Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch của các tỉnh Bắc - Nam Trung bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, từ đó đưa ra các giải pháp liên kết phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch của các tỉnh, thành phố trong vùng. Qua đó đẩy mạnh liên kết và thúc đẩy du lịch các tỉnh Bắc - Nam Trung Bộ phát triển phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời tìm cơ hội hợp tác giữa các bên liên quan trong quản lý, đầu tư và liên kết phát triển du lịch.
Vùng Nam Trung Bộ được đánh giá là khu vực giàu tiềm năng, với nhiều điểm du lịch đặc sắc, hấp dẫn. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cho rằng, cần tìm một hướng đi cho du lịch các tỉnh khu vực này nhằm khai thác có hiệu quả thế mạnh tài nguyên du lịch của mỗi địa phương; đồng thời, từng bước liên kết tạo điểm đến chung trên cơ sở hình thành chuỗi các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn để thu hút du khách là việc làm rất cần thiết và cấp bách.
Với vai trò là đơn vị khởi xướng ý tưởng, đồng tổ chức và tài trợ, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà đề xuất một số giải pháp liên kết phát triển du lịch Bắc - Nam Trung Bộ giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, đổi mới tư duy, nhận thức, gắn với mở rộng không gian du lịch khu vực Bắc - Nam Trung bộ là yếu tố tiên quyết. Cụ thể, Chính phủ, bộ ngành trung ương và các địa phương trong vùng cần xem vùng Bắc - Nam Trung bộ là một thực thể thống nhất; tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy liên kết phát triển du lịch, mở rộng không gian du lịch khu vực Bắc - Nam Trung Bộ trong thời gian tới.
Các địa phương trong vùng cũng cần đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch; sớm phối hợp với Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung xây dựng kế hoạch liên kết phát triển du lịch khu vực Bắc - Nam Trung bộ trong mối liên kết với vùng trọng điểm kinh tế miền Trung. Trong đó tập trung đẩy mạnh liên kết trong công tác quy hoạch; phát triển hạ tầng giao thông; kết nối các đường bay nội địa và quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; và xây dựng các chương trình, tour, tuyến du lịch liên vùng như du lịch di sản (từ Thanh Hóa đến Quảng Nam), du lịch tâm linh (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế), du lịch biển đảo (từ Đà Nẵng đến Bình Thuận).
Ngoài ra, việc tăng cường kết nối du lịch với quốc tế và các vùng khác trong cả nước cũng cần đẩy mạnh; cùng đó là nâng cao chất lượng quy hoạch, gắn với phân công triển khai cụ thể đối với từng địa phương trong vùng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm triển khai xây dựng quy hoạch không gian du lịch thống nhất của toàn vùng.
Hội thảo cũng đã chứng kiến lễ ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch quan trọng giữa 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc - Nam Trung Bộ. Nội dung các thỏa thuận tập trung vào hợp tác trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch và phát triển nhân lực du lịch.