📞

Biến đau thương thành tình yêu và sức mạnh

14:00 | 18/11/2016
Ngày 13/11 vừa qua đánh dấu tròn 1 năm thảm kịch khủng bố đẫm máu xảy ra giữa thủ đô Paris hoa lệ.

Nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai. Sự bất an bủa vây. Tuy nhiên, chính nỗi đau và sự bất an đó đã kết thành tình yêu, sức mạnh và lòng kiên cường cho người dân nước Pháp để họ ngẩng cao đầu thách thức chủ nghĩa khủng bố và cùng nhau tiến lên phía trước.

Ký ức kinh hoàng và nỗi đau không dứt

Ngày 13/11 vừa qua, tại Paris đã diễn ra một loạt hoạt động tưởng niệm có ý nghĩa dành cho 130 nạn nhân vô tội thiệt mạng trong loạt trận khủng bố kinh hoàng xảy ra 1 năm trước. Các hoạt động diễn ra theo thứ tự tại các địa điểm bị tấn công, mở đầu tại sân vận động Stade de France, sau đó là các quán cà phê ở Quận 10 và 11 của Paris, rồi đến nơi ám ảnh nhất là nhà hát Bataclan.

Tại sân vận động Stade de France, trận bóng đá giao hữu giữa hai đội tuyển Pháp và Thụy Điển đã diễn ra sau khi các cầu thủ và khán giả dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ các nạn nhân trong loạt vụ tấn công khủng bố ngày 13/11. Ở các địa điểm khác, người dân tụ tập đặt hoa, đốt nến và thả bóng bay để bày tỏ sự tiếc thương. Tại nhà hát Bataclan – nơi chứng kiến sự tàn bạo, vô nhân tính nhất của khủng bố, ca sỹ nhạc rock nổi tiếng của nước Anh Sting có buổi trình diễn đánh dấu sự mở cửa trở lại của nơi này. Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thị trưởng Paris Anne Hidalgo đến tưởng niệm các nạn nhân khủng bố ở tất cả các địa điểm bị tấn công.

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thị trưởng Paris Anne Hidalgo dự lễ tưởng niệm bên ngoài nhà hát Bataclan, ngày 13/11. (Nguồn: Reuters)

Một số người đã khóc khi nhớ lại ký ức kinh hoàng của một đêm thứ Sáu thanh bình. Những tên khủng bố khát máu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đồng loạt tấn công 8 địa điểm ở bên trong và xung quanh thủ đô Paris, cướp đi sinh mạng của 130 người dân vô tội và làm bị thương gần 500 người. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất, gây chết chóc nhiều nhất ở nước Pháp kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Sự hoảng loạn và lo sợ bao trùm thành phố khi hai nhóm khủng bố thực hiện các cuộc tấn công đồng thời. Một nhóm tấn công vào sân vận động Stade de France, ngay bên ngoài Paris trong khi nhóm kia bắn xối xả vào các quán bar và quán cà phê ở quận 10 và 11. Khoảng 20 phút sau, nhóm tấn công thứ hai xông thẳng vào nhà hát Bataclan và gây ra một cuộc tấn công đẫm máu và man rợ. 

Cả thế giới bàng hoàng, rúng động trước loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris và Tổng thống Hollande phải nhanh chóng tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Pháp. Một năm sau, gia đình của những nạn nhân thiệt mạng vẫn không thể nguôi ngoai được nỗi đau trước mất mát quá lớn đối với họ. Chín người vẫn phải điều trị trong bệnh viện, nhiều người khác bị liệt, trong khi hàng trăm người khác phải điều trị tâm lý. Người dân nước Pháp vẫn sống trong sự thấp thỏm, lo âu. Tình trạng khẩn cấp tiếp tục được áp đặt ở nước Pháp và có thể còn kéo dài.

Nước Pháp đổi thay

Cũng như nhiều nơi khác ở châu Âu từng phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố, nước Pháp nói chung và Paris nói riêng đã thay đổi. Cuộc sống vẫn phải tiếp tục nhưng rõ ràng nó không còn như trước. Người dân giờ đây phải ổn định cuộc sống trong một “sự bình thường” khác lạ khi hàng ngày họ bị phân tâm trước nhiều cảnh tượng, âm thanh và sự bất tiện không quen thuộc.

Có lẽ, sự thay đổi rõ rệt nhất là việc người ta thấy bóng dáng lực lượng vũ trang xuất hiện khắp nơi. Paris đang chứng kiến một chiến dịch triển khai quân sự lớn nhất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Trong 10.000 binh sĩ được triển khai khắp toàn quốc, hơn 6.500 người đóng tại Paris. Người dân Paris phải học cách làm quen với hình ảnh binh sĩ xuất hiện khắp các ga tàu ngầm, bảo tàng, những con phố lớn hay các địa điểm tôn giáo. Họ cũng không còn lạ với các vụ sơ tán khẩn cấp xảy ra thường xuyên hơn vì những bọc gói hay những phương tiện đáng nghi. Cảm giác bất an dường như bủa vây họ.

Tuy nhiên, giữa nỗi đau như vẫn còn “sờ” thấy được và giữa sự âu lo đó, tình đoàn kết, gắn bó và yêu thương đã nảy nở. “Dù vẫn có sự lo ngại trong mỗi người dân nước Pháp, đã có thêm nhiều yêu thương hơn… Ngược với những gì bạn có thể tưởng tượng, những cuộc tấn công khủng bố khiến chúng tôi muốn ở gần nhau hơn, đoàn kết với nhau hơn”, ông Gregory Reibenberg – người có vợ là Djamila đã chết trong tay ông ở quán cà phê La Belle Equipe cùng với 18 người bạn, đồng nghiệp và khách quen khác, tâm sự. “Những cuộc tấn công đã đoàn kết chúng tôi lại với nhau theo một cách mạnh mẽ, thậm chí dù cho chúng gây ảnh hưởng đến tận cùng cảm xúc của chúng tôi”, ông Reibenberg nói.

Geraldine – một người phụ nữ Pháp khác, cũng cho rằng: “các cuộc tấn công khủng bố đã tạo ra một sự gắn bó, đoàn kết và yêu thương. Tôi cảm thấy như mình đang sống ở một ngôi làng – cảm giác này rất hiếm khi sống ở một thành phố như Paris. Những người hàng xóm trở nên thân thiết và quan tâm đến nhau nhiều hơn”. “Cuộc sống không phải là một dòng sông phẳng lặng nhưng cuộc sống rất đẹp!”, Geraldine nói.