Đây là nhận định của Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tại Hà Nội vào sáng 21/8.
Theo ông Sơn, trong lĩnh vực nông nghiệp, sau 30 năm đổi mới, thành công vĩ đại nhất, rõ rệt là lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn. Mọi người đều công nhận thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đã phát triển hết mức hay chưa, người nông dân là người thụ hưởng đúng mức mức độ sản xuất hay chưa?
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 21/8. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Năng lực cạnh tranh không trọn vẹn
Quay trở lại thời điểm năm 2008, Giáo sư Michael E. Porter, Trường Đại học Kinh doanh Harvard (Hoa Kỳ) - bậc thầy về chiến lược cạnh tranh đến thăm Việt Nam và chủ trì cuộc hội thảo quốc tế “Cạnh tranh toàn cầu và lợi thế của Việt Nam”. Giáo sư Michael E. Porter đã nêu một số trọng tâm để đưa Việt Nam phát triển dựa trên nguồn lao động và tài nguyên, đồng thời đưa ra các ưu tiên về cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam như: chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng, cải thiện doanh nghiệp.
Trên lý thuyết, Việt Nam có 5 điểm nổi bật: điều kiện sản xuất rất tốt; sức mua của thị trường trong nước lớn; các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ tốt; chiến lược thông tin rõ ràng, minh bạch; cấu trúc cạnh tranh nội địa phải mạnh.
Nếu chiểu theo 5 lợi thế trên vào nền nông nghiệp, Việt Nam có những thuận lợi như điều kiện sản xuất tốt, khí hậu thời tiết tốt, thủy lợi kênh mương rất tốt. Bên cạnh đó, với sức mua trong nước của hơn 90 triệu dân GDP khá cao, tốc độ giảm nghèo ổn định qua từng năm, cùng với đó là 1,5 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu được bổ sung thêm hàng năm. Chưa kể thị trường các nước láng giềng.
Tuy nhiên, có 3 góc khác của năng lực cạnh tranh không trọn vẹn như thế.
Thứ nhất, ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp đầu vào máy móc, thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt phần chế biến đang rất kém. Phần lớn nông sản xuất khẩu của ta đều ở dạng thô, đưa ra nước ngoài qua chế biến gắn mác hàng Việt Nam chất lượng cao. Đặc biệt, có những vùng nông nghiệp rất quan trọng, nổi tiếng như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long lại không có km đường sắt nào cả, hầu như không có đường cao tốc, điều điều kiện đó làm cản trở sự phát triển của nông nghiệp.
Thứ hai, câu chuyện cấu trúc cạnh tranh, thời gian đầu doanh nghiệp của Việt Nam có cạnh tranh không công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Nhưng hiện nay, trong điều kiện hội nhập mạnh mẽ, doanh nghiệp trong nước đang “chới với” để cạnh tranh khá vất vả với doanh nghiệp nước ngoài rất vất vả. Vì lẽ đó, doanh nghiệp Việt Nam đã nhỏ rồi lại còn nhỏ hơn. Điều này đã ảnh hưởng rất to lớn đến cung cách hoạt động của doanh nghiệp trong nước, tác động xấu đến năng lực cạnh tranh, thậm chí là kéo nhau đi xuống. Vì thế, các doanh nghiệp không hướng về công nghệ, về quan hệ thị trường, không hướng vào cải thiện môi trường, cải thiện quan hệ với người lao động.
Đây là những yếu tố tác động từ vĩ mô đến vi mô. Việt Nam cần thay đổi, để thực sự phát huy được năng lực cạnh tranh, biến năng lực cạnh tranh của quốc gia thành cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn. (Nguồn: Người đại biểu nhân dân) |
Rào cản đối với doanh nghiệp nông nghiệp
Một điều rất thú vị là nếu so sánh giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ thì bất ngờ là nông nghiệp hướng thẳng ra xuất khẩu. Từ câu chuyện thiếu ăn, lo ăn từng bữa, phải đi từ nhập khẩu, diện tích canh tác manh mún nhất trên thế giới (trung bình 0,5 ha cho một hộ, một hộ gia đình có đến 5 - 7 mảnh ruộng canh tác), cơ sở hạ tầng lạc hậu, khoa học công nghệ yếu kém, nhưng đi thẳng ra xuất khẩu. Là ngành xuất khẩu chủ lực, 36 - 37 tỷ USD/năm tiến đến là 40 tỷ USD/năm.
Đột phá đầu tiên là doanh nghiệp thủy sản chế biến, dám chấp nhận áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về vệ sinh an toàn thực phẩm, thay đổi nhà máy, thu mua nguyên liệu hay thậm chí nhà nhập nguyên liệu. Theo gương đó, các doanh nghiệp chế biến tiêu, điều, lúa gạo, gỗ… cũng phát triển rất mạnh.
TH True Milk là một trong những doanh nghiệp tiến thẳng ra nước ngoài mà có thị trường mở ổn định. Doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu, áp dụng công nghệ, dây chuyền bên ngoài, áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe ở những thị trường khó tính, bước một xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công to lớn thì Việt Nam cũng phải đối mặt với một thực tế khác là “thua ngay trên sân nhà”.
Tại sao lại mâu thuẫn như thế?
Thứ nhất, khó khăn lớn nhất chính là đất đai. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sợ nhất là không có đất để mở doanh nghiệp, không có đất để mở nhà máy, không thể liên kết được nhiều hộ nông dân có diện tích đất nhỏ lẻ.
Thứ hai, là về lao động. Việt Nam nói về năng lực người lao động, tác phong lao động, đa số các lao động làm trong nhà máy xí nghiệp, các doanh nghiệp là lao động thời vụ không được đăng ký, không có hợp đồng, không được đóng bảo hiểm. Họ không thể đầu tư để nâng cao trình độ, không có ý thức phấn đấu hết mình.
Thứ ba, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu vốn nghiêm trọng, trong đó có vốn đầu tư trung hạn, đầu tư dài hạn ngay cả vốn ngắn hạn còn thiếu. Các doanh nghiệp nhỏ thường không có tài sản gì để thế chấp ngoài diện tích đất dự định đầu tư sản xuất. Tuy nhiên thế chấp tài sản như nhà màng, nhà lưới… lại không được ngân hàng chấp nhận.
Thứ tư, 90% công nghệ hiện nay vẫn do viện, trường quản lý, trong khi tất cả các ngành khoa học đã xã hội hóa rồi. Các công trình khoa học theo kiểu quản lý, lập kế hoạch, đánh giá đề tài đều cho Hội đồng khoa học chứ không phải cho doanh nhân, nông dân chưa quan hệ cung cầu, khách hàng.
Thứ năm, chính là thiếu thông tin. Tại sao nông dân chặt cây này, trồng cây kia chạy theo cung cầu ngắn hạn của thị trường, bởi vì không có cơ quan nghiên cứu thông tin dài hạn, không có thông tin dài hạn cho người nông dân. Thay vì việc phải đi giải cứu nông sản hàng năm, Việt Nam đầu tư phải vào thị trường, hệ thống chuỗi giá trị.
Cuối cùng là các dịch vụ nhà nước, Việt Nam có rất nhiều dịch vụ công phục vụ đầu vào như khuyến nông thủy lợi, tăng sản xuất mở rộng sản xuất, thay vì phát triển thị trường mở rộng thị trường bảo vệ quyền lợi người nông dân trong thời kỳ cơ chế thị tường. Nếu làm được như thế, doanh nghiệp Việt Nam đủ sức cạnh tranh về nông nghiệp trên thị trường.