📞

Bia đá cổ Italy vén màn bí ẩn xã hội cổ đại

16:24 | 01/04/2016
Các nhà khảo cổ hy vọng tấm bia đá cổ 2.500 tuổi bí ẩn sẽ cung cấp thêm hiểu biết về xã hội cổ đại.
Tấm bia đá cổ được các nhà khoa học phát hiện ở Florence, Italy. (Nguồn:  UPI)

Một tảng đá sa thạch nặng khoảng 800kg vừa được phát hiện tại khu vực khai quật Poggio Colla - ở phía Đông Bắc của tỉnh Florence, Italy.  

Phiến đá này, được các nhà khảo cổ xác định là một tấm bia, đã được tìm thấy dưới nền móng của một ngôi đền Etruscan (tên gọi một nền văn minh cổ đại ở nơi ngày nay là Italy) ở vùng Tuscany. Nó có một số ký hiệu mà nhiều nhà nghiên cứu tin rằng đó là chữ viết của một nền văn minh và một xã hội cổ chưa bao giờ được nghiên cứu đầy đủ.

Do việc tìm kiếm được cổ vật Etruscan là rất hiếm, các nhà khoa học cho rằng việc phát hiện tấm bia là một phát hiện lớn, có thể giúp các chuyên gia có được cái nhìn sâu sắc hơn vào tôn giáo của nền văn minh cổ đại này.

"Chúng tôi hy vọng sẽ tìm hiểu được ngôn ngữ Etruscan" nhà khảo cổ học Gregory Warden, một giáo sư tại trường Đại học Southern Methodist (Mỹ) cho biết. "Chữ viết của họ rất hiếm gặp, vì vậy sẽ có những từ mới mà chúng ta chưa bao giờ thấy trước đây”.

"Đây có lẽ là một văn bản kinh thánh, sẽ cho chúng tôi biết về hệ thống tín ngưỡng sơ khai của một nền văn hóa đã bị mất, mà đó là nền tảng cho truyền thống phương Tây" – ông Warden cho biết, nhấn mạnh rằng tấm bia có khả năng đã từng được trưng bày ở đền thờ như một biểu tượng của quyền lực.

Dựa trên những gì các nhà nghiên cứu đã biết về nền văn minh cổ này, cách sống của người Etruscan đã ảnh hưởng nhiều tới những người La Mã cổ đại trên nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như tôn giáo, chính phủ, nghệ thuật và kiến ​​trúc. Bia này có ít nhất 70 chữ và dấu chấm câu có thể đọc được, ông Warden cho biết. 

(theo UPI)