Nhỏ Bình thường Lớn

Biến đổi khí hậu: Thủ phạm giấu mặt!

Theo các chuyên gia về biến đổi khí hậu, thời tiết biến đổi đang là nguyên nhân chính gây ra mưa lũ ở Pakistan, cháy rừng ở Nga, lở đất ở Trung Quốc và lũ lụt ở Trung Âu... Đây cũng là bằng chứng cho thấy sự nóng lên toàn cầu bởi chính con người đã “phản pháo” trở lại như cảnh báo của giới khoa học.
Lở đất ở Trung Quốc.

Trong khi Nga, Bồ Đào Nha đang phải vật lộn với cháy rừng cùng nắng nóng kỷ lục, thì lũ lụt tấn công Pakistan, Trung Quốc và các nước Trung Âu, khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Gần như cùng một lúc, nhân loại phải dồn dập hứng chịu những thảm họa bởi những bất thường về thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra.

Quả thực, gần 14 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi những trận mưa xối xả ở Pakistan, gây nên thảm họa kinh hoàng còn hơn cả sóng trận sóng thần năm 2004 và những trận động đất gần đây ở Kashmir và Haiti cộng lại. Theo ước tính của Chính phủ Pakistan, nước này đang phải đối phó với trận lũ tồi tệ nhất trong vòng 80 năm nay, làm thiệt mạng ít nhất 1.600 người và ảnh hưởng đến 13,8 triệu người khác. LHQ cho hay, Pakistan sẽ cần đến hàng tỷ USD viện trợ để hồi phục sau thiên tai. Ngay bên cạnh Pakistan, ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, lũ lụt cũng đã cướp đi sinh mạng của 140 người, chưa kể 500 người được coi là mất tích.

Còn tại Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã, tính đến nay đã có ít nhất hơn 700 người thiệt mạng và hơn 1.000 người mất tích trong trận lở đất kinh hoàng ngày 7/8 ở làng Nguyệt Viên, huyện Châu Khúc (Cam Túc). Địa hình Châu Khúc thực ra đã bị "hổng chân" do hứng chịu chấn động dữ dội từ trận động đất Tứ Xuyên hồi năm ngoái, nên chỉ một trận mưa như trút trong hơn 40 phút đêm 7/8 đã khiến dãy núi bao quanh làng Nguyệt Viên không còn sức chịu đựng và đổ ụp xuống khu dân cư. Vụ lở đất này được đánh giá là "tồi tệ nhất trong vòng 60 năm qua" ở Trung Quốc.

Trong lúc đó, tại Trung Âu, hơn 10 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị mất tích khi mưa lớn kéo dài khiến các dòng sông và con đập ở các nước như Ba Lan, Đức, Czech bị vỡ bờ. Hồi tháng 5, tháng 6, lũ lụt tồi tệ cũng cướp đi sinh mạng của 22 người ở Ba Lan, 6 người ở Czech.

Cùng thời gian này, nước Nga đang vất vả đối phó với nạn cháy rừng dữ dội nhất trong lịch sử, làm cho hơn 1.300 người bỏ mạng do ngạt thở vì nhiệt độ cao bất thường và khói bụi. Ông Alexander Frolov, Lãnh đạo cơ quan dự báo thời tiết Rosgidromet của Nga, cho biết đợt nắng nóng từ đầu tháng 7 đến nay kéo theo những đợt cháy rừng khổng lồ được mô tả là "tồi tệ nhất trong hơn 1.000 năm qua".

Theo Giáo sư Friedrich-Wilhelm Gerstengarbe ở Viện Nghiên cứu về tác động khí hậu tại Potsdam (Đức), rất hiếm xảy ra bốn hiện tượng thiên tai bất thường cùng lúc như trên. Vì vậy, các chuyên gia LHQ cũng như ở các trường đại học trên khắp thế giới đều nhận định rằng "những sự kiện thời tiết bất thường" gần đây chứng tỏ sự nóng lên toàn cầu đã và đang tiếp diễn.

Tiến sĩ Peter Stott, Giám đốc Cơ quan Khí tượng Thủy văn Anh (MET), cho rằng tuy không thể đổ lỗi cho bất cứ sự kiện thời tiết nào trên đây là chỉ do sự nóng lên toàn cầu, song đây là bằng chứng rõ ràng về sự gia tăng cấp độ của biến đổi khí hậu. Ông cảnh báo: "Những sự kiện thời tiết bất thường như thế này ngày càng nhiều và có thể trở thành bình thường vào giữa thế kỷ này". Tiến sĩ Stott cũng cho biết sự nóng lên toàn cầu có xu hướng làm cho các sự kiện thời tiết ngày càng dữ dội hơn.

Chuyên gia Omar Baddour của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cũng đồng quan điểm. Ông cho biết, về tần suất cũng như cường độ, mỗi năm thời tiết lại lập kỷ lục mới, thậm chí nhiều kỷ lục bị vượt chỉ trong một tuần. Ví dụ ở Nga, nhiệt độ nóng 38,2°C ở Mátxcơva vào cuối tháng 7 đã thuộc hạng nóng nhất trong 130 năm qua, tuy nhiên kỷ lục này đã bị hạ vào đầu tháng 8.

Giáo sư Andrew Watson, nhà khí tượng học ở Đại học East Anglia cho biết "những sự kiện thời tiết dữ dội này tương đối sát với các dự báo về tác hại của sự nóng lên toàn cầu do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) đưa ra từ 20 năm trước và 99% các nhà khoa học tin rằng nó đang xảy ra".

Tuy không thể kết luận khí hậu nóng lên là nguyên nhân trực tiếp, nhưng những thiên tai diễn ra liên miên tại Trung Quốc, Pakistan hay tại một loạt quốc gia Đông Âu khác, trong đó có Nga, ít nhiều vẫn được coi là những minh chứng cho kết luận của IPCC rút ra trước đó rằng sự biến đổi khí hậu toàn cầu chính là "thủ phạm giấu mặt".

Hoàng Minh (Theo Telegraph, Xinhua)