Biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiều vùng đất mất khả năng canh tác và buộc hàng tỷ người phải di cư. (Nguồn: Indiatimes) |
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) dự báo, do biến đổi khí hậu gây sức nóng cực độ, con người sẽ không còn khả năng làm mát theo cách tự nhiên và sẽ buộc phải di chuyển đến những vùng mát, khi nguy cơ tử vong trở nên lớn hơn.
Nhóm liên ngành gồm các nhà nghiên cứu từ Trường Cao đẳng Y tế và Phát triển Con người bang Pennsylvania, Trường Đại học Khoa học Purdue và Viện Nghiên cứu Purdue vì một tương lai bền vững (Mỹ) đã phát hiện ra rằng, nếu nhiệt độ tăng vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nhiều quốc gia có thu nhập thấp sẽ trở thành nơi có thể sinh sống được vì ở đó nhiệt độ tương đối dễ chịu hơn so với các quốc gia có nền công nghiệp phát triển.
Nhưng bên cạnh đó, biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiều khu vực trở nên cực kỳ nóng trong những năm tới. Hàng tỷ người ở châu Mỹ, châu Á và vùng Trung Đông có thể sẽ buộc phải di cư đến những nơi mát mẻ hơn khi nhiệt độ tiếp tục tăng.
Theo nhóm nghiên cứu, kể từ sau cuộc Cách mạng Công nghiệp vào cuối thế kỷ 18, nhiệt độ trên khắp thế giới đã tăng thêm 1 độ C.
Mức gia tăng 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp sẽ khiến hơn 4 tỷ người sống ở Ấn Độ, Pakistan, miền đông Trung Quốc và vùng châu Phi cận Sahara phải trải qua cái nóng không thể chịu đựng được.
Mức gia tăng 3 độ C sẽ làm tăng nền nhiệt độ trên khắp vùng Bờ Đông nước Mỹ, miền trung nước Mỹ, vùng Nam Mỹ, và Australia.
Nhóm nghiên cứu khẳng định rằng, việc giảm triệt để lượng khí thải nhà kính là biện pháp bảo vệ duy nhất chống lại biến đổi khí hậu.