Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là một trong tám tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long với Tây Nguyên và với quốc tế, đặc biệt với Campuchia, Lào, Thái Lan.
Bình Phước là tỉnh nằm trong tam giác phát triển TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai. (Nguồn: Báo Bình Phước) |
Bên cạnh đó, Bình Phước còn có nhiều lợi thế và tiềm năng về tài nguyên du lịch sinh thái, với rừng cao su bạt ngàn xanh ngát, Khu di tích quốc gia đặc biệt Tà Thiết, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, khu du lịch tâm linh núi Bà Rá, khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ… Bên cạnh đó, Bình Phước còn là tỉnh nằm trên tuyến du lịch xuyên quốc gia Việt Nam - Campuchia - Lào - Thái Lan bằng đường bộ.
Điểm đến "hấp dẫn" của nhà đầu tư nước ngoài
Về thu hút đầu tư, đến nay tỉnh có 354 dự án FDI, với số vốn đầu tư 3,369 tỷ USD. Với lợi thế quỹ đất rộng, mặt bằng sạch và giá thuê đất thấp (khoảng từ 80 - 90 USD/m2), tỉnh Bình Phước đã thu hút không ít sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Hiện nay Bình Phước có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.061 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 53,5%, trong đó khu công nghiệp Becamex Bình Phước diện tích 2.450 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 11,6% và khu công nghiệp Minh Hưng - Sikiko diện tích 655 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 39,7%.
Đây là hai khu công nghiệp mới, có quy mô diện tích khá lớn, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại và giao thông đi lại thuận tiện, rất thích hợp cho các nhà đầu tư. Giai đoạn 2021-2030 tỉnh mở rộng thêm ba khu công nghiệp với tổng diện tích 2.500 ha, trong đó KCN Bắc Đồng Phú 900 ha, KCN Nam Đồng Phú 600 ha, KCN Minh Hưng - Sikiko 1.000 ha; quy hoạch mới 5 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.800 ha, trong đó có KCN Đồng Phú 3.300 ha gần tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Ngoài ra, tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với diện tích 28.000 ha sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Tạo thuận lợi tốt nhất cho nhà đầu tư
Tỉnh Bình Phước đã ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ngoài ưu đãi theo quy định của Chính phủ Việt Nam, tỉnh còn quy định một số chính sách ưu đãi đặc thù riêng cho xã hội hóa các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, du lịch; chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đối với dự án đầu tư các sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh; hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Không những thế, tỉnh còn thường xuyên đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay, Bình Phước là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về dịch vụ công trực tuyến được kết nối trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần liên hệ trực tuyến hoặc trực tiếp với một đầu mối là Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ sơ và nhận kết quả giải quyết. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư tại tất cả các khâu đều được rút ngắn còn bằng 2/3 thời gian so với quy định của Chính phủ.
Công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng được tỉnh quan tâm, với mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chiến lược quy hoạch và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của Tỉnh đã được triển khai xây dựng sớm, phù hợp với quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng Đông Nam Bộ. Trong quý I/2022, Tỉnh đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó tỉnh sẽ xác định dự án và thứ tự ưu tiên để kêu gọi thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2030.