Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hối thúc các nước hành động nhanh chóng để hạn chế sự lây lan của biến thể Omicron. (Nguồn: Reuters) |
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, tính đến nay, Omicron đã xuất hiện tại 77 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông cho rằng, biến thể "có thể" đã lan rộng đến hầu hết các quốc gia mà không bị phát hiện "với tốc độ chưa từng thấy" ở bất kỳ biến thể nào của SARS-CoV-2.
WHO hối thúc các nước cần nhanh chóng có hành động để hạn chế sự lây lan, bảo vệ hệ thống y tế, tránh tâm lý chủ quan.
Trong khi đó, chuyên gia của WHO Bruce Aylward cảnh báo, không nên có suy nghĩ rằng "đây chỉ là căn bệnh nhẹ" bởi điều này có thể đẩy con người vào tình huống đặc biệt nguy hiểm.
Cùng ngày, một nghiên cứu được công bố trên trang Medrxiv cho hay, cả ba loại vaccine ngừa Covid-19 được Mỹ cấp phép sử dụng dường như bị giảm hiệu quả chống lại biến thể Omicron.
Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH), Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã tiến hành xét nghiệm nồng độ kháng thể của những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna hoặc Johnson & Johnson để xác định hiệu quả của vaccine chống lại một loại virus giả (pseudovirus) gần giống Omicron.
Kết quả cho thấy, những người đã hoàn thành tiêm chủng đầy đủ (hai mũi với vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, hoặc một mũi duy nhất vaccine của Johnson & Johnson) đều có nồng độ kháng thể thấp đến mức “gần như không có”.
Tuy nhiên, nồng độ kháng thể của những người đã tiêm mũi tăng cường thể hiện khả năng trung hòa mạnh mẽ với biến thể.
Trước đó, ngày 13/12, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) cũng cho biết, hai mũi vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc AstraZeneca không tạo ra đủ kháng thể trung hòa chống lại biến thể Omicron.
Pfizer/BioNTech hồi tuần trước thông báo, thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, một mũi vaccine tăng cường của hãng này có thể vô hiệu hóa biến thể Omicron. Trong khi đó, Moderna và Johnson & Johnson chưa công bố dữ liệu về hiệu quả của vaccine của mình trước biến thể mới.
Trong một diễn biến khác, Pfizer thông báo, các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc Paxlovid điều trị Covid-19 của hãng có khả năng làm giảm tới 90% nguy cơ nhập viện và tử vong ở những người có nguy cơ cao.
Pfizer cũng khẳng định, loại thuốc này có khả năng chống lại biến thể Omicron trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Omicron lần đầu tiên được phát hiện tại Nam Phi và báo cáo lên WHO vào ngày 24/11. Các dữ liệu ban đầu cho thấy, biến thể này có khả năng kháng các loại vaccine ngừa Covid-19 hiện có và thậm chí có khả năng lây nhiễm dễ dàng hơn biến thể Delta, được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ và đang là biến thể lây nhiễm chủ đạo trên toàn thế giới.
Hiện giới khoa học đang nỗ lực tìm hiểu thêm về Omicron để có những khuyến cáo chính xác về nguy cơ lây nhiễm cũng như độc lực của biến thể này.