📞

Biến động ngạc nhiên trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam

Chu Văn 10:26 | 03/07/2021
Chứng khoán Việt Nam liên tục lập kỷ lục, vượt mốc lịch sử, tài sản của các tỷ phú Việt giàu nhất sàn chứng khoán cũng biến đổi đáng ngạc nhiên.
Chứng khoán tăng mạnh, Bảng xếp hạng mười người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam thay đổi. (Nguồn: vn.sputniknews.com)

Việt Nam hiện đang có 7 tỷ phú USD, trong đó vợ chồng Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, ông chủ Novaland và Phát Đạt cũng xuất hiện trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Biến động khối tài sản tỷ phú Việt trên sàn chứng khoán

Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 biến động khá tích cực khi chỉ số liên tục phá đỉnh, lập kỷ lục mới kéo theo sự tăng giá lan tỏa ở hầu hết nhóm cổ phiếu cũng như khối tài sản của các đại gia giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Khối tài sản của các tỷ phú Việt tăng mạnh nhờ giá cổ phiếu tăng và triển vọng tích cực về đầu tư trên các sàn giao dịch chứng khoán dẫn đến những thay đổi đáng kể trong ‘bảng xếp hạng’ những người giàu nhất Việt Nam, đặc biệt là ở mảng chứng khoán.

Đáng chú ý, các chỉ số chứng khoán Việt Nam những phiên vừa qua liên tục tăng điểm và thiết lập đỉnh mốc lịch sử. Phiên 1/7 chứng kiến VN-Index tăng mạnh 8 điểm lên trên 1.417 điểm. Ngoài ra, chỉ trong vòng 3 tháng qua, VN-Index đã tăng 16,5%, trong đó có nhiều cổ phiếu trên sàn tăng phi mã, có mã tăng tới hơn 200%.

Kéo theo đó, danh sách các tỷ phú Việt giàu nhất trên sàn chứng khoán ghi nhận 7 cá nhân có tài sản vượt trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý, trừ ‘túi tiền’ của nữ tỷ phú tự thân đầu tiên Việt Nam - bà chủ hãng hàng không Vietjet có thâm hụt nhẹ, các đại gia Việt khác đều sở hữu khối tài sản tăng nhanh đáng chú ý.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng giàu nhất sàn chứng khoán Việt

Với thế mạnh là công nghiệp sáng tạo, bất động sản (nhà ở, công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng…), đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái của Vingroup (VIC) khi lợi nhuận xuống mức thấp nhất từ năm 2017.

Điển hình như mảng du lịch nghỉ dưỡng của Vingroup phải chịu khoản lỗ 12.065 tỷ đồng trong năm 2020 và chưa có nhiều tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm 2021.

Ngoài ra, mảng công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn nhất định với mức lỗ 12.386 tỷ đồng năm ngoái, thậm chí, Vingroup gần đây phải dừng sản xuất điện thoại VinSmart để dồn lực đầu tư phát triển ưu tiên cho thương hiệu xe điện “made in Vietnam” đầu tiên VinFast.

Hoạt động kinh doanh còn đối mặt nhiều thách thức của Vingroup đặt trong bối cảnh chung lại hầu như không ảnh hưởng lớn đến cổ phiếu.

Giá trị VIC của Vingroup vẫn tăng 10% trong nửa năm qua lên 119.000 đồng/cổ phiếu. Nhờ đó, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup cũng tăng tương ứng 20.700 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê mới nhất, người giàu nhất Việt Nam hiện đang sở hữu khối tài sản hơn 228.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán, thông qua nắm giữ trực tiếp 876 triệu cổ phiếu VIC và nắm giữ gián tiếp 1,04 tỷ cổ phiếu VIC (bởi Tập đoàn Đầu tư Việt Nam).

Trong khi đó, theo dữ liệu real time được cập nhật trên Forbes, khối tài sản hiện có của tỷ phú Phạm Nhật Vượng là 8,1 tỷ USD và là người giàu thứ 344 trên thế giới.

Giá trị tài sản của người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh so với mức 7,3 tỷ USD được ghi nhận vào tháng 4/2021 và bỏ rất xa người xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng người giàu nhất Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và John Leahy, Giám đốc điều hành khách hàng của Airbus. (Nguồn: AFP/vn.sputniknews.com)

Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long ‘soán ngôi’ của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Từ tháng 4/2021, nhờ giá cổ phiếu Hòa Phát liên tục lập đỉnh, Chủ tịch Trần Đình Long vượt CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo để trở thành tỷ phú giàu thứ hai bảng xếp hạng những doanh nhân giàu nhất Việt Nam.

Như đã thông tin, giá cổ phiếu HPG tăng mạnh nhờ kết quả kinh doanh tích cực. Tính riêng quý đầu năm, Hòa Phát đã lãi kỷ lục hơn 7.000 tỷ đồng, thực hiện 39% kế hoạch năm. Chứng khoán Rồng Việt thậm chí dự báo lợi nhuận công ty có thể đạt khoảng 10.200 tỷ đồng trong quý II và lũy kế cả năm ở mức 34.000 tỷ đồng.

Theo đó, khối tài sản của ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tăng mạnh trong nửa đầu năm nhờ thị giá HPG tăng 69%.

‘Vua thép’ Trần Đình Long hiện đang sở hữu trực tiếp 864 triệu cổ phiếu HPG với giá trị thị trường gần 44.500 tỷ đồng, tăng gần 18.200 tỷ so với đầu năm.

Trong khi đó, theo bảng xếp hạng của Forbes, Chủ tịch Hòa Phát hiện sở hữu khối tài sản 3,5 tỷ USD, tăng so với con số 2,2 tỷ USD hồi tháng 4 vừa qua.

Biến động trong bảng xếp hạng người giàu nhất sàn chứng khoán Việt

Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam - bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Vietjet - ghi nhận tài sản giảm nhẹ 3 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021, đạt gần 27.000 tỷ đồng.

Theo đó, trên bảng xếp hạng của Forbes, tài sản nữ tỷ phú này ở mức 2,5 tỷ USD.

Mặc dù cổ phiếu Vietjet giảm gần 3% từ đầu năm nhưng cổ phiếu ngân hàng HDBank – nơi bà Thảo là Phó chủ tịch HĐQT - lại tăng mạnh gần 50%.

Được biết, hiện nay, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nắm giữ trực tiếp gần 60 triệu cổ phiếu HDBank và hơn 202 triệu cổ phiếu Vietjet.

Bà Thảo hiện giữ vị trí người giàu thứ 1.111 thế giới và xếp vị trí 52 trong danh sách Power Women 2019.

Trong khi đó, hai doanh nhân Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam Techcombank) và Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group) cũng giàu lên đáng kể.

Khối tài sản của hai doanh nhân này lần lượt tăng thêm gần 6.400 tỷ và 5.900 tỷ trong nửa năm qua, trở thành những người giàu thứ 4 và thứ 5 trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Trên bảng xếp hạng của Forbes, tài sản của ông Hồ Hùng Anh là 2 tỷ USD và ông Nguyễn Đăng Quang là 1,5 tỷ USD. Tài sản hai đại gia Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang tăng nhanh chủ yếu nhờ giá cổ phiếu tăng.

Trong đó, thị giá cổ phiếu của Masan tăng hơn 25%, còn cổ phiếu Techcombank tăng 67% từ đầu năm nay.

Việt Nam có thêm 2 tỷ phú bất động sản Bùi Thành Nhơn và Nguyễn Văn Đạt

Đáng chú ý, trong danh sách người giàu vượt 1 tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam có sự góp mặt của 2 đại gia mới trong lĩnh vực bất động sản. Đó là các doanh nhân Bủi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland (NVL) và Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR).

Theo đó, giá cổ phiếu phiếu NVL của Novaland có đà tăng ngoạn mục lên 121.000 đồng/cổ phiếu, gấp 2,5 lần chỉ trong nửa năm vừa qua.

Đồng thời, nhờ vào đà tăng này giúp tài sản Chủ tịch HĐQT Bùi Thành Nhơn cán mốc gần 38.400 tỷ đồng, xếp thứ 3 trên bảng xếp hạng người giàu. Tuy nhiên Chủ tịch Novaland hiện chưa có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes.

Về kế hoạch kinh doanh, đại diện Novaland cho biết định hướng tiếp tục đầu tư vào phân khúc bất động sản (BĐS) tầm trung và cao cấp với quỹ đất khoảng 5.400 ha, với tổng giá trị phát triển quỹ đất đạt 45 tỷ USD. Trong 10 năm tới, tập đoàn sẽ bổ sung quỹ đất thêm khoảng 10.000 ha.

Ngoài ra, trong năm 2021, Novaland đề ra kế hoạch doanh thu thuần 27.491 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.100 tỷ, tăng lần lượt 447% và 5% so với thực hiện năm trước. Trong năm 2021 này, Novaland sẽ phát triển các dự án ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng.

Trên bảng xếp hạng người giàu nhất sàn chứng khoán còn ghi nhận đà tăng khối tài sản của doanh nhân Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR).

Đại gia bất động sản này sở hữu khối tài sản tăng mạnh lên mức 27.800 tỷ đồng, tăng hơn 15.300 tỷ trong nửa năm qua, chủ yếu nhờ cổ phiếu PDR tăng phi mã hơn 120% cùng giai đoạn. Tuy nhiên, cũng như Chủ tịch Novaland, ông Đạt chưa xuất hiện trong bảng xếp hạng tỷ phú USD của Forbes.

Năm 2021, Công ty Phát Đạt đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 4.700 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.868 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 20% và 53% so với năm ngoái.

Vừa qua, doanh nghiệp của ông Nguyễn Văn Đạt đã chính thức sở hữu dự án Bình Dương Tower, qua đó nắm toàn quyền quyết định việc phát triển dự án có diện tích 45.510 m2 này.

Bầu Thụy, vợ ông Phạm Nhật Vượng và Chủ tịch Vicostone Hồ Xuân Năng

Ngoài ra, trong bảng xếp hạng người giàu nhất sàn chứng khoán cũng có một số biến động lớn đáng chú ý khác. Điển hình như, doanh nhân mới nổi Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) trở thành người giàu thứ 8 trên sàn chứng khoán với khoảng 18.700 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Thụy đang sở hữu trực tiếp gần 86 triệu cổ phiếu Thaiholdings (THD) và hơn 20 triệu cổ phiếu LienVietPostBank (LPB).

Đáng chú ý, Bầu Thụy được xem là nhà đầu tư F0 tiêu biểu rót lượng tiền khổng lồ vào thị trường chứng khoán Việt, ông cũng đồng thời đưa Thaiholdings lên sàn vào tháng 6/2020 và sau đó thâu tóm Thaigroup để thực hiện “niêm yết cửa sau” cho hệ sinh thái này. Bầu Thụy sau đó còn tham gia vào HĐQT LienVietPostBank cũng như rót tiền mua hơn 20 triệu cổ phiếu LPB.

Vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay gây nhiều tò mò. Người đứng ở vị trí này chính là bà Phạm Thu Hương (vợ Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng). Khối cổ phiếu VIC mà bà Hương đang nắm có giá trị gần 18.000 tỷ đồng.

Vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng là ông Hồ Xuân Năng - Chủ tịch Vicostone (VCS). Ông Năng hiện đang sở hữu khối tài sản 13.400 tỷ đồng nhờ cổ phiếu VCS tăng hơn 31% từ đầu năm 2021.

Đồng thời, hiện tại, Việt Nam cũng chỉ mới có 1 tỷ phú USD chưa đưa cổ phiếu lên sàn là Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương.

(theo Sputnik)