TIN LIÊN QUAN | |
Bitcoin và kỳ tích đáng lo ngại | |
Ngất lên ngất xuống vì mất 75 triệu USD Bitcoin |
Bitcoin - đồng tiền thuật toán nổi tiếng có giá chẳng đến 0,1 USD vào năm 2010, tăng lên gần 10 USD vào năm 2012. Đầu năm 2017, nó có giá 750 USD, nhưng sau khi tiến tới mốc 12.000 USD vào đêm 5/12, ngay sáng hôm sau giá bitcoin đã lên 12.506 USD. Như vậy, chỉ trong một tháng trở lại đây, tiền số bitcoin đã tăng gần gấp đôi từ chỉ 7.200 USD hôm 6/11. Hiện tại, giá trị vốn hóa của đồng tiền này đã đạt khoảng 208.077 tỷ USD.
Nhiều người kỳ vọng giá bitcoin sẽ tiếp tục tăng gấp đôi, gấp bốn trong thời gian tới. (Nguồn: Fortune) |
Chưa có tiền số chính thức
Như vậy, chỉ sau hơn 8 năm ra đời, bitcoin đã trở thành đồng tiền có giá trị nhất mọi thời đại. Đó cũng là lý do khiến ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang để ý nhiều hơn đến nó. Hai bài toán rất lớn đang được đặt ra với những người bảo vệ nền kinh tế toàn cầu là cần phải đối xử thế nào trong xu hướng nổi lên của các đồng tiền số và liệu có nên phát hành đồng tiền số chính thức hay không?
Tuy nhiên, đến nay, dù bitcoin đã trở thành đồng tiền số lớn nhất thế giới và giá trị của nó tăng nhanh ngoài sức tưởng tượng, Ngân hàng Trung ương các nước vẫn đưa ra các quan điểm trái chiều.
Thời gian gần đây, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã liên tục cảnh báo sự nguy hiểm của hoạt động đầu tư vào các đồng tiền kỹ thuật số. Phó Chủ tịch ECB Vitor Constancio nhận định, bitcoin không phải tiền tệ mà là một dạng “hoa tulip”. Một chuyên gia khác của ECB thì cho rằng, tính không ổn định của bitcoin, mối liên hệ đến trốn thuế và bọn tội phạm là những rủi ro lớn của tiền số.
Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tiến hành điều tra về thị trường tiền số nhưng không mấy hào hứng với ý tưởng phát hành một phiên bản tiền số tương tự. Tuy được cho là người ủng hộ công nghệ tài chính, nhưng vị Chủ tịch Fed tương lai - Jerome Powell vẫn thận trọng với thách thức về bảo mật.
Còn tại châu Á, Thống đốc Ngân Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cho biết không có kế hoạch phát hành đồng tiền số trong ngắn hạn, nhưng sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn. Ngân hàng Ấn Độ (RBI) lại thẳng thắn phản đối các đồng tiền kỹ thuật số, khi cho rằng chúng có thể là kênh rửa tiền và tài trợ cho
khủng bố. Còn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố mọi điều kiện đã chín muồi để họ làm chủ công nghệ này, tuy nhiên họ vẫn chưa thông báo ngày nào sẽ chính thức phát hành tiền số.
Trong khi đó, Hà Lan là một trong những quốc gia có bước đi táo bạo nhất trong việc thử nghiệm loại tiền này. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra ở Anh, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney đánh giá các đồng tiền kỹ thuật số như là một phần của cuộc cách mạng tiềm năng trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, BoE cũng chưa có ý định tạo ra một phiên bản số của bảng Anh trong tương lai gần.
Như vậy, đến nay chưa có tổ chức Nhà nước nào đứng sau để củng cố niềm tin vào tiền số. Tuy nhiên, trong giới đầu cơ không ít người đang ủng hộ mạnh mẽ đồng tiền này. Nhiều người kỳ vọng giá bitcoin sẽ tiếp tục tăng gấp đôi, gấp bốn trong thời gian tới, thậm chí đạt mức 40.000 USD vào cuối năm 2018.
Bong bóng nguy hiểm
Mức tăng trưởng kỳ lạ của bitcoin trong những ngày qua đã khiến giới phân tích lo ngại. Mang đầy đủ đặc tính của một bong bóng kinh tế, không ít chuyên gia cho rằng, thị trường này sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian. Nếu điều đó xảy ra, bitcoin sẽ trở thành bong bóng lớn nhất trong lịch sử. Và nó hoàn toàn có thể vỡ theo một vài kịch bản trong quá khứ như mô hình lừa đảo Ponzi, cơn cuồng hoa tulip, bị tin tặc tấn công, bị siết chặt quản lý, hoặc sẽ giống như bong bóng dot.com, khi nhà đầu tư “ngồi” trên đống tài sản ảo trị giá khổng lồ, nhưng không thể bán được cho ai.
Trên thực tế, giao dịch bitcoin trên thị trường hiện không phải vì giá trị sử dụng, mà là kiếm lời từ biến động giá trị. Tình trạng bán ra để chốt lời sau mỗi lần bitcoin vượt qua các mốc giá chẵn đã được ghi nhận. Bởi vậy, kịch bản chốt lời ồ ạt của giới đầu cơ, kéo giá xuống dốc không phanh do tâm lý cắt lỗ dây chuyền rất có thể xảy ra, nếu tính thanh khoản xuống thấp.
Một kịch bản khác đã từng xảy ra với bong bóng hoa tulip hồi thế kỷ XVII ở Hà Lan cũng có thể xảy đến với bitcoin. Khi giá củ tulip vượt hàng trăm lần so với giá trị thật, bong bóng vỡ, người sở hữu mới nhận ra giá trị thực của củ tulip chỉ là trồng hoa. Giống như củ hoa tulip, bitcoin cũng có giá trị sử dụng nhất định, tuy nhiên giá của nó cũng đang được đẩy lên quá cao so với giá trị thực.
Trên thực tế, tiền ảo có những đặc tính ưu việt được cả giới chuyên gia, CEO và những nhà đầu tư thừa nhận, nhưng việc không thể kiểm soát những thất thường của nó cũng khiến nhiều người nghi ngại. Chính mức tăng điên cuồng mà không cần một lý do nào của bitcoin, cho thấy nó cũng có thể “tụt dốc” rất bất ngờ cũng chẳng vì một lý do gì.
Giữa cơn bão bitcoin, người được coi là một trong những chuyên gia kinh tế nhiều ảnh hưởng nhất ở Phố Wall - GS. Stephen Roach lại chẳng có chút tin tưởng nào với bitcoin. Phát biểu trên kênh CNBC mới đây, chuyên gia này cho rằng, với biểu đồ tăng giá thẳng đứng chưa từng có, bitcoin là bong bóng đầu cơ nguy hiểm nhất trên bất kỳ phương diện hay phạm vi nào của trí tưởng tượng. Do thiếu vắng giá trị kinh tế thực chất bên trong, giống như tất cả mọi bong bóng khác, bong bóng bitcoin sẽ vỡ.
Fed: Bitcoin có thể đe dọa sự ổn định của tài chính thế giới Các loại đồng tiền điện tử như Bitcoin có thể đe dọa đến sự ổn định của nền tài chính thế giới trong bối cảnh ... |
Cơn sốt tiền ảo tại Nhật Bản Ý tưởng đưa tiền ảo vào sử dụng song song với đồng Yen là bước đi táo bạo của Nhật Bản nhằm cải tiến hệ ... |
Tiền ảo thách thức nhà quản lý Sẽ đến lúc ngân hàng trung ương các nước cần phải quyết định xem có nên phát hành phát hành các loại tiền ảo hay ... |