Nhỏ hơn nước Anh, với dân số chính thức khoảng 20 triệu người, đất nước Syria đã bị xáo trộn kể từ “Mùa xuân Ả rập” năm 2011. Sự kiện “nóng” nhất là cuộc không kích Syria diễn ra vào đêm 13/4 (theo giờ Mỹ), do Mỹ và các đồng minh Anh, Pháp tiến hành được cho là đã “trả lời” bằng chứng cho thấy chính phủ Syria đã phát động các cuộc tấn công hóa học ở Douma.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho rằng, “vấn đề quan trọng của kinh tế Syria hiện nay là phục hồi cơ sở hạ tầng, sẽ cần tới không dưới 400 tỷ USD và phải mất từ 10 đến 15 năm". (Nguồn: Tass) |
Nhưng dù bất kể điều gì đã xảy ra thì cuộc chiến ở Syria đã đại diện cho một bi kịch của loài người. Theo Liên hợp quốc, hơn 700.000 thường dân đã thiệt mạng, với khoảng 13 triệu người, tức là hơn một nửa dân số đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm một nơi nào đó yên bình hơn.
Và tất nhiên, nền kinh tế Syria cũng đã bị xóa sổ. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017, thiệt hại về cơ sở hạ tầng bị hủy hoại và sự tăng trưởng bị mất đã khiến Syria “phải trả” một khoản tiền khổng lồ lên tới 291 tỷ USD - một con số gấp nhiều lần GDP của cả đất nước này vào năm 2011.
Nếu đó là một phép tính vô nghĩa, thì hãy thử xem xét đến những số phận không may mắn ở Syria, hơn 3/4 số người thuộc độ tuổi lao động ở đất nước này đang thất nghiệp - một thảm hoạ kinh tế sẽ cướp đi các cơ hội việc làm và ảnh hưởng lớn đến các kỹ năng làm việc, kéo theo sự tăng trưởng mờ mịt trong tương lai. Ngoài ra, theo Ngân hàng Thế giới (WB), sự sụp đổ của hệ thống dịch vụ tiện ích cơ bản và ngành y tế bị tàn phá ở nơi đây đã khiến nhiều người chết vì bệnh tật và thiếu thốn các chăm sóc y tế hơn là từ các vụ đánh bom và các hoạt động quân sự khác.
Syria vốn là một nền kinh tế nằm trong mức trung bình của thế giới, phát triển dựa trên ba mũi nhọn nông nghiệp, dầu mỏ, công nghiệp và dịch vụ. Nông nghiệp từng đóng góp tới 25% GDP và thu hút 42% lực lượng lao động tại nước này. Hai thập kỷ 1960 và 1970 là thời kỳ phát triển cực thịnh của Syria, khi tăng trưởng kinh tế có lúc đạt tới con số 336%. Trước khi rơi sâu vào bế tắc của cuộc nội chiến, mức tăng trưởng của Syria vẫn được duy trì khoảng từ 4-6%.
Theo Báo cáo từ phòng công nghiệp Damascus, đến năm 2016, Syria không thể xuất khẩu để thu về ngoại tệ, các nhà máy bị cướp bóc và kiểm soát bởi các nhóm vũ trang. Phần lớn các ngành công nghiệp Syria đã giảm sút khoảng 50-60%.
Sự trừng phạt của quốc tế lên chính phủ Syria đang bào mòn cuộc sống của từng người dân nơi đây. Trước chiến tranh, cứ 50 Lira đổi được 1 USD, nhưng đến nay, phải hơn 500 Lira mới bằng 1 USD. Vấn nạn kinh tế biến phần lớn tầng lớp trung lưu ở quốc gia này quay về mức nghèo khổ. Lạm phát đã tăng 400% kể từ năm 2011, khiến 2/3 người dân sống trong mức nghèo khổ cùng cực.
Đối với các nhà đầu tư quốc tế, điều thực sự thử thách họ là các tác động tiềm tàng từ các cuộc không kích của phương Tây và bạo lực gia tăng ở khu vực Trung Đông đối với chứng khoán, trái phiếu và tiền tệ. Ở mảnh đất này, những thứ như cổ phiếu từ lâu đã được đánh giá quá cao nhưng thật mong manh.
Con số 1.170 tỷ USD được tạm tính là tổng thiệt hại của Syria trong giai đoạn đất nước này chìm trong nội chiến. Tuy nhiên, cuộc không kích với những toan tính của các “ông lớn”, có thể đã tiếp tục bồi thêm một cú đánh "knock – out” vào nền kinh tế, một cuộc khủng hoảng mới có thể đang đợi Syria.
Theo hãng tin Tass, trong cuộc họp mới đây với phái đoàn Nga ở Damascus, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho rằng, “vấn đề quan trọng của kinh tế Syria hiện nay là phục hồi cơ sở hạ tầng, sẽ cần tới không dưới 400 tỷ USD và phải mất từ 10 đến 15 năm".