Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines, trong đó bày tỏ mối quan ngại chung về tình hình ở Biển Đông. (Nguồn: AFP) |
Trước đó, hôm 21/3 vừa qua, hơn 200 tàu do lực lượng dân quân biển của Trung Quốc điều khiển, đã bị phát hiện neo đậu tại Đá Ba Đầu, một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho biết, ông đã trao công hàm ngoại giao phản đối sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở khu vực này.
Manila cũng cảnh báo việc hàng trăm tàu Trung Quốc có dấu hiệu "bành trướng" ở Biển Đông đang làm căng thẳng mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh và có thể dẫn đến "những xung đột không mong muốn".
Liên quan vụ việc này, Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS 1982 về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và Tuyên bố của các bên về cách ứng xử trên Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Mới đây, tại họp báo thường kỳ chiều 8/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến liên quan đến Biển Đông, bảo vệ, thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, trên các vùng biển Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982".