giao dịch tài chính và kinh tế giữa các nước thành viên khối kinh tế này với Mali, trừ các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

ECOWAS đã chỉ đạo cho tất cả các cơ quan thuộc cộng đồng này thực thi các bước đi nhằm thực hiện các lệnh trừng phạt với hiệu lực ngay lập tức.

Rạng sáng 10/1, chính quyền quân sự Mali cho biết, nước này lên án "mạnh mẽ" các biện pháp trừng phạt "bất hợp pháp" của ECOWAS.

Người phát ngôn chính quyền quân sự Abdoulaye Maiga tuyên bố, nước này đáp trả bằng việc rút các đại sứ của Mali tại các quốc gia Tây Phi có liên quan về nước, đồng thời đóng cửa biên giới trên không và trên bộ với các nước trên.

Khẳng định Mali có quyền đáp trả “các biện pháp trừng phạt đáng tiếc" do ECOWAS áp đặt, ông Maiga nhấn mạnh, các biện pháp gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dân nước này - vốn phải gánh chịu những tác động nghiêm trọng từ các cuộc khủng hoảng an ninh và y tế, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Theo quan chức quân đội Mali, các biện pháp của ECOWAS “đi ngược lại những nỗ lực và tinh thần sẵn sàng đối thoại của chính phủ về thời gian tổ chức bầu cử”.

Người phát ngôn Maiga kêu gọi người dân Mali “bình tĩnh và kiềm chế”, đồng thời nói thêm rằng, chính phủ Mali đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng bình thường cho đất nước.

Trong khi đó, lãnh đạo quân đội kiêm Tổng thống lâm thời Mali Assimi Goita tuyên bố vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với ECOWAS.

Các động thái mới nhất diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại Mali do tranh cãi về lịch trình khôi phục chính quyền dân sự ở nước này, sau hai cuộc đảo chính và một cuộc tiếp quản quân sự.

Tháng 8/2020, các sĩ quan quân đội do Đại tá Assimi Goita lãnh đạo đã lật đổ Tổng thống đắc cử Ibrahim Boubacar Keita.

Dưới sự đe dọa của các lệnh trừng phạt, ông Goita cam kết sẽ khôi phục chính quyền dân sự vào tháng 2/2022, sau khi tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội.

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Goita đã tổ chức một cuộc đảo chính thứ 2 vào tháng 5/2021 và thành lập một chính phủ dân sự lâm thời. Động thái này đã phá vỡ lịch trình cải cách và vấp phải sự lên án ngoại giao rộng rãi.

ECOWAS nhấn mạnh, Mali cần phải tổ chức bầu cử vào tháng 2/2022, song chính phủ nước này tuyên bố sẽ chỉ ấn định ngày bầu cử sau khi tổ chức một hội nghị toàn quốc.

Hôm 30/12/2021, sau khi Hội nghị toàn quốc về cải cách kết thúc, chính phủ Mali đề nghị thời gian chuyển tiếp từ 6 tháng đến 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/1 năm nay. Tuy nhiên, hòa giải viên Goodluck Jonathan của ECOWAS đã yêu cầu chính phủ Mali sửa đổi kế hoạch này.

(theo AFP)