Nguy cơ bị Mỹ phát động chiến tranh thương mại
Sau khi tuyên bố Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), tân Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp công kích chính sách thương mại của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đảng Cộng hòa của ông Donald Trump đang thúc đẩy cải cách thuế theo hướng tăng cường đánh thuế hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia để tăng lợi thế cho hàng Mỹ. Những động thái này làm gia tăng lo ngại về một kỉ nguyên bảo hộ thương mại mới.
Những nước có nguy cơ bị Mỹ phát động chiến tranh thương mại là những quốc gia hưởng thặng dư trong thương mại song phương, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam.
Bloomberg nhận định, hiện Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Việt Nam vẫn chưa bị Tổng thống Mỹ Donald Trump "soi", nhưng có thể trong tương lai, điều này sẽ thay đổi bởi nước Mỹ đang có thâm hụt thương mại khá lớn với các quốc gia này.
Mỹ thâm hụt thương mại với hầu hết các đối tác lớn tại châu Á. (Nguồn: Bloomberg) |
Biểu đồ trên cho thấy, thứ tự các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á có thặng dư thương mại với Mỹ. Trong đó, Trung Quốc chiếm giá trị thặng dư áp đảo, còn Việt Nam xếp thứ ba trong danh sách này.
Liệu Việt Nam có rơi vào tầm ngắm?
Rõ ràng nếu xếp theo thứ tự này thì Việt Nam đang rơi vào "tầm ngắm" trong kế hoạch "kéo việc làm về nước Mỹ" của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên nguy cơ chiến tranh thương mại với quốc gia nào, nhiều hay ít không thể dựa vào giá trị thâm hụt ở biểu đồ trên mà còn tùy thuộc vào quan hệ ngoại giao giữa từng nước với Mỹ, mức độ ràng buộc qua các tổ chức, hiệp định thương mại...
Dưới đây là một số đánh giá của Bloomberg về các quốc gia châu Á có nguy cơ lọt vào "tầm ngắm" của tân Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến thương mại trong tương lai:
Trung Quốc
• Quan hệ thương mại được điều chỉnh bởi: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
• Luôn là mục tiêu chính trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Ông đe dọa gán mác “lũng đoạn tiền tệ” cho Trung Quốc và đánh thuế cao hàng hóa nước này vì cạnh tranh không lành mạnh. Song, ông tân Tổng thống hiện vẫn chưa có hành động cụ thể nào để trừng phạt thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ.
Nhật Bản
• Quan hệ thương mại được điều chỉnh bởi: quy định của WTO.
• Thủ tướng Shinzo Abe là một trong những lãnh đạo chủ động nhất châu Á trong việc cố gắng tránh khỏi các mối đe dọa của Tổng thống Donald Trump. Ông đã có hai chuyến đi đến Mỹ để gặp ông Trump sau khi vị tỷ phú này đắc cử.
• Tổng thống Donald Trump khá khó chịu về chuyện các công ty Mỹ bị hạn chế khi tiến vào thị trường ô tô tại Nhật Bản, trong khi ông Abe cho rằng điều này là do các doanh nghiệp Mỹ chưa đủ nỗ lực.
Việt Nam
• Quan hệ thương mại được điều chỉnh bởi: quy định của WTO, và Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (TIFA).
• Việt Nam đang trông đợi TPP để thắt chặt quan hệ thương mại với Mỹ.
• Thặng dư thương mại với Mỹ chiếm khoảng 15% nền kinh tế Việt Nam, chủ yếu nhờ các mặt hàng may mặc và đồ nội thất. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010, khi nhiều nhà máy Trung Quốc chuyển sang Việt Nam để tận dụng cơ hội từ lao động giá rẻ.
Qua phân tích trên có thể thấy Trung Quốc đang có nguy cơ cao nhất do gây ra giá trị thâm hụt quá lớn cho Mỹ. Nhật Bản tuy xếp thứ 2 về giá trị thâm hụt nhưng lại có được sự đảm bảo chính trị.
Việt Nam tuy đứng thứ 3 về giá trị thâm hụt gây ra cho Mỹ nhưng các ngành gây ra sự thâm hụt này chủ yếu là may mặc và nội thất, trong khi ông Trump lại tấn công mạnh vào các ngành công nghiệp chế tạo.