Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên được bầu làm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. |
Chiều nay, Quốc hộihọp riêng về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở Đoàn và kết quả phiếu xin ý kiến về việc bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV;
Sau đó Quốc hội bầu Ban kiểm phiếu, tiến hành quy trình bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Quốc hội nghe Trưởng Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu.
Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 đối với bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Thái Nguyên và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Đinh Tiến Dũng thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 đối với bà Nguyễn Thanh Hải bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 450 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,40% tổng số ĐBQH); có 449 đại biểu tán thành (bằng 92,20% tổng số ĐBQH); có 1 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số ĐBQH).
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Đinh Tiến Dũng bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 445 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91,38% tổng số ĐBQH); có 440 đại biểu tán thành (bằng 90,35% tổng số ĐBQH); có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,62% tổng số ĐBQH); có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,41% tổng số ĐBQH).
Trong ngày hôm nay, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiến hành các nội dung sau:
* Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
* Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, kết quả như sau: có 460 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94.46 % tổng số ĐBQH); có 459 đại biểu tán thành (bằng 94.25 % tổng số ĐBQH); có 01đại biểu không biểu quyết (bằng 0.21 % tổng số ĐBQH).
* Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, có 24 lượt đại biểu phát biểu ý kiến, 04 lượt ý kiến tranh luận. Qua phát biểu, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Công chứng và đồng ý với nhiều nội dung cơ bản của dự thảo luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý nhiều vấn đề cụ thể, phân tích, đánh giá những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất phương án chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung, nhiều điều khoản của dự thảo luật, cụ thể như: về các hành vi bị nghiêm cấm; tiêu chuẩn bổ nhiệm, quyền và nghĩa vụ công chứng viên; công chứng viên rút vốn khỏi Văn phòng công chứng; thẻ công chứng viên; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên; tuổi của công chứng viên; đào tạo nghề công chứng; thành lập phòng công chứng; mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng; bổ sung loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh; đề xuất mở rộng phạm vi giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính; cân nhắc cho phép thành lập văn phòng công chứng do 1 thành viên tại vùng sâu, vùng xa; chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng; thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng; thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch; công chứng bản dịch; giá trị pháp lý của văn bản công chứng; thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản; tuyên bố vô hiệu của Tòa án; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng;…
Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý một số quy định như: quy định về điều kiện, quyền, nghĩa vụ của trợ lý công chứng viên; làm rõ vai trò, sự cần thiết của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên; quy định cấm quảng cáo trong hoạt động công chứng; bổ sung trường hợp tạm ngừng hoạt động của văn phòng công chứng; bổ sung việc liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu và quyền khai thác cơ sở dữ liệu; quy định rõ trách nhiệm của người phiên dịch đối với tính xác thực và hợp pháp của nội dung bản dịch; cân nhắc việc bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm của công chứng viên;…
Kết thúc thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
* Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe: (i) Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội; (ii) Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.
* Quốc hội thảo luận ở tổ về: (i) Các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024; (ii) Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội.