Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ là bước ngoặt mới cho tiến trình hòa bình tại Afghanistan sau nhiều năm xung đột, với sự tham gia tích cực và thiện chí hiếm thấy đến từ phía Taliban. Trước đó, Mullah Sher Agha, chỉ huy lực lượng Taliban tại Herate, Tây Bắc Afghanistan từng khẳng định họ sẽ tiếp tục chiến đấu để tiêu diệt “ngoại xâm”, song sẽ không tiếp tục xung đột với “những người Afghan” khác. Một thủ lĩnh khác của Taliban, Mullah Abdallah Khan thì cho rằng: “Chiến tranh không mang lại bất kỳ kết quả gì ngoài việc khiến cả hai bên cùng thiệt hại.”
Thêm vào đó, với tình hình chiến sự ở thời điểm hiện tại, Taliban có cơ sở để tham gia đàm phán lần này. Chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani kiểm soát 56% lãnh thổ, song 1/3 trong số đó vẫn đang tranh chấp và ngày càng mở rộng sau những chiến thắng của Taliban Điều đó lý giải tại sao Taliban lại tự tin đến vậy khi đề cập tới đàm phán.
Chiến binh Taliban đầu hàng, nộp vũ khí tháng 3/2018. (Nguồn: AFP) |
Về phần mình, dù không phải là một bên tham gia đàm phán, song Mỹ cũng nhìn nhận rằng việc Taliban cởi mở về đàm phán với chính quyền Afghanistan là điều cần thiết, khi từ lâu Washington đã không còn tin vào chiến thắng về mặt quân sự. Dẫu vậy, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định: “Chúng tôi đang nói về một tiến trình hòa giải do người Afghan dẫn dắt và làm chủ. Cách tốt nhất để Taliban ngồi lại bàn đàm phán là khiến họ nhận ra rằng một chiến thắng quân sự là không thể và thương lượng là giải pháp duy nhất.” Washington, mặc dù ủng hộ một tiến trình hòa giải tại Afghanistan, không tin tưởng vào sự can thiệp của bất kỳ một bên nào khác, đặc biệt là Moscow. Tướng John Nicholson, cựu Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Afghanistan, cho rằng Nga đang làm xói mòn nỗ lực quân sự của Mỹ, chia rẽ giữa nước này và đồng minh Trung Á.
Trái với những cáo buộc của Mỹ, Nga cũng mong muốn thiết lập lại hòa bình, ổn định tại Afghanistan nhằm thể hiện tầm ảnh hưởng quốc tế của mình với các nước vùng Trung Á. Chiến lược này của Moscow sẽ được thực hiện theo ba cách. Đầu tiên, Nga cho rằng Quân đội Quốc gia Afghanistan (ANA) và các bên liên quan, trong đó có cả Mỹ, cần nỗ lực tiêu diệt phần tử khủng bố ISKP, với lực lượng đã lên tới 10.000 người. Thứ hai, Moscow khẳng định hòa bình và ổn định chỉ có thể đến với Afghanistan một khi buôn bán thuốc phiện, hoạt động cung cấp tài chính cho các nhóm phiến quân, bị triệt phá. Cuối cùng, chính quyền của Tổng thống Putin nhận thấy cần tiến hành đàm phán với phái trung lập trong Taliban và tính toán về sự hiện diện của nhóm này trong mọi bước đi chính trị sắp tới tại Afghanistan.
Nga đã đạt được thành công nhất định khi Taliban đã đồng ý tham dự hòa đàm tại Moscow ngày 4/9. Tuy nhiên, nỗ lực của Nga đã bị suy giảm ít nhiều sau khi Afghanistan từ chối tham dự và yêu cầu Moscow hủy bỏ sự kiện này. Dường như chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani tin rằng đối thoại trực tiếp với Taliban sẽ giảm thiểu rủi ro đến từ nhân tố nước ngoài như Nga, Pakistan và Iran. Ngoài ra, bên cạnh tiếp nhận hỗ trợ quân sự từ Mỹ, Kabul tin rằng hợp tác với Taliban là cần thiết để triệt tiêu mối nguy hiểm đến từ ISKP. Mong rằng lòng tin này sẽ tạo tiền đề cho hai bên xích lại gần nhau hơn, tìm kiếm giải pháp khôi phục hòa bình tại quốc gia còn nhiều bất ổn này.