Tổng thống Biden có tỷ lệ ủng hộ vượt gấp rưỡi cựu Tổng thống Trump trong 100 ngày đầu cầm quyền. (Nguồn: FT) |
Chiến dịch tiêm chủng thần tốc cùng những gói cứu trợ khủng đã giúp Tổng thống Joe Biden nhận tỷ lệ ủng hộ vượt gấp rưỡi cựu Tổng thống Trump trong 100 ngày đầu cầm quyền.
Tuy nhiên, trong cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng đã chỉ ra rõ sự chia rẽ đảng phái sâu sắc ở Mỹ về các vấn đề đường hướng chính sách, trong đó có chính sách kinh tế.
Có 81% đảng viên Cộng hòa hoặc những người nghiêng về đảng Cộng hòa không ủng hộ chính sách mới của ông Biden, trong khi 93% đảng viên Dân chủ hoặc những người nghiêng về đảng Dân chủ tán thành mạnh mẽ chính sách của tân Tổng thống.
“Bây giờ hoặc không bao giờ”
Trong bối cảnh luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD đang được triển khai, dự luật cơ sở hạ tầng trị giá hai nghìn tỷ USD được đề xuất và Kế hoạch gia đình Mỹ trị giá 1,8 nghìn tỷ USD đang được ông Biden yêu cầu Quốc hội thông qua, một số chuyên gia thậm chí đã so sánh Tổng thống Biden với cố Tổng thống Franklin D. Roosevelt và chính sách “Kinh tế mới” nổi tiếng được đề xuất vào năm 1933.
Ông Roosevelt, người đầu tiên và duy nhất đã phá vỡ tiền lệ của nước Mỹ, giành chiến thắng trong bốn cuộc bầu cử liên tiếp, là một trong các nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX. Lịch sử đánh giá ông đã vượt qua những thách thức về mặt chính trị và đời sống cá nhân, đưa nước Mỹ vượt qua cuộc đại khủng hoảng kinh tế trong thập niên 30 của thế kỷ XX.
Hiện tại, với những vấn đề còn tồn tại trong nền kinh tế Mỹ, có lẽ bài kiểm tra tốt nhất về cam kết của ông Biden đối với những thay đổi trong nền kinh tế sẽ là mức độ sẵn sàng thỏa hiệp, hoặc không, đối với các đề xuất mới về gói cơ sở hạ tầng trị giá hai nghìn tỷ USD và Kế hoạch gia đình Mỹ với 1,8 nghìn tỷ USD hay không.
Tuy nhiên, việc chi tiêu mạnh tay của ông Biden hiện vẫn gây tranh cãi. Bidenomics trong 100 ngày đầu, với các đề xuất kích thích kinh tế trị giá nhiều nghìn tỷ USD, đã phá vỡ các nguyên tắc chủ nghĩa tự do kiểu mới truyền thống của Mỹ.
Hướng đi mới, táo bạo của Tổng thống Biden được cho là do có sự hậu thuẫn lớn từ những lá phiếu của đảng Dân chủ, hiện đang chiếm ưu thế ở cả lưỡng viện. Nếu không có được lợi thế đó, một sự thay đổi mang tính phá cách như vậy không dễ dàng nhận được sự ủng hộ ở Quốc hội Mỹ. Vì vậy, có khả năng Nhà Trắng cảm nhận được rằng, “bây giờ hoặc không bao giờ”, họ có thể nắm giữ một cơ hội duy nhất, để có thể thực hiện các cải cách kinh tế trên diện rộng và lâu dài.
Ngoài ra, để bảo vệ những chính sách đầy tham vọng, ông Biden cũng nhiều lần sử dụng luận điểm then chốt, đó là cạnh tranh với Trung Quốc. Nhiều nhà bình luận mô tả đây là một chiến lược chính trị, nhưng cũng không ít người cho rằng, có một mối liên hệ nào đó về tư duy kinh tế. Đặc biệt, trong giai đoạn này, không chỉ nước Mỹ mà kinh tế toàn cầu đang trải qua một giai đoạn khó khăn mới do tác động từ dịch bệnh và khủng hoảng.
Việc làm của người Mỹ và Sản xuất tại nước Mỹ
Ngay từ khi ông Biden bước vào Nhà Trắng, các chính sách mới được đưa ra với các gói kinh tế khủng. Gói hỗ trợ thu nhập trực tiếp và bảo hiểm thất nghiệp chiếm 10% GDP; Kế hoạch cơ sở hạ tầng tương đương 18% GDP và tiếp theo là hai đề xuất dài hạn cũng rất “nặng ký” trị giá 2.000 USD, gồm chương trình Việc làm Mỹ và Gia đình Mỹ.
Dù vẫn đang phải chờ xem mô hình kinh tế mới của Tổng thống Biden sẽ qua “cửa” Quốc hội thế nào. Nhưng tư duy kinh tế tổng thể của Chính phủ Mỹ dường như đã bỏ qua các nguyên tắc cốt lõi vốn có.
Ông Biden cũng không chỉ từ bỏ sự thận trọng về ngân sách trước đây, mà còn bỏ qua niềm tin của những người theo chủ nghĩa tự do mới - vốn tập trung vào các giá trị của một nền kinh tế toàn cầu, về quy định giảm giám sát và đánh thuế thấp, khôi phục sự quan tâm đến Luật chống độc quyền và thuế doanh nghiệp toàn cầu.
Dường như không còn quan tâm đến những nguyên tắc như, “chính phủ tối thiểu, chi tiêu tối thiểu, đánh thuế tối thiểu, điều tiết tối thiểu và can thiệp trực tiếp tối thiểu vào nền kinh tế”, lần đầu sau ít nhất 50 năm, Tổng thống Mỹ công khai thúc đẩy vai trò của tổ chức công đoàn và cải cách ưu tiên lao động.
Ngoài ra, giống như người tiền nhiệm, ông Biden không còn tích cực ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế nữa mà tập trung vào “Việc làm của người Mỹ và Sản xuất tại nước Mỹ”.
"Gống như người tiền nhiệm, ông Biden không còn tích cực ủng hộ toàn cầu hóa kinh tế nữa mà tập trung vào “Việc làm của người Mỹ và Sản xuất tại nước Mỹ”. |
Ngay thành phần Hội đồng Cố vấn kinh tế của ông Biden đã cho thấy tư duy kinh tế mới này. Những cái tên như Cecilia Rouse, Jared Bernstein… từ lâu đã ủng hộ việc mở rộng các chương trình phúc lợi xã hội để cải thiện nền kinh tế tổng thể.
Rõ ràng những thay đổi trong tư duy kinh tế của chính quyền Tổng thống Biden là cấp tiến, ngay cả đối với chính bản thân Tổng thống.
Cách đây 40 năm, với tư cách Thượng nghị sĩ, ông Biden đã ủng hộ việc cắt giảm thuế của cựu Tổng thống Ronald Reagan. Khi làm Phó cho cựu Tổng thống Barack Obama, ông ủng hộ thương mại tự do, trách nhiệm tài khóa thận trọng và kế hoạch cứu trợ doanh nghiệp.
Tất nhiên, quy tắc thì vẫn có ngoại lệ, như trong cuộc khủng hoảng lớn như đại dịch Covid-19 này, những người theo chủ nghĩa tự do mới cũng đã chấp nhận các chính sách tài khóa và tiền tệ tích cực và các kế hoạch kích thích mạnh mẽ.
Trên thực tế, những gì Bidenomics thể hiện đã đi xa hơn bất kỳ nỗ lực nào trong lịch sử. Xét về tỷ lệ phần trăm GDP, chi tiêu được phê duyệt đã tăng gấp đôi so với gói kích thích năm 2009 của cựu Tổng thống Obama và theo cách so sánh hợp lý, kế hoạch mới nhất của ông có khả năng vượt lên trên cả chính sách “Kinh tế mới” của cựu Tổng thống Roosevelt.
Tuy nhiên, hiện nay khi có người coi “chính sách kích thích của ông Biden là bình minh của kỷ nguyên mới”, thì cũng có người gọi đó là “sự đoạn tuyệt hoàn toàn với chủ nghĩa tự do mới”.
Nhà Trắng thì ca ngợi những chính sách mới của ông Biden là những chính sách tiến bộ nhất trong một thời gian dài ở nước Mỹ. Tuy nhiên, còn rất nhiều thời gian trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Biden và lịch sử có thể có một bức tranh khác rất nhiều về Bidenomics trong bốn năm nữa.